Đơn Dương: Đẩy mạnh sản xuất theo hợp đồng liên kết
Việc thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản đã và đang được các ngành, địa phương trong huyện quan tâm thực hiện nhằm bảo đảm đầu ra, nâng cao giá trị sản phẩm cũng như thu nhập cho người dân.
Nông dân yên tâm sản xuất
Những năm gần đây, hàng trăm hộ nông dân trồng khoai tây tại xã Quảng Lập đã không còn lo chuyện đầu ra cho sản phẩm, bởi đã có liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với Công ty Pepsico. Việc sản xuất theo chuỗi liên kết này không chỉ giúp bảo đảm đầu ra ổn định mà còn làm tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đây là năm thứ ba, nông dân xã Quảng Lập thực hiện liên kết với Công ty Pepsico để trồng khoai tây. Năm đầu tiên, nông dân trong xã chỉ đăng ký gieo trồng gần 40 ha ở các vùng đất bãi bồi ven sông Đa Nhim và nhận thấy mang lại hiệu quả cao, giá cả hợp lý nên diện tích cây trồng này đã được nông dân trong xã tăng lên gấp ba.
Ông Võ Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lập cho biết: Từ nhiều năm trước, khoai tây đã là loại cây trồng được người dân trong xã phát triển. Tuy nhiên, phải đến năm 2016, các mô hình liên kết mới được hình thành và kinh tế nông hộ mới có được sự cải thiện.
Hiện, hằng năm nông dân trong xã xuống giống khoảng 120 ha khoai tây, với năng suất trung bình hơn 30 tấn/ha, được Công ty Pepsico bao tiêu thu mua từ 8.000 - 9.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thì nông dân có thể lãi ròng từ 100 - 150 triệu đồng/ha/vụ. “Điều kiện để liên kết với doanh nghiệp là nông dân phải có đất sản xuất. Sau khi ký kết hợp đồng, phía doanh nghiệp sẽ cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và có kỹ sư nông nghiệp đến hỗ trợ kỹ thuật sản xuất. Đến cuối vụ, khi công ty thu mua nông sản thì lúc đó nông dân mới phải trả tiền giống, phân bón” - ông Cường cho hay.
Trong khi đó, hàng trăm hộ dân tại xã Lạc Lâm cũng đang triển khai việc liên kết với các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT); vựa thu mua, kinh doanh nông sản trong và ngoài xã để sản xuất rau, hoa tập trung theo hướng công nghệ cao.
Theo ông Trương Quang Kiên - Chủ tịch UBND xã Lạc Lâm, thực tế sản xuất cho thấy, hiện nay, việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi đang là hướng đi giúp người dân nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm. Qua chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giá trị sản xuất nông nghiệp trong năm 2019 toàn xã ước đạt 341,7 tỷ đồng, tăng 19,42 tỷ đồng so với năm 2018.
Không ngừng mở rộng liên kết
Việc ngày càng có nhiều công ty, doanh nghiệp tìm đến huyện Đơn Dương “bắt tay” với nông dân để liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, đã góp phần khắc phục những hạn chế trong việc sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản.
Bà Lê Thị Bé - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đơn Dương cho biết: Đơn Dương là địa phương phát triển kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Thời gian qua, nhiều mô hình sản xuất triển vọng được người dân áp dụng, triển khai. Tuy nhiên, có không ít lần nông dân lao đao vì sản phẩm không tiêu thụ được, chưa có đầu ra ổn định. Vì vậy, địa phương đã nỗ lực kêu gọi, liên kết với các doanh nghiệp, công ty nhằm hỗ trợ nông dân sản xuất, bao tiêu sản phẩm, giúp người dân yên tâm và có trách nhiệm với sản phẩm nông nghiệp do mình tạo ra.
Theo bà Bé, trên địa bàn huyện hiện có 2 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chính là chuỗi liên kết bò sữa và rau thương phẩm. Nếu như ở chuỗi liên kết chăn nuôi bò sữa, gần như 100% hộ chăn nuôi đều có hợp đồng liên kết với các công ty thì việc sản xuất rau thương phẩm hiện chỉ có khoảng 30% nông hộ tham gia sản xuất là có liên kết chính thức với các công ty, HTX, THT. Tuy nhiên, như thế không phải là 70% nông hộ còn lại sản xuất tự do, tự phát theo thị trường. Từ thực tiễn sản xuất lâu nay tại địa phương, hầu hết nông dân khi thực hiện sản xuất đều đã có “thỏa thuận miệng”, “ký nháy” với các vựa kinh doanh nông sản.
“Với hơn 200 vựa kinh doanh, thu mua nông sản, cùng với đó là hơn 180 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên toàn huyện, đây là một chuỗi liên kết sản xuất gần như khép kín từ đầu vào tới đầu ra cho nông dân trong huyện nếu được tổ chức tốt. Do đó, trong tương lai, việc liên kết này cần phải có cơ chế, chế tài, thể hiện rõ rệt qua bản hợp đồng liên kết”- bà Bé nói.
Cũng theo bà Bé, trong thời gian đến, ngành nông nghiệp địa phương sẽ tạo điều kiện và kết nối nhiều hơn nữa sự hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân, để giúp sản phẩm các địa phương có chỗ đứng trên thị trường.