Động lực mới khơi nguồn tín dụng 'tam nông'

Nghị định số 156/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7 vừa qua đánh dấu bước ngoặt lớn trong chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn. Với hàng loạt quy định mới, nghị định tạo điều kiện tháo gỡ nhiều rào cản tiếp cận vốn, tạo động lực thúc đẩy khu vực 'tam nông' phát triển.

Người lao động Hợp tác xã chè Hảo Đạt (xã Tân Cương, tỉnh Thái Nguyên) đóng gói sản phẩm chè.

Người lao động Hợp tác xã chè Hảo Đạt (xã Tân Cương, tỉnh Thái Nguyên) đóng gói sản phẩm chè.

Ngày 16/6, Chính phủ ban hành Nghị định số 156/2025/ NĐ-CP (Nghị định 156) sửa đổi, bổ sung một số điều về . Trong bối cảnh nhu cầu đầu tư vào nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn ngày càng lớn nhưng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân và doanh nghiệp nông thôn còn hạn chế do thiếu tài sản thế chấp, nghị định mang đến nhiều điểm mới có tính đột phá.

Dòng vốn luân chuyển liên tục, kịp thời

Từ ngày 1/7, bộ máy chính quyền địa phương cả nước chính thức bước sang giai đoạn mới, chỉ còn hai cấp. Để đồng bộ với những thay đổi này, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết: Nghị định số 156 điều chỉnh, bổ sung kịp thời để dòng vốn cho khu vực “tam nông” luân chuyển thông suốt, phù hợp với mô hình chính quyền mới.

Cụ thể, Nghị định 156 đã sửa đổi Khoản 1, Điều 3 quy định về khu vực nông thôn, theo đó, nông thôn là địa giới đơn vị hành chính xã, đặc khu (không bao gồm đặc khu mà chính quyền địa phương ở đặc khu thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tương ứng của chính quyền địa phương ở phường). Nghị định cũng bãi bỏ một số điều khoản liên quan đến nhiệm vụ của các bộ, phù hợp với kết quả sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ.

Cùng với sự điều chỉnh về chính sách, để đồng bộ với mô hình quản lý hành chính mới của 34 tỉnh, thành phố sau sắp xếp, Ngân hàng Nhà nước cũng tổ chức lại hệ thống chi nhánh. Theo đó, 15 chi nhánh Ngân hàng Nhà nước khu vực chính thức vận hành từ ngày 1/7, thay thế cho 63 chi nhánh Ngân hàng Nhà nước cấp tỉnh, thành phố trước đây. Các ngân hàng thương mại, nhất là Agribank (ngân hàng chủ lực cho vay nông nghiệp, nông thôn) cũng chủ động bám sát chính quyền địa phương để kịp thời bắt nhịp sự thay đổi của chính sách.

Theo Giám đốc Agribank chi nhánh Nam Định Vũ Tấn Bằng, ngân hàng tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc, làm việc với chính quyền các địa phương. “Nhiều cán bộ cấp huyện được phân công giữ các chức vụ chủ chốt tại xã. Họ chính là những người từng phối hợp hiệu quả với Agribank, cho nên mối quan hệ duy trì liên tục, liền mạch, không bị gián đoạn”, ông Vũ Tấn Bằng chia sẻ.

Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Nam Thái Nguyên Nguyễn Hữu Vũ cho hay: Chi nhánh Agribank Nam Thái Nguyên sớm thành lập tổ chỉ đạo, chủ động rà soát địa bàn, cập nhật thông tin từ các đơn vị chức năng liên quan để bảo đảm hoạt động phù hợp. “Chúng tôi không chờ đợi mà chủ động vào cuộc. Khi chính quyền mới đi vào vận hành, Agribank bắt nhịp được ngay”, ông Vũ khẳng định.

Mở hướng cho nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn

Giới chuyên gia đánh giá điểm đột phá của Nghị định 156 là bổ sung chính sách tín dụng khuyến khích nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn hưởng chính sách tín dụng tương tự như khách hàng sản xuất , liên kết trong sản xuất nông nghiệp (về mức cho vay không có tài sản bảo đảm, cơ chế xử lý rủi ro).

