Doanh nghiệp tích cực triển khai hàng loạt giải pháp hỗ trợ khách hàng
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, mạng 2G chính thức tắt sóng toàn diện để chuyển sang mạng 4G theo chủ trương của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT). Để thực hiện đạt mục tiêu, ngay từ đầu năm, các đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã và đang triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm hỗ trợ người dân và mang lại những kết quả tích cực.
Đúng lộ trình
Ông Trần Quốc Hùng- Phó Giám đốc Sở TT-TT cho biết, để thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, việc phát triển hạ tầng viễn thông phải đi trước một bước, trở thành hạ tầng cho kinh tế số, xã hội số. Vì vậy, phương án tắt sóng 2G được lựa chọn để thúc đẩy thực hiện mục tiêu phổ cập mạng di động 4G, 5G và điện thoại thông minh đến từng người dân. Cuộc cách mạng này sẽ thúc đẩy chính phủ số, kinh tế số, xã hội số… một cách nhanh chóng và là động lực quan trọng đưa Việt Nam phát triển nhanh, mạnh hơn về mọi mặt.
Ông Hùng nhấn mạnh: “Khi 100% người dân sử dụng smartphone, dịch vụ dữ liệu được sử dụng nhiều sẽ thúc đẩy những dịch vụ số phong phú hơn. Việc tắt hoàn toàn sóng 2G không chỉ tận dụng tài nguyên tần số cho các công nghệ viễn thông hiện đại, mà còn phù hợp với mục tiêu phát triển của nhà mạng và quốc gia. Nhờ đó, hệ thống mạng 4G sẽ được cải thiện chất lượng, tối ưu chi phí vận hành và khai thác, phục vụ tốt hơn cho các khách hàng thuê bao”.
Giải thích thêm những lợi ích khi dừng công nghệ 2G chuyển sang sử dụng điện thoại 4G, Phó giám đốc Sở TT-TT nói: “Tại Việt Nam, sóng 4G đang phải chia sẻ băng tần 1.800 MHz với 2G, ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ. Nếu được giải phóng, tốc độ mạng của 4G có thể tăng thêm 25% so với hiện tại. Công nghệ di động tốc độ cao 4G và thế hệ di động 5G tốc độ gấp gần 10 lần 4G góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực xã hội, kết nối nhanh hơn, an toàn hơn, thực hiện mục tiêu chung phổ cập điện thoại thông minh tới toàn dân”.
Để triển khai đúng lộ trình dừng công nghệ 2G theo chủ trương của Bộ TT-TT, thời gian qua, Sở TT-TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh hỗ trợ thuê bao chuyển đổi sang sử dụng máy điện thoại công nghệ cao hơn, như hỗ trợ kinh phí mua smartphone 4G hoặc điện thoại feature phone 4G, cùng các gói cước hỗ trợ thuê bao chuyển đổi, thực hiện đến 16.9.2024.
Bên cạnh đó, Sở yêu cầu doanh nghiệp viễn thông thực hiện ngăn chặn nhập mạng các máy điện thoại 2G không chứng nhận hợp quy. Tạo điều kiện phát triển các trạm thu phát sóng di động bảo đảm vùng phủ mạng 4G thay thế mạng 2G khi dừng hệ thống 2G, đồng thời tổ chức tuyên truyền tới từng đối tượng sử dụng trên các phương tiện truyền thông phù hợp để người dùng nắm bắt chủ trương và chủ động chuyển đổi sang sử dụng máy điện thoại công nghệ 4G trở lên.
Chung tay vào cuộc
Đồng hành với cơ quan quản lý Nhà nước, để hoàn thành kế hoạch, các doanh nghiệp viễn thông đẩy mạnh triển khai hàng loạt giải pháp hỗ trợ khách hàng. Cụ thể, VNPT Tây Ninh đang nỗ lực đưa toàn bộ khách hàng chuyển từ mạng 2G lên 4G. Hiện đơn vị này có 12.302 thuê bao cần chuyển đổi từ 2G lên 4G.
