Đối thoại để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động

Thời gian qua, một số doanh nghiệp (DN) sản xuất trong ngành gỗ, may mặc trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn về đơn hàng nên phải hoạt động cầm chừng. Thực trạng này tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các tranh chấp lao động. Vì vậy, việc tăng cường kết nối, đối thoại giữa DN với người lao động (NLĐ) để giải quyết kịp thời tranh chấp, đảm bảo quyền lợi NLĐ, hạn chế ảnh hưởng đến lao động, sản xuất đang là vấn đề được các cấp công đoàn trong tỉnh quan tâm.

Công nhân Công ty Cổ phần May Quảng Trị trình bày việc bị doanh nghiệp nợ lương, nợ BHXH tại buổi đối thoại với Chủ tịch UBND tỉnh vào cuối tháng 4/2023 - Ảnh: M.L

Tháng 5/2023, trước tình hình khó khăn của DN do đơn hàng bị cắt giảm, Công đoàn cơ sở Công ty TNHH MTV Gỗ Nguyên Phong (huyện Triệu Phong) tổ chức đối thoại với NLĐ để thông báo tình hình sản xuất kinh doanh, việc đơn hàng bị cắt giảm nên một số tổ sản xuất ngừng hoạt động, DN buộc phải cho 1/3 số lượng NLĐ nghỉ việc không lương một thời gian.

Ông Lê Duy Trinh, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH MTV Gỗ Nguyên Phong cho biết: “Thời điểm ấy, các đơn hàng về ván ghép thanh công ty xuất bán ra thị trường miền Bắc đều bị dừng lại nên hơn 40 công nhân ở tổ sản xuất mặt hàng không có việc làm. Tuy nhiên, nhờ minh bạch thông tin, giải đáp cụ thể thắc mắc của NLĐ nên những công nhân nghỉ việc phần nào đỡ tâm tư, chia sẻ với khó khăn của DN”.

Để động viên NLĐ, ban chấp hành công đoàn công ty đã báo cáo tình hình với công đoàn cấp trên, làm thủ tục cho toàn bộ công nhân bị ngừng việc của công ty được hưởng chế độ hỗ trợ 2 triệu đồng/người theo Nghị quyết 06/NQ-ĐCT của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam về hỗ trợ cho đoàn viên NLĐ bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động do DN bị cắt giảm đơn hàng. Thời gian qua, công ty cũng nỗ lực tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường...

Dự kiến đến tháng 11/2023, số lượng lao động bị ngừng việc thời gian qua sẽ được bố trí việc làm trở lại. “Hàng năm, theo sự chỉ đạo của công đoàn cấp trên, công đoàn cơ sở công ty không chỉ tạo ra các phong trào, mô hình để chăm lo đời sống mà còn là cầu nối giữa chủ DN với NLĐ. Đặc biệt, lúc DN khó khăn, sản xuất kinh doanh thua lỗ, công đoàn cơ sở càng có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi NLĐ, động viên NLĐ đồng hành với DN để vượt qua khó khăn trước mắt, hài hòa lợi ích đôi bên”, ông Trinh cho biết thêm.

Nhiệm kỳ qua, LĐLĐ tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời 10 vụ tranh chấp lao động, các cấp công đoàn tổ chức 25 cuộc đối thoại giữa người sử dụng lao động với NLĐ. Đặc biệt, năm 2023, LĐLĐ tỉnh lần đầu tiên tổ chức đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với đoàn viên, NĐL trong toàn tỉnh.

Qua các cuộc đối thoại, đoàn viên, NLĐ kiến nghị lãnh đạo tỉnh nhiều vấn đề như: DN chưa giải quyết chế độ chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH), nhà ở cho đoàn viên, NLĐ có thu nhập thấp, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở...

Thực tế cho thấy, khi xảy ra xung đột trong quan hệ lao động, chủ DN càng né tránh tiếp xúc với công nhân thì mâu thuẫn càng bị đẩy lên cao, dễ xảy ra ngừng việc tập thể, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể như năm 2022, một số công nhân thuộc Công ty Cổ phần May Quảng Trị khi nghỉ việc đã không nhận được chế độ thất nghiệp, không chốt được sổ bảo hiểm, thậm chí nghỉ sinh cũng không có chế độ thai sản.

Lúc đó, họ mới biết, mỗi tháng, công ty vẫn trừ phần tiền lương đóng bảo hiểm của NLĐ nhưng lại không nộp cho BHXH. NLĐ nhiều lần trao đổi nhưng sự việc không được giải quyết. Đến cuối tháng 4/2022, đại diện của 31 công nhân bị công ty này nợ BHXH đã tìm đến tổ chức công đoàn cấp trên đề nghị được giúp đỡ.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin vụ việc, cán bộ công đoàn tỉnh chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các sở, ngành liên quan trực tiếp xuống công ty cùng với công nhân đối thoại, thương thuyết với DN. Đến giữa tháng 5/2022, 30/31 lao động bị nợ BHXH đã được chốt sổ BHXH và giải quyết đầy đủ các chế độ.

Nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp công đoàn và ngành liên quan tranh chấp lao động đợt 1 tại Công ty Cổ phần May Quảng Trị được giải quyết. Tuy nhiên, sau đó công ty này lại tiếp tục nợ lương, nợ BHXH của nhiều lao động khác. Hiện DN này đã ngừng hoạt động, LĐLĐ tỉnh, thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cùng một số đơn vị liên quan đang phối hợp giải quyết vụ việc này để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.

“Chúng tôi đang phối hợp với ngành chức năng giải quyết vụ việc này. Nếu DN không hợp tác, cố tình chây ỳ không thực hiện các nghĩa vụ với NLĐ, LĐLĐ tỉnh sẽ hướng dẫn công nhân hoàn thiện các thủ tục để khởi kiện DN ra tòa, đấu tranh đến cùng để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ”, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thị Hoài Lê nhấn mạnh.

Cũng theo bà Lê, các cấp công đoàn trong tỉnh luôn chia sẻ, đồng hành với đoàn viên và NLĐ, nhất là trong giai đoạn khó khăn như hiện nay. Đồng thời, LĐLĐ tỉnh rất mong đoàn viên, NLĐ cùng chia sẻ khó khăn với DN. DN có duy trì được sản xuất, kinh doanh thì NLĐ mới có việc làm, thu nhập ổn định.

Khi gặp khó khăn, phát sinh vấn đề, DN nên chủ động đối thoại và thông tin sớm cho đoàn viên, NLĐ. Tổ chức công đoàn luôn sẵn sàng làm cầu nối để giúp NLĐ, DN xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định.

Mai Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/doi-thoai-de-hai-hoa-loi-ich-giua-doanh-nghiep-va-nguoi-lao-dong/180553.htm