Đồn trưởng Khôi và ước mơ 'gia cố' đường biên giới trên sông bằng… cây xanh

Dự án 'Một triệu cây xanh' là sự đồng hành mang màu sắc rất riêng của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh (BĐBP tỉnh Quảng Trị) với đồng bào Vân Kiều ở xã Thanh, xã Xy (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Những rừng keo đang gia cố bờ sông Sê Pôn, hạn chế thay đổi hiện trạng đường biên giới cũng như hứa hẹn cho cuộc sống no ấm của người dân trong một tương lai gần.

Trồng cây để… bảo vệ biên giới

Chúng tôi đến đúng dịp Đồn Biên phòng Thanh, UBND xã Thanh và Câu lạc bộ Hoa tình nguyện, nhóm VY’S TEAM trao tặng 100.000 cây keo giống cho 50 hộ có đất canh tác nằm dọc sông Sê Pôn chảy qua địa phận xã Thanh. Đợt trao cây giống này nằm trong kế hoạch thực hiện Dự án “Một triệu cây xanh” trồng dọc bờ sông biên giới Sê Pôn do Đồn Biên phòng Thanh và Câu lạc bộ Hoa tình nguyện, nhóm VY’S TEAM khởi xướng.

Câu chuyện được bắt đầu vào hơn 1 năm trước, sau trận lũ lịch sử cuối năm 2020, Trung tá Ngô Trường Khôi cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh đi khảo sát 31,192km sông Sê Pôn cũng là đường biên giới do đơn vị quản lý. Nhìn nhiều đoạn bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, hoa màu của người dân canh tác bị cuốn trôi, mất trắng, Trung tá Ngô Trường Khôi trăn trở rất nhiều.

Trung tá Ngô Trường Khôi (thứ 3 từ phải sang) cùng thành viên câu lạc bộ trao cây keo giống cho người dân trên địa bàn.

Trung tá Ngô Trường Khôi (thứ 3 từ phải sang) cùng thành viên câu lạc bộ trao cây keo giống cho người dân trên địa bàn.

Việc sạt lở khiến dòng chảy thay đổi, hiện trạng biên giới cũng không nguyên vẹn sẽ gây khó khăn trong việc quản lý. “Phải làm gì đó để ngăn việc sạt lở này. Hay là trồng cây để gia cố bờ sông?”, nghĩ vậy nhưng Trung tá Ngô Trường Khôi lại băn khoăn với câu hỏi “Trồng cây gì? Lấy đâu ra giống cây và ai sẽ là người trồng?”. Người sĩ quan biên phòng ấy đã nghĩ đến những cánh rừng keo xanh bạt ngàn mình đã từng gặp. Nếu trồng keo, 5 năm sẽ đủ thời gian để rễ đâm sâu vào lòng đất. Nếu trồng giãn cách theo giai đoạn thì người dân vẫn có thể thu hoạch cải thiện đời sống nhưng bờ sông biên giới vẫn được bảo vệ. Hiệu quả kinh tế cũng cao vì 1 lần trồng có thể thu hoạch 3 lần, như thế người dân chắc chắn sẽ hưởng ứng.

Biết được ý tưởng của Trung tá Ngô Trường Khôi, chị Hoàng Phương Vy (sinh sống thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, Trưởng nhóm thiện nguyện VY’S TEAM) đã kết nối với Câu lạc bộ Hoa tình nguyện (ở tỉnh Hải Dương). Ý tưởng về chương trình thiện nguyện kiểu “trao cần câu” của Đồn trưởng Ngô Trường Khôi nhanh chóng nhận được sử ủng hộ của các thành viên câu lạc bộ Hoa tình nguyện.

Sau khi bàn bạc, các bên thống nhất trí sẽ hỗ trợ 1 triệu cây keo giống để người dân trồng dọc theo bờ sông biên giới Sê Pôn. Trung tá Ngô Trường Khôi chỉ đạo các bộ phận phối hợp với UBND xã Xy, xã Thanh tổ chức rà soát các hộ dân có đất ven sông Sê Pôn để gặp gỡ, vận động tham gia. Những người dân nhất trí, đăng ký diện tích đất để phân bổ số lượng tương ứng rồi tổ chức mua cây giống. Chỉ chưa đầy 2 tháng, 180.000 cây keo giống đã được các vườn ươm vận chuyển từ thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa) đến UBND xã để cấp phát cho người dân.

Trung tá Ngô Trường Khôi hướng dẫn người dân trồng keo.

Trung tá Ngô Trường Khôi hướng dẫn người dân trồng keo.