Với quy định mới, các dự án thuộc mô hình nông nghiệp tuần hoàn, tận dụng các nguồn tài nguyên và phụ phẩm để tái sử dụng, tái chế hoặc chuyển hóa tạo ra các sản phẩm, có thể vay đến 70% tổng mức đầu tư mà không cần tài sản thế chấp. Đây là lần đầu Việt Nam ưu đãi tín dụng cụ thể cho lĩnh vực này. Sự thay đổi mang tính đột phá này có ý nghĩa lớn vì trước đó, các mô hình sản xuất tuần hoàn thường khó tiếp cận tín dụng do thiếu tài sản cố định, dù hiệu quả môi trường và hiệu suất sản xuất cao.

Nghị định 156 sửa đổi Khoản 2, Điều 9 để mở rộng và nâng mức cho vay không cần tài sản bảo đảm. Theo đó, cá nhân và hộ gia đình được vay tối đa 300 triệu đồng mà không cần tài sản bảo đảm (gấp 3 lần so với trước). Mức vay tối đa không cần tài sản bảo đảm cũng được nâng lên 500 triệu đồng với tổ hợp tác, hộ kinh doanh; 3 tỷ đồng với chủ trang trại và 5 tỷ đồng với hợp tác xã (HTX), Liên hiệp hợp tác xã. Đây là mức vay lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực tín dụng “tam nông” không yêu cầu thế chấp.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa đánh giá: Nhu cầu vốn của người nông dân, hợp tác xã ngày càng tăng, cho nên những quy định mới là điều cả người dân và giới chuyên gia mong mỏi bấy lâu. Đặc biệt, với việc nâng mức cho vay không cần tài sản bảo đảm, nghị định sẽ giúp người dân có vốn để khởi nghiệp ở quy mô lớn hơn, hướng tới sự công khai, minh bạch, từ đó, tạo sức cạnh tranh trên thị trường, thay vì kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún.

Ngoài việc nâng hạn mức, Nghị định cũng giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho khách hàng khi vay vốn tại các tổ chức tín dụng. Người dân không cần nộp giấy xác nhận đất chưa có sổ đỏ hoặc không tranh chấp như trước. Việc nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thực hiện theo thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng, thay vì bắt buộc như quy định trước đây.

Nhiều hợp tác xã sản xuất thuộc khu vực “tam nông” khi biết những quy định, thủ tục được “cởi trói” đều phấn khởi. Giám đốc hợp tác xã chè Hảo Đạt (xã Tân Cương, tỉnh Thái Nguyên) Đào Thanh Hảo chia sẻ: “Hợp tác xã có nhu cầu mở rộng quy mô hơn 20 ha, hình thành vùng trồng chè tập trung gắn với công nghệ cao, kết hợp phát triển du lịch cộng đồng. Kế hoạch này rất cần sự hỗ trợ vốn ưu đãi từ phía ngân hàng. Nhà nước có chính sách cho vay tăng hạn mức và không phải thế chấp sổ đỏ thật sự là tin vui với hợp tác xã, người dân cũng sẽ mạnh dạn vay vốn hơn”.

Phó Tổng Giám đốc Agribank Phùng Thị Bình khẳng định, Agribank luôn dành hơn 65% tổng dư nợ tín dụng cho lĩnh vực Đến nay, doanh số cho vay nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Agribank đạt hơn 25.000 tỷ đồng, chiếm 50% tổng nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, tính đến ngày 30/6, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt hơn 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024; trong đó, tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp-nông thôn chiếm 23,16%. Nghị định 156 không chỉ là “cú huých” về vốn cho lĩnh vực “tam nông”, mà còn là tín hiệu chính sách rõ ràng cho xu hướng nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn và phát thải thấp.

Bài và ảnh: HỒNG ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dong-luc-moi-khoi-nguon-tin-dung-tam-nong-post892713.html