Đơn Dương: Phát huy vai trò của công tác thông tin cơ sở
Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 07 của Ban Bí thư về 'Đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới', công tác thông tin cơ sở trên địa bàn huyện Đơn Dương đã cơ bản phát huy được vai trò, chức năng quan trọng là cầu nối cung cấp, chuyển tải và phản hồi thông tin giữa người dân với Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp.
Xác định tầm quan trọng của công tác thông tin cơ sở (TTCS), các cấp, ngành trên địa bàn huyện Đơn Dương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện, từng bước phát huy hiệu quả hoạt động hệ thống thông tin hiện có. Qua 5 năm thực hiện chỉ thị, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác thông tin ngày càng chặt chẽ. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên được phát huy khả năng, tinh thần trách nhiệm.
Theo đánh giá của UBND huyện, hệ thống TTCS đã góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp Nhân dân, thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở. Đồng thời thông qua đó, cấp ủy, chính quyền cơ sở nắm được tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của người dân và có giải pháp phù hợp với thực tiễn cơ sở.
Hiện, trên địa bàn huyện Đơn Dương có các loại hình TTCS gồm hệ thống Truyền thanh - Truyền hình huyện; Trạm truyền thanh 8 xã và 2 thị trấn; 2 trang thông tin điện tử của UBND huyện và huyện ủy; 10 điểm bưu điện văn hóa xã, thị trấn; 10 nhà văn hóa... Ngoài ra, huyện Đơn Dương còn tổ chức nhiều hoạt động cổ động trực quan, các hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên.
Trong tình hình mới hiện nay, hệ thống TTCS trên địa bàn huyện, nhất là hệ thống trạm truyền thanh xã, thị trấn đã có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng TTCS phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ tốt hơn các nhiệm vụ chính trị, đồng thời đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của người dân. Đơn cử như tại xã Tu Tra - địa phương có đến hơn 64% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số, chị Nguyễn Thị Loan - cán bộ phụ trách phát thanh của xã cho biết: Các bản tin được phát trên loa phát thanh phải được biên tập ngắn gọn, dễ hiểu, đồng thời đề cập đến các vấn đề mà đông đảo bà con quan tâm như tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở cơ sở; kiến thức về đời sống, lao động, sản xuất, thời tiết, nông vụ; những thông tin về ứng cứu khẩn cấp ở địa phương, bảo vệ mùa màng, phòng, chống dịch bệnh;… Bên cạnh đó, trong các sự kiện lớn của địa phương và đất nước, công tác tuyên truyền còn được đưa đến tận từng thôn thông qua hệ thống loa lưu động, băng rôn, áp phích.
Ứng dụng công nghệ hiện đại về viễn thông, truyền thông đa phương tiện để tổ chức công tác TTCS, UBND huyện Đơn Dương đã chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương rà soát, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống Truyền thanh - Truyền hình huyện và trạm truyền thanh xã, thị trấn, đội thông tin lưu động, bưu điện văn hóa xã, tủ sách pháp luật… Hiện nay, hệ thống Phát thanh và Truyền hình huyện có tổng số 16 chương trình/tháng, thời lượng phát hằng ngày là 30 phút. Đặc biệt, thông qua các chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc đã giúp bà con tại địa phương triển khai thực hiện tốt các chủ trương chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bà Phạm Thị Huỳnh Nga, Phó Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đơn Dương cho biết: Cùng với việc duy trì và phát huy hiệu quả truyền thông theo cách thức truyền thống, các cấp ủy, chính quyền cũng đã quan tâm đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất, thiết chế thông tin, đầu tư các phương tiện truyền thông hiện đại, giúp cho người dân được thụ hưởng thành quả công nghệ, tiếp cận thông tin một cách đa dạng, dễ dàng, thuận lợi. Hiện nay, huyện Đơn Dương đã có kế hoạch chuyển đổi truyền thanh FM sang truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông.
Ngoài ra, từ năm 2020, UBND huyện Đơn Dương đã nâng cấp Cổng thông tin điện tử huyện với giao diện đẹp, hấp dẫn. Trung bình mỗi năm, Cổng thông tin điện tử huyện đăng tải trên 1.000 tin, bài tuyên truyền về các nội dung trên nhiều lĩnh vực.
Gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới và các chương trình mục tiêu, dự án phát triển kinh tế - xã hội của các sở, ban, ngành và địa phương, hệ thống TTCS trên địa bàn huyện Đơn Dương thường xuyên tập trung tuyên truyền các phong trào thi đua, các cuộc vận động như “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”; Phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”,…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 07 trên địa bàn huyện Đơn Dương vẫn còn một số hạn chế như: mức đầu tư cho công tác TTCS còn thấp, cơ sở vật chất kỹ thuật thiếu đồng bộ, gây lãng phí. Nhiều thiết chế thông tin chưa phát huy được hiệu quả, hoạt động yếu, thậm chí có nơi không hoạt động. Nội dung thông tin ở các xã, thị trấn còn đơn điệu; hình thức thể hiện chưa thu hút…
Để khắc phục những hạn chế còn tồn tại, đồng thời nâng cao chất lượng công tác TTCS tại địa phương, trong thời gian tới, UBND huyện Đơn Dương tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, xem công tác TTCS là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin, kiến thức cần thiết. Bên cạnh đó, đa dạng hóa nội dung, hình thức, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác TTCS. Đồng thời chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền miệng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Xây dựng kế hoạch nâng cấp, đầu tư cở sở vật chất trong công tác TTCS. Nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác TTCS theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.