Độc đáo Tết cổ truyền của người Hà Nhì ở Lai Châu

Cũng như người Kinh và nhiều dân tộc khác có Tết Nguyên đán thì người Hà Nhì sinh sống nơi thượng nguồn sông Đà, thuộc huyện Mường Tè (Lai Châu) đón tết riêng - Tết cổ truyền Khụ Sự Chà. Cùng với hoạt động thăm hỏi, chúc nhau những điều may mắn, Tết cổ truyền của đồng bào nơi đây còn diễn ra với nhiều phong tục, hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Sau tiếng gọi thông báo của trưởng bản Mé Gióng, xã Ka Lăng, bà con dân tộc Hà Nhì đã có mặt tại nhà văn hóa tổ chức họp bản. Nội dung họp là thảo luận, bàn bạc, thống nhất tổ chức Tết cổ truyền của dân tộc. Năm nay, tình hình chăn nuôi của bà con không thuận lợi, nên cả bản đã thống nhất gia đình nào có lợn mổ hỗ trợ gia đình không có. Cứ thế, Tết cổ truyền của người Hà Nhì nơi đây diễn ra trong tình yêu thương, đoàn kết của cả cộng đồng.

Ông Chu Lù Ky, Trưởng bản Mé Gióng, xã Ka Lăng, huyện Mường Tè chia sẻ: "Tết cổ truyền là từ các cụ ngày xưa để lại, là mỗi năm tăng thêm một tuổi mới để có một sức khỏe mới, đồng thời là để kinh tế ngày càng phát triển. Trong ngày Tết bà con tổ chức giao lưu văn nghệ, đón chào năm mới, anh em họ hàng mời rượu với nhau, năm mới gặp gỡ với nhau. Anh em, bạn bè ở xa đến thì mời ăn cơm cùng gia đình".

Đồng bào Hà Nhì quây quần bên mâm cỗ ngày tết

Tết cổ truyền của người Hà Nhì ở xã vùng cao biên giới Ka Lăng thường được tổ chức vào ngày Thìn của tháng 11 âm lịch hàng năm và kéo dài trong 5 ngày. Theo phong tục, để chuẩn bị cho tết Khụ Sự Chà, người Hà Nhì làm bánh giầy, bánh trôi, mổ lợn, gà để cúng tổ tiên, vừa như lời tạ ơn cho một vụ mùa đã qua, vừa như lời cầu xin cho một năm mới tốt lành, mưa thuận gió hòa, cây trái tốt tươi.

Ông Lý Tư Lòng, già làng ở bản Mé Gióng, xã Ka Lăng, huyện Mường Tè cho biết, đêm ngày đầu tiên của Tết được coi như đêm giao thừa. Sáng sớm ngày mùng 1 Tết, người Hà Nhì có tục đi lấy nước ở mó nước rất sớm để về làm đồ cúng và sinh hoạt. Bà con quan niệm việc lấy nước là lấy lộc và có nguồn nước mới dồi dào sử dụng ngay từ đầu năm sẽ may mắn trong cả năm. Việc thờ cúng tổ tiên, thần linh cũng đa dạng theo từng hộ gia đình, nhưng tựu chung là các sản vật nông nghiệp do gia đình tự làm ra: "Truyền thống để lại như thế, năm nào đến kỳ thì phải ăn tết. Sau khi làm xong mâm cỗ chính, các hộ gia đình đưa thịt, gan lợn lên ban thờ cúng. Ai cũng cúng như vậy, gia đình nào cũng có, cho nên có hộ gia đình đưa gừng, có hộ lại đưa chè lên để cúng".

