Doanh nghiệp 'xù' gần 3 nghìn tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội

Theo Báo cáo số 1387 ngày 2/5/2019 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH) gửi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đến tháng 12/2018, cả nước có 23.784 doanh nghiệp (DN) phá sản, giải thể với những lý do như chủ là người nước ngoài bỏ trốn, DN chờ phá sản, giải thể không còn khả năng giao dịch, với tổng số tiền hơn 2.902 tỷ đồng và có 76.253 lao động ảnh hưởng.

Nợ bảo hiểm có xu hướng giảm dần

Thực tế cho thấy, không phải tới giai đoạn này mà từ khi quỹ BHXH được hình thành từ năm 1995 trên cơ sở đóng góp của người lao động và chủ sử dụng lao động, tình trạng DN không tham gia cho người lao động (NLĐ) hay dây dưa nợ đọng tiền đóng góp vào quỹ BHXH đã diễn ra.

(Ảnh minh họa)

Đặc biệt, trong những giai đoạn nền kinh tế thế giới khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, để bảo vệ lợi nhuận của mình, không ít DN đã cố tình cắt giảm nhiều quyền lợi chính đáng của NLĐ, trong đó có lợi ích về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT).

Bên cạnh đó, không ít DN có quy mô lớn nhưng do không thích ứng kịp với yêu cầu phát triển của thị trường hoặc sai hướng trong các hoạt động đầu tư… đã gặp khó khăn, thậm chí phá sản, không thực hiện được trách nhiệm đóng góp BHXH cho NLĐ.

Ngoài ra, trong một số năm gần đây, NLĐ ở nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) còn phải đối mặt với tình trạng bị nợ lương, nợ BHXH không thể giải quyết do chủ bỏ trốn, DN đóng cửa…

Trước tình hình trên, ngành BHXH đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp như giao trách nhiệm cho cán bộ chuyên quản địa bàn, DN; thường xuyên đối chiếu, rà soát nợ và yêu cầu chủ sử dụng lao động nộp đúng, đủ, kịp thời; tăng cường kiểm tra, phát hiện sai phạm và xử phạt hành chính, tính lãi trên số tiền nợ đọng; phối hợp với ngân hàng trích tài khoản của đơn vị nợ để thanh toán BHXH theo quy định. Đồng thời, đã ban hành nhiều quy định, quy trình quản lý thu và xử lý nợ.

Theo thống kê, nếu như tổng số nợ tính tại thời điểm cuối năm 2015 là 9.920 tỷ đồng, tương đương với 4,88% số phải thu thì đến cuối năm 2016, giảm xuống còn 7.435 tỷ đồng. Đặc biệt, đến cuối năm 2018, với việc ngành BHXH thực hiện đồng bộ các biện pháp quyết liệt, số nợ BHXH đã giảm còn 5.715 tỷ đồng, tương đương 1,7% số phải thu - đạt mức thấp nhất từ trước đến nay, nhưng tình trạng này vẫn còn ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng trăm nghìn NLĐ.

Nhiều doanh nghiệp cố tình vi phạm

BHXH Việt Nam báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành đặc biệt báo cáo thẩm tra hằng năm của Ủy ban Về các vấn đề xã hội tình hình thực hiện quỹ BHXH, BHYT cho thấy, hiện nay số đơn vị nợ BHXH có ở tất cả các tỉnh, thành phố, thuộc tất cả thành phần kinh tế, trong đó tập trung chủ yếu vào DN ngoài quốc doanh.

Hàng nghìn người lao động bị mất bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp phá sản

Bên cạnh những DN hoạt động sản xuất kinh doanh thực sự gặp khó khăn thì cũng có không ít đơn vị cố tình vi phạm quy định về đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; số lượng đơn vị phá sản, giải thể, mất tích và chủ bỏ trốn chưa được giải quyết…

Tuy nhiên, mức xử phạt các hành vi vi phạm trên còn thấp, chưa tương xứng với mức độ vi phạm; công tác khởi kiện hay xử lý hình sự các hành vi tội phạm theo quy định của pháp luật hình sự chưa kịp thời xử lý triệt để. Vì thế, tình trạng nợ bảo hiểm vẫn chưa giải quyết được rốt ráo.

Theo báo cáo của BHXH TP Hà Nội công bố tại Hội nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn do UBND TP Hà Nội tổ chức, tính đến ngày 30/4 có 37.557 đơn vị nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN với 559.629 lao động; số tiền nợ phải tính lãi là 2.084,9 tỷ đồng, tăng 1.105,1 tỷ đồng so với tháng 12.2018.

BHXH TP Hà Nội cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2019, Thanh tra thành phố chủ trì, phối hợp liên ngành ban hành văn bản dự kiến kế hoạch thanh tra tại 261 đơn vị, thực hiện thanh tra 100 đơn vị (chưa ra quyết định thanh tra 161 đơn vị do đã khắc phục cơ bản số tiền nợ) nợ đóng BHXH 266,3 tỷ đồng, thu hồi 95,2 tỷ đồng (đạt 35,7%).

Bên cạnh đó, BHXH thành phố đã tổ chức 628 cuộc thanh tra chuyên ngành các đơn vị sử dụng lao động với số tiền nợ là 96,6 tỷ đồng, sau thanh tra thu hồi được 33,1 tỷ đồng (đạt 33,9%); UBND các quận, huyện, thị xã đã tổ chức 80 cuộc kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động, với tổng số tiền nợ 16,5 tỷ đồng, sau kiểm tra thu hồi được 13,7 tỷ đồng (đạt 83,1%); xử phạt 03 đơn vị với số tiền: 261,249 triệu đồng theo thẩm quyền.

M.L

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/doanh-nghiep-xu-gan-3-nghin-ty-dong-tien-bao-hiem-xa-hoi-539462.html