Động lực dẫn lối vào đại học

Chưa từng biết mặt cha, năm 3 tuổi lại mất mẹ vì căn bệnh ung thư quái ác, cô học trò Phạm Quỳnh Anh (Điện Biên) lớn lên trong tình yêu thương, đùm bọc của làng trẻ SOS.

Không chỉ giúp đỡ, Phạm Quỳnh Anh còn truyền cảm hứng học tập cho các em trong nhà.

Suốt 18 năm qua, chỉ có cánh cửa đại học là “bước ngoặt” duy nhất em được lựa chọn.

Những “bước ngoặt” không được chọn

Đón tôi trong ngôi nhà mang tên Hoa Sim, tại Làng trẻ SOS Điện Biên Phủ là cô học trò với khuôn mặt đầy suy tư và ánh mắt đượm buồn. Quỳnh Anh bảo: “Đây là nơi cưu mang, đùm bọc em từ ngày trở thành trẻ mồ côi”.

Ngay từ khi sinh ra, Quỳnh Anh đã không có được gia đình đầy đủ như bao đứa trẻ khác. Em không biết cha mình là ai. Ba tuổi, em phải đối mặt với “bước ngoặt” đầu tiên khi chỗ dựa lớn nhất là mẹ bị căn bệnh ung thư “cướp” mất. Kí ức hiếm hoi về mẹ, chỉ thông qua lời kể của bà.

“Nhiều lúc em muốn nhớ về mẹ, mà làm gì có kỉ niệm nào để nhớ?! Bà em bảo, mẹ vẽ rất đẹp, học cũng rất giỏi, mà bạc mệnh. Em cũng chỉ biết thế và thương mẹ, nhưng tình thương nhiều lúc cứ mơ hồ. Giá mà em không mất mẹ, hoặc mẹ chờ em lớn thêm chút nữa… Nhưng, em nào được lựa chọn!” – Quỳnh Anh nghẹn ngào.

Sau ngày mẹ mất, Quỳnh Anh sống cùng ông bà. Nhưng rồi, vì già yếu, kinh tế lại eo hẹp, sợ không đủ sức khỏe và điều kiện nuôi nấng, cực chẳng đã ông bà gửi em vào làng trẻ SOS để được chăm lo tốt hơn.

Quỳnh Anh tâm sự: Lúc đầu, em chưa biết gì nên giận ông bà. Nhưng vào đây sống một thời gian, có mẹ nuôi, rồi các cô chú quan tâm; được đi học như bạn bè cùng trang lứa em mới dần hiểu chuyện. Em cảm nhận được tình cảm gia đình từ mẹ và những người anh, chị, em trong này. Nên mọi nỗi buồn, tủi cũng nguôi ngoai.

Sau mỗi giờ học căng thẳng, Phạm Quỳnh Anh thường giúp mẹ nuôi việc nhà.

Học là sự lựa chọn duy nhất

Vào làng trẻ, Quỳnh Anh được đi học. Lúc đó thấy thích vì được đến trường, lớp với bạn. Lớn hơn chút, hiểu rõ hoàn cảnh, em không dám nghĩ mình có thể đi được chặng đường dài trong hành trình đi tìm tri thức. Thế nhưng, vì “biển tri thức vô cùng rộng lớn”, nên mỗi ngày tiếp thu thêm bài học mới, kiến thức mới, Quỳnh Anh lại thấy không đủ. “Em học vì quyết tâm phải thay đổi cuộc đời mình. Học để làm gương cho các em trong nhà noi theo, nhưng quan trọng là vì em muốn được học” – Quỳnh Anh nói.

Trong suốt hành trình ấy, môn học mà Quỳnh Anh đam mê nhất là Toán. Với nhiều bạn, đây có thể là môn học khô khan. Nhưng theo Quỳnh Anh thì không chỉ là kiến thức, môn học rèn luyện cho em tính cẩn thận, chỉn chu và logic trong nhìn nhận mọi vấn đề.

Theo thầy Nguyễn Mạnh Cường – giáo viên chủ nhiệm Quỳnh Anh tại Trường THPT TP Điện Biên Phủ, dù sức khỏe Quỳnh Anh không tốt nên hay phải nghỉ học. Nhưng em luôn bù lại bằng sự nỗ lực gấp nhiều lần so với các bạn khác. Vì thế, trong lớp, Quỳnh Anh luôn ở tốp dẫn đầu với nhiều thành tích xuất sắc. Điểm trung bình các môn học của em luôn đạt trên 9 và từng đoạt nhiều giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Toán.