Theo ông Nguyễn Công Danh- Giám đốc Trung tâm kinh doanh VNPT Tây Ninh, nhận thức tầm quan trọng cũng như mức độ ảnh hưởng đến liên lạc của người dân khi thực hiện tắt sóng 2G, ngay từ đầu năm 2024, song song với việc xây dựng các giải pháp triển khai trên toàn hệ thống,VinaPhone chủ động các phương thức truyền thông sâu rộng chủ trương của Bộ TT-TT tới khách hàng, cộng đồng và xã hội.
Tất cả các khách hàng của VinaPhone đều được thông tin về lộ trình và lợi ích của việc tắt sóng 2G, nâng cấp lên 4G; đồng thời tăng cường nhân viên tổng đài trực tiếp liên hệ với từng chủ thuê bao để tư vấn, hướng dẫn chuyển đổi thiết bị trước thời điểm tắt sóng 2G. “Để hoàn thành 100% mục tiêu thuê bao đang sử dụng thiết bị 2G chuyển đổi 4G, bảo đảm liên lạc từ ngày 16.9, chúng tôi không ngừng triển khai nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng. Đối với khách hàng đã quen dùng điện thoại cơ bản “cục gạch” thuộc tập thuê bao thỏa điều kiện về doanh thu, VNPT chúng tôi tặng điện thoại 4G miễn phí”- ông Danh cho biết.
Cùng với VNPT Tây Ninh, hiện tại Viettel Tây Ninh đã hỗ trợ hơn 60.000 thuê bao chuyển dịch 2G sang 4G miễn phí, trợ giá và tặng máy cho gần 6.000 khách hàng, với chi phí hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng. Theo Thượng tá Phạm Thanh Sơn- Giám đốc Viettel Tây Ninh, cùng với chính sách miễn phí khi đổi sim 4G, trợ giá lên tới 50% giá bán máy điện thoại Smartphone, Feature phone (điện thoại cục gạch sử dụng sóng 4G), doanh nghiệp còn triển khai tặng các gói data 4G/tháng cho khách hàng, miễn phí gói xem TV360 và chuẩn hóa thông tin thuê bao chính chủ miễn phí.
Ông cho biết thêm, ngoài việc tối ưu, bổ sung trạm phát sóng đảm bảo gần 1.000 trạm 4G-5G hoạt động trong thời gian qua, Viettel Tây Ninh còn tiên phong khai trương dịch vụ 5G, dự kiến sẽ hoàn thành lắp đặt hạ tầng, triển khai kinh doanh dịch vụ trong tháng 10.2024, bảo đảm vùng phủ rộng nhất, chất lượng dịch vụ tốt nhất để phục vụ khách hàng trên địa bàn tỉnh nhà.
Thượng tá Phạm Thanh Sơn kiến nghị thêm, ngoài việc thực hiện nghiêm chủ trương không cho phép nhập mạng mới các máy điện thoại di động chỉ hỗ trợ công nghệ 2G không thuộc danh sách các máy điện thoại 2G được chứng nhận hợp quy do Bộ TT-TT (Cục Viễn thông) công bố kể từ ngày 1.3.2024, các sở, ngành, cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường hoạt động, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát chặt tình trạng mua bán thiết bị 2G nhập khẩu không đúng quy định, hoàn thành việc chuyển dịch 100% khách hàng vào ngày 16.9.2024 tới.
Ưu tiên vùng nông thôn, biên giới
Thượng tá Phạm Thanh Sơn cho biết, Viettel có hơn 900.000 thuê bao di động, chiếm thị phần lớn tại Tây Ninh, số trạm phát sóng BTS chiếm đa số trên tổng số BTS các nhà mạng toàn tỉnh, hạ tầng cáp quang cố định phủ 535/535 ấp, khu phố. Với hơn 87% số lượng thuê bao di động Viettel sử dụng máy 4G, 5G và hạ tầng BTS rộng khắp giúp Viettel Tây Ninh liên tục có tốc độ tăng trưởng doanh thu tiêu dùng data cao trong các năm gần đây.
