Độc đáo văn hóa lễ hội trong ngày Tết cổ truyền ở Lý Sơn

Nằm cách đất liền khoảng 30km, Lý Sơn không chỉ được biết đến với nhiều thắng cảnh thiên nhiên đẹp mê hoặc lòng người, mà còn là địa danh chứa đựng những nét văn hóa truyền thống quý báu mà không vùng biển, đảo nào có được, đặc biệt là các lễ hội trong ngày Tết cổ truyền.

Nói đến đảo Lý Sơn người ta nghĩ ngay đến lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, tuy nhiên bên cạnh đó còn có rất nhiều nghi thức lễ được lưu giữ, tạo nên bản sắc riêng của cư dân đất đảo như lễ dựng cây nêu ngày Tết. Có thể kể đến như: lễ hội đua thuyền tứ linh, lễ cầu ngư, lễ cầu mùa, cầu an, tạ mùa, dồi bồng là nét văn hóa đặc sắc trong văn hóa tín ngưỡng của người Lý Sơn.

Vào dịp Tết cổ truyền, trên đất đảo Lý Sơn vẫn giữ gìn nguyên vẹn các nghi lễ truyền thống, phong tục Tết của người Việt như đi tảo mộ, trang hoàng bàn thờ gia tiên, mua sắm các lễ vật để cúng tế ở các đình, miếu… tất cả đều được chuẩn bị hết sức chu đáo.

Chuẩn bị ghe đua thuyền ngày Tết

Vào dịp Tết Nguyên đán, theo tục lệ hằng năm, sau lễ cúng đưa ông Công, ông Táo về trời từ đêm 23, rạng sáng 24 tháng Chạp, các đình làng, dinh miếu và các nhà thờ tộc họ đồng loạt làm lễ dựng cây nêu để đón Tết cổ truyền của dân tộc. Lễ thượng nêu là một trong những nghi lễ truyền thống trong dịp Tết được người dân đảo quê hương Hải đội Hoàng Sa gìn giữ, lưu truyền hằng trăm năm nay. Trong khi ở nhiều địa phương cả nước, nghi lễ này bị mai một thì tại Lý Sơn vẫn được gìn giữ bảo tồn đến ngày nay. Đây là nghi thức ăn sâu vào tâm thức, văn hóa truyền thống người dân xứ đảo.

Trước khi dựng nêu, các đền chùa, miếu mạo và các tộc họ bắt đầu gióng trống, khua chiêng dâng lễ vật để làm nghi lễ lên nêu. Kết thúc nghi lễ này, cây nêu được đưa ra trước sân đình, miếu hay các nhà thờ tộc để dựng lên báo hiệu với tiền nhân, ngày Tết đã đến.

Trước khi mở đầu phần lễ chính, các vị bô lão cúng vái theo phong tục truyền thống. Mâm cúng gồm nhiều lễ vật do người dân trồng trọt, đánh bắt trong năm. Trong đó không thể thiếu món bánh ít lá gai và hải sản ngư dân khai thác từ vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Tiếp theo là nghi lễ mộc trụ thường kỳ vui xuân, đón Tết được các bô lão kính cẩn vái vọng thể hiện lòng thành kính với các bậc tiền nhân mở cõi, cắm mốc chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa… Đây cũng là dịp để con cháu, tộc họ trên đảo tưởng nhớ các bậc tiền nhân có công khai khẩn vùng đất đảo và tri ân những vị hùng binh đã nằm lại ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.

Bên cạnh đó, ở đảo Lý Sơn những ngày tháng Chạp, tất cả các dinh miếu đều thấp thoáng bóng áo thụng xanh, thụng đỏ của các bô lão; tiếng trống, tiếng chiêng trộn lẫn trong tiếng sóng biển...

Đó là lúc người dân Lý Sơn làm lễ hoàn nguyện, lễ tạ ơn các đấng thần linh, các bậc tiên hiền, các binh phu đi Hoàng Sa thuở trước, sau một năm ra khơi bám biển, một năm miệt mài trên những cánh đồng nhỏ hẹp quanh 5 ngọn núi Giếng Tiền, Thới Lới, Hòn Sỏi, Hòn Tai, Hòn Vung mà 15 vị tiền hiền khai phá từ thuở vua Lê Kính Tông trị vì.

PV

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/doc-dao-van-hoa-le-hoi-trong-ngay-tet-co-truyen-o-ly-son-post284332.html