Đổi trắng thành xanh - hành trình bao lâu nữa? (Bài 2)
Gần bảy mươi năm hình thành và phát triển, làng hoa Thái Phiên, Phường 12, TP Đà Lạt đã được công nhận làng nghề truyền thống vào tháng 12 năm 2009 và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào tháng 8/2018, trong đó có tiêu chí sử dụng nhà kính, nhà lưới. Gần 20 tháng qua, triển khai mục tiêu đổi trắng thành xanh, làng hoa Thái Phiên vẫn phải chờ nguồn giống hoa mới ngoài trời thay thế có giá trị kinh tế tương đương giống hoa trong nhà kính, nên chỉ chuyển đổi chưa tới 5 ha/360 ha nhà kính để trồng cây rau dược liệu Atiso truyền thống ngoài trời.
Bài 2: Làng hoa chờ giống hoa ngoài trời
• CHỦ ĐỘNG GIẢI PHÁP CANH TÁC TRONG NHÀ KÍNH
Phóng viên về Phường 12, TP Đà Lạt găp lại anh Bùi Phú Quốc, một nhà nông tìm ra giải pháp tác động cho hoa cúc hai lần nở trong nhà kính từ hơn 13 năm trước. Theo đó, mỗi lứa hoa cúc trong nhà kính từ xuống giống trồng đến chăm sóc, thu hoạch khoảng 3 tháng rồi cày xới đất tơi xốp, vệ sinh vườn trong vòng một tháng trước khi bước vào triển khai lứa hoa mới. Thông thường sau lứa đầu thu hoạch hoa cúc cắt cành trong nhà kính, nông dân xáo trộn đất, bứng bỏ gốc rễ cây hoa cũ, mua cây giống hoa sản xuất mới về trồng. Ngược lại với nhà nông Bùi Phú Quốc đã nghiên cứu trong 3 năm 2011-2013 hoàn chỉnh quy trình hoa cúc 2 lần nở, tiết kiệm đáng kể tiền đầu tư nguồn giống đầu vào cho mỗi lứa hoa. Cụ thể, nhà nông Bùi Phú Quốc thu hoạch xong lứa hoa cúc thứ nhất cắt cành vẫn giữ lại phần gốc trong điều kiện môi trường nhiệt độ, độ ẩm đất, thắp sáng đèn, điều hòa không khí thích ứng trong nhà kính để chăm sóc kỹ thuật đặc biệt, tạo mầm cây mới để phát triển hiệu quả trong giai đoạn sản xuất, kinh doanh. Kết quả so với lứa hoa cúc thứ nhất, năng suất hoa cúc thu hoạch lứa thứ hai sinh trưởng từ gốc cây cũ trong nhà kính đạt từ 90% trở lên, giá thành bán ra thị trường như nhau. “Trong những năm tới, nếu chuyển đổi canh tác trong nhà kính sang canh tác ngoài trời thì các giống hoa mới phải đạt giá trị tương đương, nông dân tiếp tục trải qua thêm nhiều thời gian dài nữa để làm quen với kỹ thuật mới thích ứng với biến đổi thời tiết mưa, nắng thất thường, từ đó mới dần dần nghĩ đến những giải pháp sáng kiến từ thực tế sản xuất trên vườn…”, nhà nông Bùi Phú Quốc trăn trở.
Với nhà nông Bùi Văn Hội 70 tuổi, sinh ra và tạo lập cơ nghiệp tại làng hoa Thái Phiên, TP Đà Lạt kể rằng, từ năm 1998 đến nay, hộ gia đình ông chuyển đổi 3.000 m2 diện tích trồng ngoài trời luân canh các loại rau cải, xà lách, bắp sú, củ cà rốt, khoai tây, hoa lay ơn… sang trồng chuyên canh hoa cúc trong nhà kính đã tăng lợi nhuận lên gấp mười lần. Đặc biệt, ông Hội đã nhân rộng thành công quy trình sản xuất hoa cúc nhà kính từ làng hoa Thái Phiên, Đà Lạt sang vùng nông nghiệp xã Đạ Nhim của huyện Lạc Dương phụ cận, ổn định diện tích hơn 1,5 ha, được nhiều nông hộ ở địa phương này đến tiếp cận kỹ thuật, áp dụng chuyển đổi thu nhập tăng lên gấp bội phần. Nhờ đó, hộ ông Hội đã đảm bảo chi phí ăn học cho 3 người con tốt nghiệp cử nhân và 2 người con tốt nghiệp cao đẳng nghề Đà Lạt.
