Đối thoại với Thủ tướng, công nhân than bị đe dọa vì tín dụng đen

Nữ cán bộ công đoàn than thở thường xuyên bị nhóm cho vay nặng lãi đe dọa, xúc phạm chỉ vì công nhân trong công ty trót vướng vào tín dụng đen.

Nỗi khổ sở của công nhân khi vướng vào tín dụng đen là một trong những vấn đề lớn được đặt ra trong buổi đối thoại của Thủ tướng Phạm Minh Chính với công nhân, sáng 12/6.

Đây cũng là thực trạng báo chí phản ánh những ngày qua khi nhiều công nhân dù không vay, vẫn bị các đối tượng tín dụng đen khủng bố, đe dọa.

"Có nơi cho vay lãi suất 700-1.000%/tháng"

Từ đầu cầu Bình Phước, công nhân Trần Thị Toan (sinh năm 1987, công ty TNHH New Apparel Far Eastern Việt Nam) chia sẻ bản thân là cán bộ công đoàn và vừa qua rất khổ sở vì tội phạm tín dụng đen.

Chị cho biết thường xuyên bị nhóm người cho vay nặng lãi đe dọa, bôi nhọ danh dự do công nhân trong công ty vướng nợ nần.

Theo nữ cán bộ công đoàn, nhiều công nhân đang gặp khó khăn về tài chính, nhưng lại rất khó tiếp cận với các khoản vay cá nhân từ ngân hàng nên buộc phải tìm đến tín dụng đen.

Nữ công nhân đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ tín dụng để người lao động không phải đi vay nặng lãi hoặc hỗ trợ vốn cho Quỹ CEP - một mô hình hỗ trợ tín dụng của công đoàn đang thiếu nguồn lực, không đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi gặp gỡ, đối thoại với công nhân ở Bắc Giang. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi gặp gỡ, đối thoại với công nhân ở Bắc Giang. Ảnh: VGP.

Chia sẻ với điều này, thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, nhận định hành vi của nhóm tội phạm tín dụng đen rất tinh vi. Chúng thường có thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo công nhân vay tiền trực tiếp qua app, mạng xã hội hoặc núp bóng doanh nghiệp cho vay với lãi suất cao bất thường.

"Qua công tác đấu tranh của Bộ Công an, có những nơi lãi suất 90-100%, thậm chí lên tới 700%-1000%/tháng", theo lời Thứ trưởng Bộ Công an.

Thượng tướng Lương Tam Quang cho hay các nhóm cho vay sử dụng nhiều thủ đoạn như đe dọa, khủng bố tinh thần, chiếm đoạt tài sản và tiền lương trả qua ATM khi khoản vay quá hạn.

3 năm qua, Bộ Công an đã đấu tranh, phát hiện, xử lý 2.740 vụ việc với gần 5.000 đối tượng. Công an cũng khởi tố gần 2.000 vụ với gần 4.000 bị can liên quan. Theo lãnh đạo Bộ Công an, rất nhiều bị hại trong các vụ án là công nhân.

Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, giải thích thêm vấn đề này có liên quan tới mạng lưới bán lẻ của các ngân hàng thương mại. Hiện các ngân hàng thương mại chưa có phòng giao dịch bán lẻ ở các khu công nghiệp nên công nhân khó tiếp cận.

"Các ngân hàng thương mại chưa chú trọng việc này. Chúng tôi đang phối hợp với các công ty tài chính tiêu dùng để phát triển ở khu công nghiệp nhưng lãi suất của các công ty này cao", ông Khang nêu khó khăn.

Bỏ thủ tục phức tạp khi cho vay tín dụng

Đề cập đến giải pháp, Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết Chính phủ đang tìm mọi cách dẹp bỏ tín dụng đen. Ông cũng thừa nhận nhiều câu chuyện đau lòng liên quan đến tín dụng đen còn tồn tại ở nhiều địa phương.

Với trách nhiệm quản lý từ phía Ngân hàng Nhà nước, ông Tú thừa nhận cơ quan này phải có trách nhiệm để người dân tiếp cận được nguồn vốn chính thức thay vì tín dụng đen.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lắng nghe và giải đáp nhiều vướng mắc của công nhân trong buổi đối thoại sáng 12/6. Ảnh: VGP.

Ông Tú cho biết vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu vì sao tín dụng đen còn đất để tồn tại. Sau đó, ông lý giải ngay do có nhu cầu vay từ người lao động, nhất là từ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Và khi có cầu thì ắt phải có cung.

Thừa nhận nhu cầu chính đáng của người dân khi vay sản xuất, ông Tú cho rằng với nhu cầu cấp bách cần có nguồn tín dụng chính thức có thể đáp ứng.

Với những nhu cầu tín dụng không chính đáng như chơi lô đề, cờ bạc, cá độ…, ông Tú nhấn mạnh các cơ quan chức năng phải trấn áp từ cả phía cung và phía cầu. "Những tổ chức, cá nhân lợi dụng những hình thức đó, núp bóng dưới tổ chức hoạt động phi pháp đều phải dẹp bỏ", ông Tú nói.

Ngoài những giải pháp đã và đang triển khai, Phó thống đốc cho biết Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại mạnh dạn cho vay, với khoản tín dụng không lớn thì không cần thủ tục phức tạp, để người lao động kịp thời tiếp cận.

Ông Tú thông tin hiện có 2 công ty thuộc 2 ngân hàng thương mại lớn đã cam kết mỗi ngân hàng có gói 10.000 tỷ với lãi suất bằng 50% lãi suất thị trường đang cho vay, sẽ đáp ứng nhu cầu chính đáng của công nhân trong các khu công nghiệp, nhà máy.

Phía Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát để việc cho vay đúng đối tượng, đạt được những yêu cầu chính đáng của công nhân. Ông Tú cũng mong có sự phối hợp của Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cấp công đoàn trong triển khai việc này.

Sau khi lắng nghe phản ánh của công nhân và báo cáo của các bộ ngành, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cách tiếp cận vốn cho đúng đối tượng, quy mô phù hợp, hiệu quả, góp phần chống tiêu cực trong hoạt động tín dụng.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Công an nắm chắc tình hình, xử lý nhanh, kịp thời đối tượng vi phạm, ngăn chặn kịp thời hậu quả xấu tới công nhân lao động cũng như sự phát triển chung của nền kinh tế.

Sáng 12/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ 4.500 người lao động tại tỉnh Bắc Giang và đối thoại trực tiếp, trực tuyến với công nhân cả nước qua 63 điểm cầu các tỉnh, thành với chủ đề "Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước”.

Phát biểu kết luận buổi gặp gỡ đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước chăm lo cho công nhân hết sức rõ ràng. Ông yêu cầu các bộ, ngành tiếp thu thẳng thắn những gì công nhân gửi gắm để công nhân có điều kiện đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Trước đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận được gần 10.000 câu hỏi, kiến nghị, đề xuất của cán bộ, đoàn viên công đoàn và công nhân lao động cả nước đối với 126 vấn đề gửi đến người đứng đầu Chính phủ.

Qua tổng hợp, các câu hỏi, kiến nghị, đề xuất tập trung chủ yếu xung quanh 10 nhóm vấn đề lớn: Tiền lương, sửa đổi chính sách bảo hiểm hay kiến nghị thúc đẩy giải quyết chính sách cho người lao động như chính sách hỗ trợ người lao động ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hỗ trợ con công nhân lao động, hỗ trợ tiền nhà cho người lao động…

Ngọc Tân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/doi-thoai-voi-thu-tuong-cong-nhan-than-bi-de-doa-vi-tin-dung-den-post1325720.html