Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria củng cố vai trò của Nga ở Trung Đông?

Việc nối lại mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria không chỉ có tác động với quan hệ song phương hai nước, mà còn về vị thế của Nga trên khắp Trung Đông rộng lớn.

Cảnh đổ nát sau trận động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: THX/TTXVN

Theo hãng thông tấn Nga RIA Novosti ngày 8/2, trận động đất mạnh đang tàn phá Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng. Thổ Nhĩ Kỳ chịu thiệt hại nặng nề nhất, nhưng Syria đã bị tàn phá bởi một thập kỷ nội chiến, vì vậy, hình ảnh về những ngôi nhà ở Aleppo bị tàn phá trong trận động đất lần này ngay lập tức gợi nhớ đến hậu quả của cuộc xung đột kéo dài. Hiện hai quốc gia láng giềng trên là nạn nhân của một thảm họa thiên nhiên, tâm chấn là ở Thổ Nhĩ Kỳ, và trước đó, cả hai đều phải hứng chịu một thảm họa nhân tạo, với tâm chấn ở Syria.

Nguồn tin trên cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ và Syria từng có nhiều bất đồng sâu sắc: Trong cuộc nội chiến, Chính quyền Syria cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ gây hấn, tài trợ và huấn luyện quân nổi dậy cũng như mong muốn sáp nhập các khu vực phía Bắc của Syria; ngược lại, Ankara chỉ trích Damascus vì đã gây ra cuộc nội chiến, khiến hàng triệu người tị nạn phải đến Thổ Nhĩ Kỳ và vấn đề người Kurd trở nên trầm trọng hơn, đe dọa an ninh của họ.

Những tuyên bố cứng rắn của hai bên từ lâu đã khiến tình hình rơi vào bế tắc, nhưng liệu một trận động đất có thể khắc phục những gì con người đã gây ra? Liệu một bất hạnh chung có thể giúp tìm ra lối thoát cho cuộc đối đầu Thổ Nhĩ Kỳ - Syria và đưa hai quốc gia xích lại gần nhau hơn?

Điều này là có thể, bởi vì Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và người đồng cấp Syria Assad đã sẵn sàng hòa giải. Trước đây cho đến năm 2011, họ coi nhau là "anh em", nhưng sau đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích chính quyền Syria là "tàn bạo". Sự hỗ trợ của Nga và Iran đã giúp Tổng thống Syria Assad tại vị, và Thổ Nhĩ Kỳ, ban đầu không hài lòng với sự can thiệp của Nga, dần dần chấp nhận thực tế là quyền lực ở Damascus sẽ không thay đổi.

Năm ngoái, ông Erdogan bắt đầu nói về một cuộc gặp tiềm năng với Tổng thống Assad, nhưng Syria dường như không nhượng bộ với một nước láng giềng mạnh hơn. Hơn nữa, cuộc bầu cử sẽ được tổ chức ở Thổ Nhĩ Kỳ vào giữa tháng 5 tới và Damascus ban đầu dường như không muốn củng cố vị thế vốn đã tốt của Tổng thống Erdogan.

Trong khi đó, Nga ngày càng quan tâm đến việc bình thường hóa quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Syria và đang làm mọi thứ vì điều này. Nếu các cuộc tiếp xúc trước đó giữa Ankara và Damascus là không công khai, thì các cuộc họp ba bên gần đây ở cấp bộ trưởng đã được tổ chức tại Moskva. Vì vậy, triển vọng về cuộc gặp trực tiếp giữa ông Assad và Erdogan đã mở ra, thậm chí có thể còn được thúc đẩy bởi thảm họa động đất đang diễn.

Khi cuộc bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không còn là động lực của Damascus - ít nhất một cuộc điện đàm giữa hai tổng thống có thể được tổ chức hiện nay. Rốt cuộc, trận động đất sẽ không làm suy yếu, mà ngược lại, sẽ củng cố vị thế của ông Erdogan: không ai từ bỏ biểu tượng đoàn kết quốc gia trong bối cảnh bất hạnh chung.

Sự hòa giải giữa ông Erdogan và Assad sẽ không chỉ cực kỳ quan trọng đối với các quốc gia của họ, mà còn là một sự xác nhận quan trọng về ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga ở Trung Đông. Syria từ lâu đã được Moskva hậu thuẫn và quá trình này bắt đầu từ những năm 60. Thổ Nhĩ Kỳ trong lịch sử được coi là đối thủ và đôi khi là kẻ thù của Nga, nhưng giờ đây, mặc dù là thành viên của NATO, họ có một vị trí độc lập cả trên trường thế giới và trong quan hệ với Nga. Việc củng cố quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều lĩnh vực có lợi cho cả hai nước, nhưng Syria vẫn là trở ngại chính của quá trình này trong thập kỷ qua.

RIA Novosti lưu ý không phải Syria đều là tâm điểm cho sự thỏa hiệp giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, thậm chí cả Mỹ, nhưng chắc chắn rằng việc nối lại mối quan hệ cá nhân giữa ông Erdogan và Assad sẽ không chỉ có tác động về quan hệ song phương hai nước, mà còn về vị thế của Nga trên khắp Trung Đông rộng lớn. Syria và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ luôn là láng giềng của nhau và Nga sẽ luôn có sự hiện diện ở đó. Moskva không có khả năng ngăn chặn những thảm kịch tự nhiên tự phát, nhưng có khả năng làm trung gian hòa giải giữa hai nước làng giềng nhiều mâu thuẫn ở Trung Đông.

Công Thuận/Báo Tin tức (RIA Novosti)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/dong-dat-o-tho-nhi-ky-va-syria-cung-co-vai-tro-cua-nga-o-trung-dong-20230209153617670.htm