Là một trong những nông hộ đầu tiên của làng hoa Thái Phiên tiếp cận và “cụ thể hóa” công nghệ trồng hoa nhà kính từ Công ty TNHH Dalat Hasfarm, một doanh nghiệp đến từ xứ hoa tulip Hà Lan đầu tư tại phố hoa Đà Lạt, nhà nông Bùi Văn Hội băn khoăn: “Hơn hai mươi sáu năm trồng hoa cúc trong nhà kính đã chủ động nguồn nước tưới, bón phân tự động, các giải pháp ngăn chặn sâu bệnh, nên không lệ thuộc thời tiết biến đổi thất thường từ bên ngoài. Nếu xóa bỏ nhà kính, trở lại trồng các loại rau, hoa ngoài trời như từ bảy thập niên trước, phải có giải pháp khoa học công nghệ đồng bộ về cải tạo, chọn tạo giống mới gắn với chuyển giao kỹ thuật mới phát triển thu nhập, nâng cao cuộc sống của nhà nông như cũ. Chưa kể trồng rau, hoa ngoài trời cũng dễ xảy ra tình trạng xâm thực, xói lở đất, rửa trôi phân bón, thuốc trừ sâu khi mùa mưa kéo dài...”.
• NĂNG SUẤT CÂY TRỒNG NGOÀI TRỜI MÙA MƯA BẰNG NỬA MÙA KHÔ
Theo tính toán của lão nông Bùi Văn Hội, trên diện tích 1.000 m2 thời giá tháng 9/2024 đầu tư lắp đặt nhà kính tối thiểu 200 triệu đồng, cộng với hàng chục triệu đồng hệ thống điều khiển tự động bón phân, tưới nước, quạt gió, lưới cắt nắng… Trong 5 năm gần đây, doanh thu trên 1.000 m2 nhà kính trồng hoa cúc thời vụ 3 tháng đạt trung bình 100 triệu đồng, trừ mọi chi phí còn lãi 50 triệu đồng, tương ứng gấp 5 lần trồng rau, củ, quả ngoài trời. Với chăm sóc thành thục, mỗi năm canh tác 3 lứa rưỡi hoa cúc nhà kính, lão nông Bùi Văn Hội thu tổng lãi hơn 175 triệu đồng/1.000 m2.
Ông Võ Văn Sang - Chủ tịch UBND Phường 12, TP Đà Lạt tập hợp số liệu giai đoạn năm 2017 - 2022 cho thấy, tổng diện tích hoa nhà kính của làng hoa Thái Phiên đạt 360 ha, tăng thêm 40 ha. Giai đoạn tháng 1/2023 đến tháng 9/2024, triển khai Đề án giảm thiểu và đi đến không còn nhà kính nông nghiệp đô thị Đà Lạt và các huyện phụ cận, toàn Phường 12 mới giảm chưa tới 5 ha nhà kính nói trên. Hiện tại, toàn Phường 12 - phường nội ô Đà Lạt đang sản xuất ngoài trời 30 ha cây dược liệu truyền thống và gần 30 ha rau, củ, quả các loại giống cũ, nên giá trị thu nhập diện tích ngoài trời so với canh tác trong nhà kính cao lắm chỉ bằng khoảng 50% hoa cúc và khoảng 30% hoa lily. Đơn cử hiện nay, làng hoa Thái Phiên đạt doanh thu trung bình mỗi năm 1,2 tỷ đồng/ha hoa cúc và 2 tỷ đồng/ha hoa lily…
“Đặc thù TP Đà Lạt mỗi năm có 6 tháng mùa mưa và 6 tháng mùa khô, canh tác ngoài trời các loại cà rốt, khoai tây, bắp sú, hoa lay ơn. Năng suất cây trồng mùa mưa chỉ bằng một nửa mùa khô. Nếu chưa có bộ giống cây trồng ngoài trời có giá trị kinh tế ngang bằng với cây trồng trong nhà kính, nông dân Phường 12, TP Đà Lạt đề xuất tỉnh Lâm Đồng nên chăng giãn lộ trình giảm diện tích nhà kính thêm một thời gian lâu hơn nữa. Hơn nữa, Phường 12, TP Đà Lạt có địa hình tương đối bằng phẳng, xa khu dân cư, nên có thể quy hoạch duy trì một phần diện tích nhà kính tập trung để giữ nghề trồng hoa truyền thống của làng hoa Thái Phiên, góp phần phát triển du lịch canh nông phong phú sản phẩm ở địa phương…”, Chủ tịch UBND Phường 12, TP Đà Lạt nêu vấn đề.
(CÒN NỮA)