Đóng bảo hiểm y tế đắt hơn mua bảo hiểm sức khỏe: Chọn loại nào?

Cùng với mức tăng 30% của lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng/tháng, mức đóng bảo hiểm y tế của hộ gia đình cũng sẽ tăng lên với người thứ nhất là 1,236,600 đồng/năm. Mức này được cho là ngang bằng, thậm chí cao hơn một số thẻ chăm sóc sức khỏe. Vậy người tham gia lựa chọn thế nào cho đúng?

Bảo hiểm y tế đắt hơn thẻ chăm sóc sức khỏe

Chị Trần Thanh Vân (32 tuổi) ở Hạ Long, Quảng Ninh cho biết, hiện vợ chồng chị chưa có bất cứ loại bảo hiểm nào, do đặc thù làm kinh doanh tự do, nên cũng không đóng BHXH. Có ý định tham gia, chị Vân tìm hiểu BHYT thì được một tư vấn viên cho biết, giá hiện nay cho 1 thành viên trong gia đình là 1,236 triệu đồng/năm, thành viên thứ 2 mức đóng bằng 70% của người thứ nhất tương đương 882,000 đồng/ năm.

Tuy nhiên, vợ chồng chị cũng được tư vấn chia sẻ rằng, hiện có gói bảo hiểm sức khỏe giá cũng tương đương với BHYT, 1,228 triệu đồng/năm mà quyền lợi thì khá cao, riêng chi phí nằm viện do ốm đau, bệnh tật… là 2,5 triệu đồng/ngày, chưa kể các dịch vụ y tế khác như phẫu thuật, xe cứu thương…

“Thấy giá 2 hình thức cũng tương đương, mà quyền lợi của thẻ CSSK cao hơn khá nhiều, mức giá đó có thể nằm được ở bệnh viện tư, trong khi BHYT thì hiện theo tôi được biết là chi trả theo danh mục thuốc, vật tư y tế theo quy định của Bộ Y Tế”, chị Vân nói thêm.

Bảo hiểm y tế thay đổi mức phí tham gia từ 1/7/2024

Bảo hiểm y tế thay đổi mức phí tham gia từ 1/7/2024

Tương tự, theo anh Nguyễn Mạnh Hiếu (30 tuổi), ở Đống Đa Hà Nội, bản thân anh đã có bảo hiểm nhân thọ cách đây 5 năm, nhưng anh vẫn được 1 tư vấn viên chia sẻ rằng nên tham gia cả bảo hiểm y tế, vì hợp đồng nhân thọ không có quyền lợi chăm sóc sức khỏe.

Anh Hiếu đã tham gia BHYT năm 2023 với mức phí khoảng 972.000 đồng. Nay muốn được tham gia lại thì được tư vấn báo mức phí hiện nay tăng theo mức lương cơ sở là hơn 1,2 triệu đồng. Đồng thời, khi tìm hiểu thấy thị trường cũng có rất nhiều loại thẻ chăm sóc sức khỏe chỉ quanh mức 1 triệu đồng, quyền lợi khá tốt, phù hợp với nhu cầu.

“Tư vấn viên thì chia sẻ có điều kiện tham gia cả 2 thì càng tốt, nhưng bản thân tôi vẫn đang chưa biết nên tham gia tiếp BHYT hay chuyển đổi qua thẻ CSSK. Điều kiện thì cũng chưa phải thoải mái nên khá đắn đo”, anh Hiếu băn khoăn.

2 loại hình hoàn toàn khác nhau

Trao đổi với VietnamFinance, chị Đào Lan Hương, một tư vấn viên kinh nghiệm 5 năm tại Hà Nội cho biết, từ 1/7/2024 phí bảo hiểm y tế sẽ tăng lên mức 1,236 triệu đồng/năm với thành viên đầu tiên, và tương đương các mức giảm còn 70%, 60%, 50% với các thành viên thứ 2,3,4 trong gia đình. Mức này đang ngang bằng, thậm chí cao hơn một số loại hình thẻ bảo hiểm sức khỏe hiện nay.

Tuy nhiên, chị Hương cũng nhấn mạnh, đây là 2 loại hình bảo hiểm hoàn toàn khác nhau.

Cụ thể, BHYT là chương trình bảo hiểm nhằm mục đích an sinh, phúc lợi xã hội của nhà nước.

