Động lực để 'Dạy tốt, học tốt'

PTĐT - Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 'Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt', nhiều năm qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Phú Thọ đã triển khai thực hiện hiệu quả phong trào thi đua...

Cô và trò Trường THCS Giấy Phong Châu, huyện Phù Ninh tìm hiểu về ATGT.

Cô và trò Trường THCS Giấy Phong Châu, huyện Phù Ninh tìm hiểu về ATGT.

PTĐT - Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”, nhiều năm qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Phú Thọ đã triển khai thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, khẳng định vị thế của giáo dục Đất Tổ trong tốp những tỉnh, thành phố có nền giáo dục tốt nhất cả nước.

Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo
Phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” giai đoạn 2016- 2020 được gắn với thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các cuộc vận động của ngành như: “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”; các phong trào thi đua: “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”... Từ phong trào này, cán bộ, giáo viên (CBGV), học sinh (HS) ở các bậc học không ngừng đổi mới, sáng tạo, qua đó xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến xuất sắc; sự nghiệp GD&ĐT của tỉnh đạt nhiều thành tích quan trọng. Điển hình như cô giáo Hà Ánh Phượng, giáo viên Trường THPT Hương Cần, huyện Thanh Sơn là người dân tộc nhưng đã có những sáng kiến, sáng tạo đột phá trong giáo dục như mô hình lớp học xuyên biên giới và các dự án quốc tế để học sinh dân tộc kết nối với quốc tế; các sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy của cô giáo Phượng cũng được báo cáo tại các hội thảo quốc tế Viettesol, trở thành một trong 50 giáo viên toàn cầu xuất sắc năm 2020. Cô giáo Hà Ánh Phượng cho biết: “Tôi luôn tâm niệm sẽ cố gắng hết sức để truyền thụ kiến thức cho học sinh, để các em dù ở vùng miền núi nhưng vẫn có thể vươn tới tri thức và mở rộng hiểu biết. Việc được ghi danh vào top 50 không chỉ có ý nghĩa cho bản thân tôi mà còn khẳng định được vị trí của ngành giáo dục và khả năng của giáo viên Việt Nam trên trường quốc tế”; được công nhận Chuyên gia giáo dục sáng tạo của Microsoft (MIE Expert); là giáo viên cốt cán môn Tiếng Anh giai đoạn 2020-2025 của UBND tỉnh; đạt học bổng toàn phần của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ SEAYLP dành cho giáo viên năm 2020. Cũng như cô Phượng, cô giáo Hà Thị Kim Liên, Trường THCS Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy đã có nhiều sáng kiến trong giảng dạy như: “Rèn luyện kỹ năng vẽ và nhận xét biểu đồ Địa lý cho học sinh lớp 9”, “Sử dụng giáo án điện tử trong dạy học Địa lý 6 để góp phần nâng cao chất lượng dạy”, “Sử dụng phương tiện trực quan trong dạy học Địa lý 8 góp phần phát huy tính tích cực học tập của học sinh”; đặc biệt sáng kiến “Ứng dụng công nghệ thông tin góp phần nâng cao chất lượng dạy học môn Địa lý 7” đã được công nhận là sáng kiến cấp tỉnh. Cô Liên chia sẻ: “Đối với học sinh THCS, ngoài việc dạy về kiến thức, giáo viên còn phải rèn các em về nền nếp, ý thức học và giáo dục kỹ năng sống, hơn nữa, kiến thức bậc THCS rất quan trọng, tạo nền tảng để chuyển cấp học, nếu học sinh nắm vững, sẽ học tốt ở những bậc học tiếp theo. Vì vậy, tôi mong muốn nghiên cứu, áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, đổi mới; tìm tòi phương pháp sáng tạo trong giảng dạy, trong soạn giáo án, nhằm giúp học sinh dễ thuộc, dễ nhớ, dễ hiểu. Đặc biệt, khi áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy đã làm cho bài giảng của mình thêm sinh động hơn, học sinh có hứng thú học hơn, học sinh được thay đổi phương pháp học tập, trước đây thường quen với phấn trắng, bảng đen thì giờ đây các em được quan sát các hình ảnh, các video nên các em sẽ chủ động và tích cực hơn trong quá trình học tập”.Trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều thầy, cô giáo đã và đang nỗ lực gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, khắc ghi hình ảnh đẹp của người giáo viên nhân dân tận tụy và trách nhiệm. Những tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo của đội ngũ nhà giáo đã góp phần duy trì nền nếp kỷ cương trong các đơn vị giáo dục, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Trường THCS Nông Trang, thành phố Việt Trì chú trọng rèn luyện thể chất cho học sinh.

