Động lực để bứt phá tăng trưởng
Thời gian qua, cùng với áp dụng visa điện tử, visa tại cửa khẩu, Chính phủ đã có nhiều bước đi quan trọng để cải thiện chính sách thị thực của Việt Nam theo hướng thông thoáng, linh hoạt hơn.

Khách quốc tế dạo chơi khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)
Tiêu biểu gần đây là Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 7/3/2025 về việc miễn thị thực với thời hạn tạm trú 45 ngày cho công dân 12 nước từ ngày 15/3/2025 đến hết ngày 14/3/2028; trước đó là Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 15/1/2025 về việc miễn thị thực cho công dân ba nước: Ba Lan, Séc và Thụy Sĩ theo Chương trình kích cầu phát triển du lịch trong năm 2025. Tuy nhiên, nếu so với một số quốc gia Đông Nam Á thì chính sách thị thực của nước ta chưa đủ sức cạnh tranh khi chỉ miễn cho công dân 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, với thời gian lưu trú chủ yếu từ 30-45 ngày, trong khi miễn visa cho 165 quốc gia, Singapore miễn cho 163 quốc gia, Thái Lan miễn cho 98 quốc gia với thời gian lưu trú từ 30-90 ngày.
Do đó, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh chưa thể mở rộng danh sách miễn thị thực như các nước trong khu vực, Việt Nam cần có chính sách visa chuyên biệt để thu hút dòng khách chất lượng cao là đối tượng có khả năng chi tiêu cao, những chuyên gia, nhân tài ở các lĩnh vực tới du lịch nhiều lần kết hợp đầu tư, hợp tác, sinh sống lâu dài. Bởi đây là phân khúc khách “tinh hoa” không chỉ mang đến nguồn lực tài chính, chất xám dồi dào, gắn liền nhu cầu sử dụng dịch vụ chất lượng cao, mà còn có khả năng tạo ra những giá trị tích cực lan tỏa tới nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội của đất nước, đồng thời góp phần thúc đẩy Việt Nam mở rộng hợp tác toàn cầu, tạo dựng hình ảnh điểm đến đẳng cấp, đáng sống.
Đó cũng là lý do những năm qua, không ít quốc gia sẵn sàng trải “thảm đỏ” để hút khách là các chuyên gia, nhân tài hay giới siêu giàu. Đơn cử, ngay từ tháng 9/2022, đã triển khai chương trình Thị thực cư trú dài hạn (LTR) với thời hạn lên đến 10 năm, dành cho 4 nhóm đối tượng người nước ngoài: công dân toàn cầu giàu có, người hưu trí giàu có, chuyên gia làm việc từ xa, chuyên gia tay nghề cao; đi kèm là nhiều quyền lợi khác như ưu đãi thuế thu nhập cá nhân, được xuất-nhập cảnh nhiều lần và quyền sở hữu tài sản… Nước này còn áp dụng chương trình Thị thực nhập cảnh đặc quyền Thái Lan và chương trình Thị thực thông minh Thái Lan, nhắm đến các đối tượng nêu trên theo từng nhóm ưu tiên.
Tháng 7/2024, Malaysia đã tái triển khai chương trình thị thực Ngôi nhà thứ 2 của tôi (Malaysia My Second Home), nhằm thu hút nhân tài và nhà đầu tư quốc tế. Singapore cũng đã vận hành một số chương trình thị thực cho các chuyên gia, nhân tài từ các nước khác đến làm việc như: Thị thực doanh nhân khởi nghiệp nước ngoài (EntrePass), Chương trình Nhà đầu tư toàn cầu (Global Investor Program) hay Thị thực doanh nhân công nghệ (Tech Pass)…
Các chương trình nêu trên có thể giúp Việt Nam tham khảo, học tập để điều chỉnh, áp dụng dựa trên điều kiện thực tế, nhằm từng bước hiện thực hóa yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về có chính sách phù hợp , các chuyên gia, người tài giỏi, tỷ phú thế giới vào Việt Nam; góp phần tạo tiền đề cho mức tăng trưởng hai con số trong tương lai.
Cách đây không lâu, dựa trên nghiên cứu cách làm của một số quốc gia trong khu vực, Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) đã có thư gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất 3 loại thị thực, bao gồm: Thị thực vàng Việt Nam (Vietnam Golden Visa) với thời hạn 5-10 năm, có khả năng gia hạn, dài hơn so với thời hạn 1-2 năm hiện tại; Thị thực đầu tư (Investor Visa) có thời hạn 10 năm, kèm theo lộ trình trở thành thường trú nhân sau 5 năm nếu duy trì mức đầu tư; và Thị thực nhân tài (Talent Visa) thời hạn 5 năm với quy trình gia hạn đơn giản. Những chính sách này không hướng đến miễn thị thực, bảo đảm được việc xác nhận lý lịch mà vẫn có tính thông thoáng, cởi mở để thu hút khách. TAB đề xuất có thể thí điểm chương trình này tại một số nơi có điều kiện thuận lợi như Phú Quốc, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng.
Việc xây dựng chính sách visa phù hợp không chỉ là “cánh cửa” chào đón dòng khách chất lượng cao mà còn là động lực để Việt Nam bứt phá tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là hướng đi chiến lược để phát triển du lịch Việt Nam theo hướng bền vững, tập trung vào chất lượng thay vì số lượng, nhất là trong điều kiện nguồn lực dành cho xúc tiến, quảng bá du lịch nước ta còn hạn chế. TAB cũng nhấn mạnh việc “nới” chính sách visa chỉ là bước đi ban đầu, muốn tạo lợi thế thu hút dòng khách giàu tiềm lực, vẫn cần có thêm một hệ sinh thái những ưu đãi, quyền lợi đi kèm phù hợp năng lực, điều kiện thực tế của Việt Nam. Vì thế, cần thành lập một Ban Cải cách chính sách thị thực, với sự tham gia của cả khu vực công và tư để xem xét các loại thị thực mới cũng như những ưu đãi mà Việt Nam nên cân nhắc áp dụng, nhằm có được một chính sách visa thân thiện, giàu sức cạnh tranh hơn.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dong-luc-de-but-pha-tang-truong-post891945.html