Hứa hẹn cuộc sống no ấm

Theo Trung tá Ngô Trường Khôi, lâu nay đồng bào Vân Kiều ở xã Xy, xã Thanh chỉ quen trồng cây nông nghiệp như sắn, chuối mà chưa quan tâm nhiều đến phát triển kinh tế trồng rừng do việc trồng rừng lâu cho thu hoạch. Thực ra, bài toán kinh tế trồng keo không phải người dân không biết, có điều cần có người hướng dẫn, tạo phong trào để phấn khởi làm theo thì giờ mới có. Bởi vậy những người làm dự án hy vọng 1 triệu cây giống sẽ phủ xanh dọc tuyến biên giới để khắc phục hiện tượng sạt lở bờ sông biên giới sau mỗi trận lũ, đồng thời đây là sinh kế phát triển kinh tế cho người đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới xã Xy, xã Thanh. Cuộc sống của người dân khó khăn nên cần phải trồng con gì, nuôi con gì nhanh cho kết quả.

Những người lính Biên phòng đã ngồi lại, cùng với người dân làm “bài toán kinh tế” như thế này: Trồng keo không phải đầu tư nhiều phân bón, công chăm sóc. Keo trồng 4-5 năm đã có thể cho thu hoạch. Sau khi chặt cây, gốc sẽ nảy mầm. Người dân sẽ tỉa bớt, chỉ để lại một nhánh to, khỏe nhất và sau 3 năm lại có thể thu hoạch lượt mới. Làm như vậy khoảng 3 mùa mới phải trồng lại. Ở nhiều nơi, 1 ha có thể bán được 60-100 triệu đồng (giá thu mua từng thời điểm và cây đạt đủ kích thước đường kính). Nghe vậy, nhiều hộ dân nhất trí “chuyển đổi cây trồng”, nhận keo giống về trồng trên đất của gia đình dọc theo bờ sông Sê Pôn.

 Cây keo đang phủ xanh dần bờ sông biên giới Sê Pôn chảy qua địa phận xã Thanh.

Cây keo đang phủ xanh dần bờ sông biên giới Sê Pôn chảy qua địa phận xã Thanh.

Lũ đi qua để lại lượng phù sa màu mỡ bởi vậy mà 180.000 cây keo giống trồng tháng 12-2020 đến nay phát triển nhanh chóng khiến người dân vô cùng phấn khởi. Anh Hồ Văn Láo (thôn Thanh 1, xã Thanh) cho biết, tháng 12-2020, anh được nhận 500 cây keo giống của dự án “Một triệu cây xanh”. Gia đình đã nhanh chóng trồng trên mảnh đất nằm sát sông Sê Pôn. Đất tốt, khí hậu thuận lợi nên tỷ lệ cây chết rất ít và chưa tới một năm nhưng cây đã cao quá đầu người. Việc đó khiến anh Láo và gia đình rất vui.

Cạnh vườn keo của gia đình anh Láo là vườn chuối nhưng đang chết dần vì sâu bệnh. Anh Láo dự định sẽ thay thế bằng cây keo. “Nếu được cấp tiếp thì rất vui, nếu không thì khi có tiền tôi sẽ ra thị trấn Khe Sanh để mua cây giống về trồng thay cho chỗ trồng chuối đã bị chết” - anh Hồ Văn Láo chia sẻ dự định của mình.

Theo Trung tá Ngô Trường Khôi, vì việc trồng keo này ngoài mục đích phát triển kinh tế còn nhằm chống sạt lở bờ sông biên giới, bởi vậy việc triển khai dự án được chia thành nhiều giai đoạn. Việc trồng cây gây rừng là việc lâu dài và cũng là để giãn tiến độ khai thác khi cây trưởng thành. Giai đoạn 1 đã được triển khai 180.000 cây. Giai đoạn 2 của dự án đã cấp giống trồng 100.000 cây.

Mấy năm trở lại đây, do lũ to nên dọc 2 bờ sông Sê Pôn nhiều nơi bị sạt lở nghiêm trọng. Đường biên giới đã được xác định bằng tọa độ nhưng việc thay đổi dòng chảy sẽ làm thay hiện trạng gây khó khăn trong công tác quản lý. “Tôi mong rằng, không chỉ ở Thanh, Xy mà cả trên cả gần 100km đường biên giới trên sông Sê Pôn chảy qua địa phận tỉnh Quảng Trị sẽ được phủ xanh và gia cố bằng rừng bởi vậy rất mong sẽ có thêm nhiều mạnh thường quân cùng chung tay với Bộ đội Biên phòng và người dân biên giới” - Trung tá Ngô Trường Khôi chia sẻ điều mình ấp ủ, tâm huyết.

Bài, ảnh: THANH TRÚC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-13/don-truong-khoi-va-uoc-mo-gia-co-duong-bien-gioi-tren-song-bang-cay-xanh-696504