Chia sẻ bí quyết làm nên những điểm số và thành tích “đáng nể” trong các kỳ thi, Quỳnh Anh chỉ khiêm tốn: “Em nghĩ điều quan trọng trước hết vẫn là nắm chắc kiến thức nền trong sách giáo khoa. Từ đó, mỗi bạn sẽ tìm ra hướng mở cho mình. Với em, chưa bao giờ cho mình đã giỏi. Vì thế, bất cứ kiến thức, bài tập nào em cũng tìm nhiều phương án tiếp cận và giải đáp. Việc rèn luyện, tích lũy kiến thức thông qua các đề thi thử cũng là một cách”.

Quỳnh Anh đã từng là đại diện của tỉnh tham dự cuộc thi “Chắp cánh ước mơ” diễn ra tại TPHCM vào năm học lớp 10. Em chinh phục Ban giám khảo để giành giải Nhì với bài thuyết trình về hành trình học tập và theo đuổi ước mơ để trở thành người sống có ích cho xã hội.

“Em lớn lên bằng những bữa cơm san sẻ của cộng đồng, sự chăm sóc của những người anh, em không phải ruột thịt. Chính vì thế, em hiểu rất rõ giá trị của tình yêu thương, nên em muốn san sẻ điều đó” – Quỳnh Anh nói.

Kể từ khi trở thành mồ côi, Làng trẻ SOS Điện Biên Phủ là gia đình, giúp Phạm Quỳnh Anh yên tâm học tập.

Giảng đường đại học là cánh cửa “mở”

Để bước qua “cánh cửa” trường đại học, Quỳnh Anh có sự chuẩn bị từ rất lâu. Qua vài lần được tiếp cận với máy tính từ những cuộc thi, em thấy mình có niềm đam mê thật sự với bộ môn này. Vì thế, em xin làng trẻ được thường xuyên lên văn phòng mày mò, học tập trên máy tính.

Năm học lớp 10, em có thêm động lực và điều kiện để trau dồi cho ước mơ, khi mỗi gia đình trong làng trẻ được cấp 1 máy tính phục vụ học tập cho các con.

“Nhà có hơn 10 anh chị em, phải chia nhau sử dụng, nên em thường chờ đến đêm, khi mọi người đi ngủ hết mới dùng. Em thích lập trình nên ngay từ đầu đã nuôi ý định trở thành 1 lập trình viên. Vì thế, em chọn ngành Công nghệ thông tin” – Quỳnh Anh cho hay.

Cũng theo Quỳnh Anh, giảng đường đại học luôn là cánh cửa “mở” dành cho tất cả mọi người. Bởi bản thân em, chưa từng nghĩ sẽ có điều kiện, cơ hội bước vào. Vậy mà giờ điều chưa từng ấy đã trở thành hiện thực.

Từ một cô bé mồ côi bỡ ngỡ bước vào làng trẻ ngày nào, Quỳnh Anh giờ đây là thiếu nữ tuổi 18 và sắp trở thành tân sinh viên khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam.

Em bảo, khoảnh khắc biết tin mình đỗ đại học là lúc em xúc động nhất. “Lúc ấy, em chỉ ước có bố và mẹ còn sống. Chắc chắn em sẽ nhận được lời động viên, những món quà và sự chuẩn bị mọi thứ từ bố mẹ như các bạn”.

Đó là Quỳnh Anh ước vậy, chứ trên thực tế, em đã lên kế hoạch về điều kiện học tập, tâm thế và tài chính rất chi tiết cho chặng đường mới. Mặc dù, kinh phí học tập vẫn được làng trẻ nuôi dưỡng, song em cũng chủ động tìm kiếm công việc làm thêm bằng nghề gia sư.

“Suốt những năm học phổ thông, mỗi lần nhận được học bổng, khen thưởng, rồi tiền từ thiện của các đoàn, tổ chức trao tặng, Quỳnh Anh đều nhờ tôi gửi tiết kiệm. Vừa rồi cháu rút 17 triệu đồng để mua 1 chiếc laptop mới phục vụ học tập. Tôi hy vọng với nghị lực ấy, từ nay, con đường của cháu sẽ rộng mở hơn” – bà Trần Thị Lơ, mẹ nuôi Quỳnh Anh, trải lòng.

“Bao nhiêu bước ngoặt quan trọng, làm thay đổi cuộc đời, em đều không được lựa chọn, hoặc còn quá nhỏ, chưa biết gì để mà chọn. Thế nhưng, học là sự lựa chọn duy nhất, đúng đắn nhất cho đến giờ của em” – Quỳnh Anh bộc bạch.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhan-ai/dong-luc-dan-loi-vao-dai-hoc-ee3Yw6NnR.html