Đồng euro rơi xuống mức thấp nhất hai năm sau khi Fed tăng lãi suất
Đồng euro đã giảm mạnh so với đồng USD, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2022, sau khi Fed cắt giảm lãi suất lần thứ ba trong năm nay và dự báo sẽ giảm chu kỳ nới lỏng lãi suất trong năm 2025.
Đồng euro đã giảm so với đồng USD xuống mức thấp của gần 2 năm là 1,03 euro/USD. Sự sụt giảm này diễn ra sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố quyết định cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm như dự kiến hôm 18/12, nhưng đồng thời phát tín hiệu rằng sẽ chỉ giảm thêm 0,5 điểm phần trăm lãi suất trong năm 2025, thay vì một điểm phần trăm như dự đoán trước đó.
Sự thay đổi bất ngờ này đã gây ra sự xáo trộn trên thị trường toàn cầu, khiến đồng USD tăng vọt và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng tăng mạnh. Chỉ số đồng USD đã vượt ngưỡng 108, một mức kháng cự kỹ thuật quan trọng, để đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2022. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 11 điểm cơ bản, lên mức cao nhất trong sáu tháng rưỡi là 4,51%.
Trái ngược với Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ tiếp tục giảm lãi suất ít nhất 1 điểm phần trăm trong năm tới, cho thấy chính sách tiền tệ nới lỏng hơn nhiều so với Fed. Các nhà phân tích cho rằng ECB có thể phải đẩy nhanh tốc độ cắt giảm lãi suất vào năm 2025 do những thách thức kinh tế mà Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang phải đối mặt. Bất ổn chính trị, sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc và nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump đều góp phần tạo nên một triển vọng kinh tế ảm đạm cho khu vực.
Tuần trước, ECB đã giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm lần thứ tư trong năm nay. Mặc dù khẳng định chính sách thắt chặt, song Chủ tịch ECB Christine Lagarde cũng cho biết lãi suất sẽ giảm thêm nếu dữ liệu kinh tế phù hợp với kỳ vọng. Bà cũng lưu ý rằng các biện pháp bảo hộ thương mại của ông Trump có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của khu vực Eurozone.
Thêm vào những yếu tố tiêu cực, theo ước tính của S&P Global, chỉ số PMI sản xuất sơ bộ cho thấy sự suy giảm sâu hơn trong ngành sản xuất ở cả Đức và Pháp. Ngân hàng trung ương Pháp đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này xuống 0,9% vào năm 2025 so với mức 1,2% trước đó, sau khi Moody's hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Pháp.
Sự thay đổi chính sách “hạn chế” của Fed đã làm tăng đáng kể tâm lý e ngại rủi ro trên thị trường toàn cầu. Chỉ số đo lường sự bất an CBOE Volatility Index (VIX) đã tăng 74% lên trên 27, mức cao nhất kể từ tháng 8/2024, khi thị trường chứng khoán toàn cầu trải qua đợt bán tháo ồ ạt do Ngân hàng trung ương Nhật Bản tăng lãi suất.
Trên thị trường tiền tệ, không chỉ đồng euro bị ảnh hưởng nặng nề bởi chính sách của Fed, mà các đồng tiền khác ngoài đồng USD cũng giảm mạnh. Đặc biệt, các đồng tiền như CAD, AUD, NZD đều giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm. Đồng CAD đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020, thời điểm đại dịch bắt đầu. Trước đó, ông Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Canada.
Phố Wall cũng sụt giảm mạnh, với ba chỉ số chính là Dow Jones Industrial, S&P 500 và Nasdaq đều giảm từ 2% đến 3% trong ngày 18/12. Chỉ số Dow Jones đã giảm hơn 1.000 điểm, kéo dài chuỗi giảm điểm chín phiên liên tiếp. Các thị trường chứng khoán châu Âu cũng được dự đoán sẽ bị ảnh hưởng bởi tâm lý e ngại rủi ro lan rộng.
Trên thị trường hàng hóa, giá kim loại và dầu thô đều giảm. Tuy nhiên, giá vàng đã phục hồi nhanh chóng trong phiên ngày 19/12 tại thị trường châu Á, có thể là do tâm lý e ngại rủi ro.
Thị trường tiền điện tử cũng trải qua một đợt bán tháo lớn, trong đó giá bitcoin có thời điểm xuống dưới mức 100.000 USD sau khi đạt mức 108.000 USD hôm 17/12.