'Doanh nhân không cần đặc lợi, chỉ cần niềm tin để bứt phá'

Diễn đàn kinh tế tư nhân 2025 (VPSF) là nơi để các doanh nhân gửi gắm niềm tin về một thể chế mạnh, chính sách ổn định và lòng tin được khơi dậy.

Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên phát triển mới, một giai đoạn mà khát vọng dân tộc về một quốc gia hùng cường, thịnh vượng và có vị thế trên bản đồ kinh tế thế giới chưa bao giờ rõ nét như hôm nay.

Đây cũng là thời kỳ Đảng và Nhà nước đang tiến hành những cuộc cách mạng mạnh mẽ về thể chế, với quyết tâm tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp lại đơn vị hành chính, nâng cao hiệu lực điều hành và thúc đẩy hiệu quả quản trị quốc gia.

Trong bối cảnh đó, kinh tế tư nhân với tinh thần linh hoạt, năng động, đổi mới sáng tạo đang đứng trước một thời cơ lịch sử để vươn mình, khẳng định vai trò trụ cột trong nền kinh tế Việt Nam hiện đại.

“Tư nhân không xin đặc quyền, chỉ mong một môi trường minh bạch cùng thể chế ngày càng hoàn thiện để cống hiến. Doanh nhân không cần đặc lợi, chỉ cần niềm tin để bứt phá”, bà Phạm Thị Bích Huệ, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nhấn mạnh.

Bà cho biết, Diễn đàn kinh tế tư nhân 2025 (VPSF) là nơi để các doanh nhân gửi gắm niềm tin ấy. Đó là niềm tin rằng khi thể chế mạnh, doanh nghiệp sẽ lớn; khi chính sách ổn định, nhà đầu tư sẽ vững; và khi lòng tin được khơi dậy, sức bật của quốc gia sẽ bứt phá.

Đại diện ban tổ chức Diễn đàn kinh tế tư nhân 2025

Đại diện ban tổ chức Diễn đàn kinh tế tư nhân 2025

Lời hồi đáp của đội ngũ doanh nhân

Tiếp nối các sự kiện năm 2016 và 2017 đã từng đặt nền móng cho việc định hình một tư duy mới trong chính sách phát triển khu vực tư nhân, VPSF 2025 là cam kết cụ thể của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam trong việc đồng hành cùng Đảng và Nhà nước kiến tạo những thay đổi lớn, tiếp tục khơi thông nguồn lực tư nhân, thúc đẩy cải cách thể chế và lan tỏa tinh thần kiến quốc bằng hành động.

Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII đã lần đầu tiên khẳng định: “Phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Và đến hôm nay, Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị tiếp tục kế thừa và nâng tầm vai trò này khi nhấn mạnh: “Kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”.

Tư tưởng ấy là bước tiến về nhận thức, nhưng cũng là lời hiệu triệu cho hành động. Và VPSF 2025 là lời hồi đáp đầy trách nhiệm của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.

Với chủ đề “Khai phóng tiềm năng - kiến tạo tương lai Việt”, VPSF 2025 không chỉ là một sự kiện mà là một hệ sinh thái đối thoại chính sách. Diễn đàn được thiết kế theo cấu trúc ba vòng đối thoại: cấp địa phương, cấp Bộ ngành và cấp cao nhằm bảo đảm sự phản ánh đầy đủ và sâu sắc thực tiễn đang diễn ra trong toàn nền kinh tế tư nhân.

“Chúng tôi xác định rằng, việc lắng nghe tiếng nói doanh nghiệp phải đi cùng hành động chính sách”, bà Huệ trong vai trò trưởng ban tổ chức VPSF 2025 nhấn mạnh.

Mỗi phiên đối thoại sẽ là nơi thực tiễn gặp gỡ thể chế, để từ đó xuất hiện các đề xuất cụ thể, khả thi, gắn với từng ngành, từng địa phương, từng nhóm doanh nghiệp. Chúng tôi cũng xác định rằng, doanh nhân không chỉ là người sản xuất mà là người kiến tạo. Không chỉ là người chịu tác động mà phải trở thành đối tác trong hoạch định chính sách. Và không chỉ đóng góp vào GDP mà còn đóng góp vào tương lai của thể chế quốc gia.

Diễn đàn năm nay sẽ ra tuyên bố chung và xuất bản Sách Trắng Kinh tế tư nhân Việt Nam 2025. Đây là một bộ tài liệu nền tảng phản ánh trung thực thực trạng, rào cản và đề xuất giải pháp, được gửi tới Chính phủ, các bộ ngành và các địa phương để làm căn cứ cải cách chính sách trong giai đoạn phát triển mới.

Nngay sau Diễn đàn, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam sẽ xây dựng một bộ công cụ độc lập nhằm đánh giá mức độ sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tại các địa phương. Bộ công cụ này không chỉ tạo kênh phản hồi khách quan từ doanh nghiệp về môi trường kinh doanh cấp tỉnh mà còn là cơ sở để thúc đẩy cạnh tranh cải cách giữa các địa phương, nâng cao năng lực quản trị nhà nước và cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Đồng thời, kết quả đánh giá cũng sẽ được tổng hợp định kỳ làm căn cứ để Hội xây dựng các kiến nghị chính sách, gửi báo cáo chuyên đề tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, từ đó, thúc đẩy việc ban hành và thực thi các chính sách phù hợp hơn với thực tiễn doanh nghiệp.

Quỳnh Chi

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/doanh-nhan-khong-can-dac-loi-chi-can-niem-tin-de-but-pha-d40911.html