Thứ nhất, hình thức này dù người tham gia có lịch sử y tế, đã từng mắc các bệnh trước đó vẫn tham gia được bình thường và không loại trừ, dù là bệnh hiểm nghèo hay bệnh thông thường. Thứ hai là không có giới hạn về việc chi trả theo từng ngày, từng đợt, chỉ cần đúng theo danh mục của Bộ Y tế quy định. Người được bảo hiểm đúng tuyến, sẽ được hưởng ở mức cao, vì vậy không may mắc bệnh hiểm nghèo, điều trị dài kỳ tốn kém hàng tỷ đồng thì BHYT vẫn chi trả. Thứ ba, không từ chối tái tục.

“Hiện nay, BHYT đã áp dụng các chính sách thông tuyến điều trị, nên người tham gia bảo hiểm được điều trị ở những bệnh viện có chất lượng và chuyên môn cao”, chị Hương cho biết.

Còn với bảo hiểm sức khỏe, đây là hình thức bảo hiểm tự nguyện, lựa chọn theo nhu cầu của người tham gia. Ưu điểm của loại hình này là không phân biệt tuyến điều trị, không phân biệt danh mục, chi trả theo giới hạn quyền lợi mà người tham gia lựa chọn. Đo đó người mua có thể chủ động lựa chọn các dịch vụ y tế theo nhu cầu và mong muốn.

Tuy nhiên, theo chị Hương, thẻ CSSK cũng có những hạn chế. Thứ nhất, thiếu tính ổn định khi năm nay mà dùng nhiều quyền lợi thì năm sau tái tục, nhà bảo hiểm hoàn toàn có quyển từ chối cấp hoặc tăng phí. Thứ hai, chỉ có giới hạn nhất định theo mức quyền lợi mà người tham gia lựa chọn, nếu không may người mua dùng nhiều hơn mức quy định thì vẫn phải bỏ tiền túi để chi trả.

“Tính ổn định hàng năm, chi trả không giới hạn chi phí điều trị, có bệnh sẵn vẫn tham gia được, điểm trừ có lẽ là nằm ở việc chi trả theo danh mục quy định của Bộ Y tế”, chị Hương nói thêm.

Đồng quan điểm, anh Bùi Quang Vĩnh, chuyên gia bảo hiểm 7 năm kinh nghiệm cho rằng, BHYT là loại hình bảo hiểm không thể thiếu với mỗi gia đình. BHYT không tăng phí theo nhóm tuổi và rủi ro như bảo hiểm sức khỏe. Trẻ em trên 6 tuổi (trẻ em dưới 6 tuổi được miễn phí 100%) đến người già, từ công nhân hầm mỏ đến nhân viên văn phòng, từ người trẻ đến người khỏe, đều được mua với mức giá giống nhau.

“Hãy đảm bảo rằng bạn đã có BHYT trước khi tìm hiểu đến các hình thức bảo hiểm khác”, anh Vĩnh nhấn mạnh.

Đồng thời, theo anh Vĩnh, khách hàng lựa chọn BHYT hay bảo hiểm sức khỏe phụ thuộc vào nhu cầu bảo vệ, khả năng tài chính và địa điểm sinh sống. Anh Vĩnh ví dụ, với người sống ở nông thôn, nhu cầu sử dụng dịch vụ chủ yếu là viện công, viện tuyến huyện, tỉnh thì có thể lựa chọn BHYT, nhưng với những người sống ở thành phố lớn, có nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế tư nhân, cao cấp thì bảo hiểm sức khỏe có thể là lựa chọn phù hợp hơn.

“Đầu tiên là BHYT, thứ 2 là bảo hiểm nhân thọ (BHNT) kèm quyền lợi y tế bổ sung, và tiếp đến là bảo hiểm sức khỏe. Nếu có khả năng tài chính tốt thì hoàn toàn có thể sở hữu tất cả các loại hình này”, anh Vĩnh tư vấn thêm.

Các chuyên gia tài chính cá nhân cho rằng, BHYT hay bảo hiểm sức khỏe thì chức năng của 2 loại hình này đều là bảo vệ tài chính. Việc lựa chọn hình thức nào phụ thuộc vào thói quen và nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế, đặc biệt lưu ý về mức chi phí dành cho bảo hiểm khuyến nghị ở khoảng 5-10% thu nhập, tránh việc tham gia ở mức cao, chi phí lớn, không phù hợp, dễ xảy ra gánh nặng tài chính.

Xuân Thạch

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/dong-bao-hiem-y-te-dat-hon-mua-bao-hiem-suc-khoe-chon-loai-nao-d112936.html