Doanh nghiệp Trung Quốc rót gần 1,8 tỷ USD vào Việt Nam từ đầu năm
Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất khi rót gần 1,8 tỷ USD vào Việt Nam thông qua các dự án đầu tư được cấp phép mới trong 7 tháng từ đầu năm, vượt mặt cả Hàn Quốc và Nhật Bản.
Báo cáo tình hình kinh tế xã hội vừa được Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho biết chỉ trong 7 tháng từ đầu năm dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã đạt gần 8,3 tỷ USD, với 2.064 dự án được cấp phép mới.
Trung Quốc rót gần 1,8 tỷ USD vào Việt Nam
Dù số lượng dự án được cấp phép mới đã tăng 24,6%, giá trị vốn đăng lý lại giảm 37,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Đáng chú ý, trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án được cấp phép mới tại Việt Nam, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất khi đã rót tới 1,79 tỷ USD trong 6 tháng. Riêng số vốn từ các doanh nghiệp của quốc gia này đã chiếm 21,6% tổng vốn đăng ký cấp mới tại thị trường Việt Nam thời gian qua.
Dòng FDI từ Trung Quốc đã vượt một số nhà đầu tư lớn như Hàn Quốc là 1,47 tỷ USD (tương đương 17,8%), Nhật Bản là 1,12 tỷ USD (13,6%)…
Đây là tín hiệu đặc biệt khi những năm trước đó, Trung Quốc chưa khi nào là quốc gia đứng đầu về dòng vốn FDI vào Việt Nam, đều xếp sau Nhật Bản và Hàn Quốc.
Thậm chí, ngoài dòng vốn từ Trung Quốc đại lục, FDI từ Đặc khu hành chính Hong Kong và Đài Loan cũng tăng mạnh vào Việt Nam. Cụ thể, vốn từ Hong Kong đạt 991,6 triệu USD (12%) và Đài Loan là 359,1 triệu USD (4,34%)…
Tổng cộng, FDI từ Trung Quốc và các vùng lãnh thổ liên quan đổ vào Việt Nam trong 7 tháng qua đã lên tới 3,1 tỷ USD, gấp 2 lần so với các nhà đầu tư Hàn Quốc, và gấp 3 lần vốn từ Nhật Bản.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, với 1,78 tỷ USD các nhà đầu tư Trung Quốc đã rót vào tổng cộng 364 dự án, tương ứng với mỗi dự án trung bình dưới 5 triệu USD (tương đương hơn 112 tỷ đồng).
Trong 7 tháng đầu năm, ngành, lĩnh vực nhận được FDI nhiều nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút lớn nhất với hơn 6 tỷ USD vốn đầu vào, chiếm 73,2% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Kinh doanh bất động sản cũng đã nhận tổng cộng 842,7 triệu USD từ dòng vốn này thời gian qua, chiếm 10,2%. Còn lại là các ngành khác với 1,37 tỷ USD, chiếm 16,6%.
Ngoài việc nhận dòng vốn FDI, thời gian qua các doanh nghiệp Việt cũng đã đầu tư 90 dự án mới ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư 180,1 triệu USD. Trong đó chủ yếu tập trung ở lĩnh vực bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác…
Vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp đạt kỷ lục
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho biết trong 7 tháng vừa qua, cả nước đã có 79.300 doanh nghiệp thành lập mới với quy mô vốn đăng ký bình quân đạt 12,6 tỷ đồng/doanh nghiệp.
Đây là số vốn thành lập bình quân cao nhất trong những năm trở lại đây, điều này dự báo sức khỏe tốt hơn của các doanh nghiệp ra nhập thị trường.
Chỉ tính riêng tháng 7, cả nước có 12.352 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 139.200 tỷ đồng. Tính chung 7 tháng, cả nước có 79.300 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 999.400 tỷ đồng, tăng 4,6% về số doanh nghiệp và tăng 29,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới cũng đã tăng gần 24% so với cùng kỳ.
Nếu tính cả hơn 1,47 triệu tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 7 tháng qua đã lên tới 2,47 triệu tỷ đồng.
Trong 7 tháng đầu năm, cả nước còn có 24.300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 30%, nâng tổng số doanh nghiệp mới và hoạt động lại lên 103.600 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã tạo thêm công ăn việc làm cho tổng cộng 743.900 lao động theo đăng ký.
Đáng chú ý, trong số các doanh nghiệp thành lập mới từ đầu năm đến nay có tới 4.800 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản. Tuy chỉ chiếm 6% tổng số doanh nghiệp mới nhưng đã tăng hơn 22% so với cùng kỳ.
Đây cũng là nhóm có doanh nghiệp mới gia tăng mạnh nhất về số lượng trong các ngành, lĩnh vực từ đầu năm.