Độc đáo nhà gỗ của người Mông ở Ché Lầu

Bản Ché Lầu của xã Na Mèo ẩn mình giữa đại ngàn thâm u, kỳ vĩ. Khi sương núi còn đọng trên vành lá, tôi hồ hởi theo chân Phó Bí thư chi bộ Thao Văn Dế ghé thăm những ngôi nhà gỗ truyền thống của bà con người Mông.

Căn nhà lợp bằng gỗ pơ mu của gia đình ông Thao Văn Dia.

Căn nhà lợp bằng gỗ pơ mu của gia đình ông Thao Văn Dia.

Anh Dế bảo, giờ bản mình còn hai căn nhà làm hoàn toàn từ gỗ, mái lợp gỗ lung linh (có nơi còn gọi là pơ mu) kiểu truyền thống. Một số ít còn lại thì bà con đã lợp tôn lên trên mái để bảo vệ, có nhà thì sử dụng làm bếp do nhà có diện tích nhỏ...

Tôi ngỡ ngàng, bởi giữa làn khói lam bảng lảng buổi đầu hôm, những mái nhà thấp, rộng, phủ rêu mốc kia lại là nét văn hóa kiến trúc độc đáo của dân tộc Mông còn sót lại giữa bản làng đang dần thay da đổi thịt. Gỗ lung linh, theo anh Dế, là loại gỗ quý của núi rừng. Nó không bị mối mọt, không cong vênh, chịu được gió núi mưa rừng, lại mát vào mùa hè, ấm về mùa đông. Gỗ khi mới xẻ còn thoảng hương thơm rất riêng mà người dân những năm xưa phải vào tận khu rừng giáp biên giới Việt Nam - Lào mới lấy được.

Dừng chân trước ngôi nhà năm gian của ông Thao Văn Dia (SN 1943), tôi cảm nhận rõ vết thời gian. Căn nhà rêu phong, xám bạc, thấp, nền đất nện, mái rộng chảy dốc xuống hai bên như dang tay ôm trọn cả ba thế hệ con cháu nhà ông Dia đang sinh sống dưới mái nhà.

Ông Dia chống gậy bước ra hiên, cười hiền, nói: “Hồi dựng căn nhà này, tôi còn trai trẻ. Ngày đó, rừng còn xanh rì, chọn được cây pơ mu to là kéo nhau cả nhóm đẵn về, mất cả tháng trời mới dựng xong được nhà”.

Căn nhà của ông Dia có cửa chính đặt ở gian giữa, đúng như truyền thống của người Mông. Cửa phụ ở đầu hồi hướng ra lối đi nhỏ. Các gian được phân tách rõ ràng. Thường thì gian đầu bên trái đặt bếp nấu và buồng ngủ vợ chồng ông bà; gian cuối là chỗ đặt bếp sưởi và giường khách; còn gian giữa rộng rãi nhất là nơi đặt bàn thờ tổ tiên và là nơi tiếp khách, quây quần bữa cơm. Bên trên, một gác nhỏ bằng tre dùng để cất giữ ngô, thóc, đậu, thậm chí là chăn màn mùa đông.

“Cái gác kia không chỉ để đồ, khi có khách xa, đông người, bọn tôi cũng ngủ luôn trên đó. Khói bếp lên hàng ngày, hun cho mọi thứ khô ráo, không bị mọt mốc”, ông Dia nói, tay khua nhè nhẹ như xua đi lớp tro trên mặt bếp củi.

Ngoài căn nhà của ông Dia, còn có căn nhà của anh Thao Văn Súa (SN 1971), là một trong hai hộ còn giữ gần như nguyên trạng kiến trúc nhà cũ. Nhà anh Súa ba gian, tám cột, mái dốc phủ đen vì rêu. Anh Súa kể, căn nhà này được cha để lại, anh chỉ tu sửa vài lần, thay vài xà ngang hỏng. Mỗi lần sửa phải rất khó khăn vì phải mua được đúng gỗ. Loại gỗ này giờ rất hiếm.

Bản Ché Lầu hiện có 67 hộ, 323 nhân khẩu, phần lớn là đồng bào người Mông. Trước kia, cả bản gần như thống nhất một kiểu nhà, nhưng theo thời gian và chính sách bảo vệ rừng, số lượng nhà gỗ truyền thống dần ít đi. Có nhà cải tạo một phần, có nhà thêm mái tôn để giữ phần khung, một vài căn chỉ giữ lại gian bếp như nơi lưu giữ chút ký ức xưa. Còn đa phần, bà con đã xây nhà kiên cố theo lối kiến trúc mới. Dẫu vậy, anh Dế cho rằng, “Người Mông ở đâu cũng biết quý nhà. Vì nhà không chỉ để ở, mà là chỗ giữ lửa, giữ tổ tiên, giữ phong tục. Nhà được làm bằng gỗ tốt, nhưng để giữ được nhà qua mấy chục năm chính là ý thức của con cháu”.

Tôi hiểu điều đó khi thấy ông Dia nhè nhẹ lau từng tấm ván gỗ, còn anh Súa dặn con “đừng để ai vứt đồ linh tinh lên gác xép”, hay khi chính Phó Bí thư Chi bộ bản cũng dừng lại thật lâu, ngước nhìn mái nhà phủ rêu, như thể cố ghi vào lòng dáng hình một di sản còn sót lại...

Bài và ảnh: Đình Giang

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doc-dao-nha-go-cua-nguoi-mong-nbsp-o-che-nbsp-lau-38286.htm