“Hiện tại, Viettel Tây Ninh còn hơn 100.000 thuê bao di động sử dụng thiết bị 2G, chiếm khoảng 12,6% tổng thuê bao đang hoạt động trên toàn mạng, trong đó có khoảng 60% khách hàng ở khu vực nông thôn. Do vậy, doanh nghiệp rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của cơ quan quản lý và chính quyền địa phương, cùng người dân để sớm chuyển đổi lên 4G khi thời gian tắt sóng 2G đã đến gần”- Thượng tá Phạm Thanh Sơn bày tỏ.
VNPT Tây Ninh hiện còn 3,5% khách hàng thuộc đối tượng chuyển đổi 2G lên 4G tập trung ở vùng nông thôn. Theo ông Nguyễn Công Danh- Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Tây Ninh, cần tuyên truyền để người dân hiểu hơn về lộ trình tắt sóng 2G của Bộ TT-TT để bảo đảm việc duy trì liên lạc từ ngày 16.9.2024. Từ năm 2023 đến nay, VNPT VinaPhone Tây Ninh triển khai các hoạt động truyền thông đến khách hàng qua các hình thức online, thông tin đại chúng, trực tiếp tại nhà khách hàng và khu vực tập trung khách hàng cần chuyển đổi.
Tương tự, bên cạnh giải pháp ngăn chặn việc hòa mạng mới của các máy điện thoại di động, chỉ hỗ trợ công nghệ 2G không thuộc danh sách các máy điện thoại 2G được chứng nhận hợp quy do Bộ TT-TT (Cục Viễn thông) công bố, MobiFone Tây Ninh cũng triêtn khai hoạch thực hiện tắt sóng 2G, số lượng thuê bao sử dụng thiết bị di động chỉ hỗ trợ công nghệ 2G và các chương trình hỗ trợ khách hàng thay đổi, nâng cấp thiết bị di động công nghệ 2G sang thiết bị sử dụng mạng 4G. trong đó, doanh nghiệp này đã thực hiện tắt sóng 155 trạm 2G (56% số trạm 2G trên toàn tỉnh). Dự kiến quý III.2024 sẽ tắt sóng 50 trạm 2G và hoàn thành kế hoạch trong năm 2024.
Theo Sở TT-TT, hiện nay hầu hết các dòng điện thoại thông minh của các hãng lớn đều hỗ trợ công nghệ 4G trở lên. Tuy nhiên thực tế trên thị trường có kinh doanh dòng điện thoại cơ bản dạng bấm phím cổ điển 2G hoặc 4G (chỉ dùng nghe, gọi, nhắn tin). Việc sử dụng điện thoại 2G chỉ để nghe gọi và nhắn tin sẽ khiến người sử dụng không thể dùng các tiện ích thông minh, các dịch vụ công trực tuyến. Vì vậy, người dân cần chủ động phối hợp thực hiện lộ trình tắt sóng 2G để có thể chuyển sang thiết bị thông minh, đặc biệt đối với người dân khu vực nông thôn, biên giới.
Sở TT-TT khuyến cáo, để không mua nhầm máy chỉ nghe gọi được trên mạng 2G và phải thay máy khi nhà mạng tắt sóng 2G, người dân chỉ mua điện thoại tại các cửa hàng của nhà mạng, hãng bán lẻ lớn, có uy tín do các nhà mạng, hãng bán lẻ chịu sự kiểm soát và cam kết với các cơ quan quản lý Nhà nước và được kiểm tra giám sát thường xuyên; đồng thời mua hàng có hóa đơn, phiếu bảo hành bảo đảm máy được hỗ trợ 4G.