Tết cổ truyền của người Hà Nhì ở Mường Tè (Lai Châu) là dịp để bà con gặp gỡ, giao lưu, chúc tụng nhau

Phụ nữ Hà Nhì thổi sáo trong ngày tết cổ truyền

Một trong những nét văn hóa tâm linh độc đáo mà người Hà Nhì trong tết cổ truyền vẫn còn lưu giữ đến nay là tục xem gan lợn. Qua lá gan, người xem có thể đoán định mùa màng năm tới hay tình hình sức khỏe các thành viên trong gia đình. Nhà nào mổ con lợn to chứng tỏ năm vừa qua nhà đó làm ăn được, mùa màng bội thu. Bởi thế những con lợn mổ ăn tết thường được chủ nhà dày công chăm sóc trong cả năm, nhiều con nặng tới hơn một 100 kg.

Ông Lỳ Ló Hừ, Phó Chủ tịch UBND xã Ka Lăng, huyện Mường Tè cho biết: Vào ngày tết cổ truyền, con cháu biết ơn công sinh thành của ông bà, cha mẹ nên dù ở đâu hay đi lấy chồng xa cũng phải chuẩn bị lễ vật gồm rượu, thịt lợn, gà về nhà chúc Tết. Sau đó, ông bà, bố mẹ chúc phúc con cháu, gia đình đầm ấm bên mâm cơm đầu năm và ôn lại lịch sử dòng tộc hoặc chia sẻ công việc trong năm tới, kinh nghiệm sản xuất mùa màng cũng như mong muốn con cháu giữ gìn bản sắc dân tộc.

Ông Hừ nói: "Hàng năm cứ thu hoạch xong, bà con lại tổ chức tết cổ truyền dân tộc của người Hà Nhì và thường rơi vào tháng 11, tất cả các bản ở 4 xã trong vùng như Tá Bạ, Thu Lũm, Mù Cả, Ka Lăng tổ chức cùng một thời điểm. Ngày tết sẽ mời các du khách, lãnh đạo huyện cũng như lãnh đạo tỉnh vào thăm lễ tết cổ truyền dân tộc. Do vậy năm nào bà con cũng tổ chức vui tươi và ý nghĩa, không cho phai mờ bản sắc của người Hà Nhì".

Cùng chơi đánh cầu lông gà trong ngày tết

Tết của người Hà Nhì không thể thiếu các loại bánh được làm từ gạo nếp nương

Sau bữa cơm đầu năm mới sáng mùng 1 tết, các bản làng người Hà Nhì ở xã Ka Lăng cũng như các xã lân cận nơi đầu nguồn sông Đà rộn rã tiếng nói cười. Từ người già đến trẻ nhỏ, ai cũng diện những bộ quần áo mới rực rỡ sắc màu.

Ngoài hoạt động chúc tết đầu năm, tại các nhà văn hóa hay các khu đất trống ở bản, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian diễn ra sôi nổi, hào hứng. Đây là dịp để các chàng trai, cô gái đua tài và sau một mùa chơi xuân, nhiều cặp đôi trai gái kết duyên vợ chồng, xây dựng hạnh phúc trăm năm.

Chị Xì Lù Pư, ở bản Mé Gióng, xã Ka Lăng chia sẻ: "Trong dịp tết có múa điệu xòe Hà Nhì, với chơi các trò chơi dân gian như đánh cầu đuôi gà, đánh cù. Trong đó phụ nữ sẽ múa, đánh cầu với vui chơi điệu xòe của Hà Nhì. Vai trò của phụ nữ trong dịp tết cổ truyền rất quan trọng, như là làm lý là đa số phụ nữ làm".

Tục xem gan lợn đầu năm của người Hà Nhì ở Ka Lăng vẫn còn lưu giữ đến ngày nay

Trong suốt 5 ngày Tết cổ truyền của dân tộc, bản làng người Hà Nhì rộn rã tiếng nói cười. Người dân đoàn kết, chung vui bên các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian. Cùng nhau chúc những lời hay, ý đẹp về một năm mới bình an, làm ăn phát triển. Nét riêng văn hóa độc đáo trong tết cổ truyền của đồng bào Hà Nhì nơi thượng nguồn sông Đà đã tạo nên sự đa dạng về văn hóa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/doc-dao-tet-co-truyen-cua-nguoi-ha-nhi-o-lai-chau-post1075435.vov