Trường THCS Nông Trang, thành phố Việt Trì chú trọng rèn luyện thể chất cho học sinh.

Khẳng định chất lượng giáo dục trong tốp đầu cả nướcChất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn của Phú Thọ ngày càng nâng cao, liên tục trong nhiều năm, tỉnh có các trường THPT đứng trong top 200 trường có điểm bình quân thi đại học cao nhất cả nước (THPT Chuyên Hùng Vương, Long Châu Sa, Thanh Thủy, Việt Trì). Kết quả thi THPT Quốc gia có sự phát triển mạnh mẽ qua từng năm: Từ vị trí số 41 năm 2015, tỉnh Phú Thọ đã vươn lên giành vị trí số 11/63 tỉnh, thành của cả nước vào năm 2019. Đặc biệt năm 2019, bình quân các môn thi THPT Quốc gia của tỉnh Phú Thọ đạt 5,683 điểm, xếp thứ 11/63 tỉnh, đạt 76 điểm 10; có 38 thí sinh đạt điểm tổ hợp khối xét tuyển ĐH, CĐ từ 27 trở lên. Chất lượng giáo dục mũi nhọn cũng khẳng định vị thế của Giáo dục Phú Thọ không chỉ trong khu vực Trung du- Miền núi phía Bắc mà còn trong phạm vi cả nước. 5 năm qua, 186 học sinh có điểm thi THPT Quốc gia dùng để xét tuyển vào các trường đại học đạt từ 27 điểm trở lên, hai năm liên tiếp (năm 2018 và 2019) Phú Thọ có học sinh thủ khoa cả nước với điểm số gần tuyệt đối (Lê Bá Hoàng: 29,55 và Ngô Thu Hà 29,8 điểm- đều là học sinh của Trường THPT Chuyên Hùng Vương). Tỉnh Phú Thọ có 2 học sinh đạt Huy chương Quốc tế (1 Huy chương Đồng Olympic Hóa học- năm 2015, 1 Huy chương Đồng Olympic Sinh học- năm 2019); có 284 học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia, 30 dự án đạt giải trong cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THPT cấp Quốc gia. Đặc biệt năm 2018- 2019, Phú Thọ đạt 68 giải Quốc gia, xếp thứ 3 cả nước về tỷ lệ đạt giải (tỷ lệ 85%). Cùng với đó, chất lượng PCGD, xóa mù chữ đứng thứ 3 toàn quốc; huy động xã hội hóa đầu tư cho lĩnh vực giáo dục trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ năm 2015 đến nay trên 3.500 tỷ đồng. Trường THPT Chuyên Hùng Vương thường xuyên nêu cao tinh thần tự học, tự rèn luyện, đánh giá chất lượng với cả giáo viên và học sinh. Thầy giáo Phạm Tuấn Anh - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Tự học, tự trau dồi kiến thức, đổi mới phương pháp dạy học là yếu tố làm nên người thầy giỏi. Nhà trường thường xuyên tổ chức nhận xét về công tác dạy và học giữa giáo viên với giáo viên, giáo viên với học sinh và ngược lại, giúp giáo viên cũng như học sinh vươn lên, không ngừng làm mới, không ngừng cố gắng”. Tích cực, chủ động dạy và học, những năm qua, Trường THPT Chuyên Hùng Vương đã gặt hái nhiều thành quả với 100% học sinh đỗ tốt nghiệp; hai năm liên tiếp 2018 và 2019, Trường THPT Chuyên Hùng Vương có thủ khoa toàn quốc.Theo công bố của Sở GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, toàn tỉnh có 13.261 thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT, đạt tỷ lệ 99,7% (không bao gồm thí sinh tự do). Căn cứ điểm thi đạt được, xếp hạng điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT đợt 1, năm 2020 các địa phương trên cả nước, tỉnh Phú Thọ xếp thứ 13 với mức điểm trung bình đạt 6,44. Trong kỳ thi này, toàn tỉnh có 411 thí sinh đạt điểm 10.Ông Phùng Quốc Lập - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định: Tiếp tục thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”, ngành GD&ĐT tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng tổ chức phong trào thi đua trong ngành gắn với thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. Thời gian tới, ngành đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường; chỉ đạo các đơn vị, trường học triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về đổi mới phương pháp dạy học; đổi mới kiểm tra, đánh giá, thi cử theo hướng thực chất, đánh giá đúng năng lực của người dạy, người học; quan tâm xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay; động viên khuyến khích, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các tấm gương nhà giáo tiêu biểu, nhất là các nhà giáo đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh…

Hạnh Thúy

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/giao-duc/202009/dong-luc-de-day-tot-hoc-tot-172827