Đồng Hỷ: Nhiều đập tràn bị ngập khi mưa lớn

Đồng Hỷ là huyện miền núi, địa hình có độ dốc khá lớn, hàng năm, vào mùa mưa lũ, lượng nước từ thượng nguồn đổ về làm mực nước ở các sông, suối dâng nhanh khiến một số đập tràn bị ngập, chia cắt giao thông, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của người dân…

Đồng Hỷ là huyện miền núi, địa hình có độ dốc khá lớn, hàng năm, vào mùa mưa lũ, lượng nước từ thượng nguồn đổ về làm mực nước ở các sông, suối dâng nhanh khiến một số đập tràn bị ngập, chia cắt giao thông, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của người dân…

Tràn Mỹ Lập, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ), thường xuyên bị ngập sâu từ 0,5-1,5m mỗi khi trời mưa to (ảnh chụp ngày 23/6/2023).

Tràn Mỹ Lập, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ), thường xuyên bị ngập sâu từ 0,5-1,5m mỗi khi trời mưa to (ảnh chụp ngày 23/6/2023).

Tràn Mỹ Lập thuộc xã Nam Hòa là một trong 4 tràn trên địa bàn huyện Đồng Hỷ thường xảy ra tình trạng chia cắt giao thông mỗi khi có mưa lớn. Đây là đường tràn quan trọng, nằm trên tuyến giao thông huyết mạch, kết nối xã Nam Hòa với các xã Văn Hán và Khe Mo. Đường tràn này được xây dựng trước năm 2005 do tổ chức Plan tài trợ.

Ông Nguyễn Đức Huyền, Trưởng xóm Mỹ Lập, cho biết: Những ngày mưa to, tràn bị ngập sâu từ 0,5 đến 1,5m. Chúng tôi phải đặt biển cảnh báo, chắn hai đầu, tránh trường hợp người dân cố tình đi qua sẽ mất an toàn.

Còn theo phản ánh của người dân thị trấn Trại Cau, mỗi khi trời mưa to, lũ về thì tràn Thác Lạc trên tuyến Quốc lộ 17 thường xuyên bị ngập sâu từ 1-2m với chiều dài khoảng 200m.

Ông Nguyễn Xuân Thủy, Tổ trưởng tổ dân phố 1, thị trấn Trại Cau, thông tin: Khi đó, Quốc lộ 17 sẽ bị chia cắt, cô lập thị trấn Trại Cau, xã Hợp Tiến, Tân Lợi với trung tâm huyện; sinh hoạt, sản xuất của người dân bị ảnh hưởng lớn. Cử tri đã ý kiến nhiều lần và chúng tôi cũng nhiều lần có văn bản đề xuất các cấp, ngành bố trí kinh phí thi công nạo vét toàn bộ tuyến suối Thác Lạc bị bồi lấp do ảnh hưởng của hoạt động khai thác khoáng sản, trả lại lòng suối theo hiện trạng ban đầu đảm bảo thoát nước mỗi khi trời mưa, khắc phục tình trạng ngập úng hiện nay.

Tại các tràn: Đoàn Kết, tổ 4 đi tổ 6, Mỏ kẽm chì Làng Hích… tình trạng giao thông thường xuyên bị chia cắt cũng diễn ra tương tự và ảnh hưởng đến đời sống hàng nghìn hộ dân các xã: Hợp Tiến, Tân Long, thị trấn Sông Cầu, Cây Thị, Khe Mo. Đối với người dân sống gần các tràn này thì việc nước sông, suối dâng cao ngập nhà đã diễn ra nhiều lần khiến bà con sống trong bất an.

Đập tràn được xây dựng bởi hai mục đích vừa đáp ứng nhu cầu tiêu thoát nước nhanh vào mùa mưa lũ, vừa phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, khi vào mùa mưa lũ, nước từ thượng nguồn đổ về, đập tràn bị ngập tạo thành cái “bẫy” nguy hiểm cho người và phương tiện đi qua đây.

Ông Dương Tiến Vững, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Cầu, cho biết: Đã bước vào mùa mưa bão, điều đó cũng có nghĩa là nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông tại các tuyến đường, nhất là những tuyến có các cầu tràn, cần được quan tâm. Tuy nhiên, việc tập trung lực lượng trong những đợt mưa lũ tại các cầu tràn chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, cần có những cây cầu bê tông cốt thép kiên cố.

Ông Ngô Xuân Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ, cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có những giải pháp sử dụng nguồn lực của địa phương, đồng thời huy động các nguồn lực để từng bước khắc phục vấn đề này. Trước mắt, ngoài việc đặt biển cảnh báo, barie, cầu chắn..., các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở người dân về sự nguy hiểm của các đập tràn khi mưa lũ đến; giám sát, cử người túc trực thường xuyên, kiên quyết không để cho người dân cố ý vượt đập tràn khi nước lũ dâng cao, nhanh chóng xử lý các sự cố trong phạm vi, khả năng.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-thong/202307/dong-hy-nhieu-dap-tran-bi-ngap-khi-mua-lon-c5d79ac/