Doanh nghiệp sống chung với sốc

- “Độ bất định của nền kinh tế toàn cầu còn rất cao, tiềm ẩn những cú sốc lớn. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải học cách sống và chống chọi với các cú sốc” – chuyên gia Võ Trí Thành đúc rút.

Sự phục hồi của kinh tế thế giới chậm và kinh tế VN còn nhiều khó khăn trước mắt - Ảnh: VNN Khó đoán triển vọng “Bất định, khó dự báo” là nhận xét chung của hầu hết chuyên gia tại hội thảo "Triển vọng kinh tế năm 2009 - 2010 và những vấn đề đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam" tổ chức ngày 22/6 tại Hà Nội khi đánh giá diễn biến kinh tế thế giới giai đoạn 2009 – 2010.. Ngay cả báo cáo của hai định chế tài chính lớn là Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) trong tháng 6 này cũng đưa ra những dự báo không thống nhất. Cụ thể, nếu IMF có nhìn nhận tích cực về tình hình kinh tế những tháng gần đây cũng như triển vọng hồi phục vào năm 2010 thì WB lại đưa ra kịch bản “tồi” hơn 2 tháng trước. “Điều đấy thể hiện cái nhìn còn khác nhau, các yếu tố tiêu cực còn xen kẽ” - ông Võ Trí Thành, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư nhận xét. TIN LIÊN QUAN Hậu khủng hoảng: Mô hình tăng trưởng nào cho VN? WB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc Hà Nội dự định giảm mạnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế Chính phủ đã tính kĩ chỉ tiêu tăng trưởng 5% Khu vực công nghiệp quốc doanh tăng trưởng âm Minh họa thêm cho sự bất định của diễn biến kinh tế thế giới, Tiến sĩ Bùi Quang Tuấn, Viện Kinh tế VN cho biết, thay vì tiến hành dự báo theo quý (trung bình 2 lần/năm) như trước kia, lúc này IMF đã phải chuyển sang dự báo từng tháng một để đảm bảo độ chính xác. Chuyên gia Võ Trí Thành cho rằng, phải mất khoảng 3 năm hệ thống tài chính thế giới mới quay trở lại quỹ đạo bình thường. “Ở các nước phát triển, tiêu dùng của hộ gia đình phụ thuộc vào vay tín dụng. Mà tỷ lệ nợ hiện nay ở rất nhiều nước là từ 100–130%. Tức là người dân có 1 đồng thu nhập thì họ nợ từ 1-1,3 đồng. Muốn quay trở lại bình thường thì tỷ lệ này ít nhất phải đạt từ 60-70%. Để được con số này phải mất từ 2-3 năm”. Nới lỏng hay thắt chặt? Chuyên gia Võ Trí Thành: ảnh: N.N Theo các chuyên gia, hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô ở VN đang ở vào thời điểm “vô cùng nhạy cảm” với hai khó khăn “gọng kìm”. Thứ nhất, tình hình kinh tế thế giới bất định trong khi chuyển biến của nền kinh tế Việt Nam lại phụ thuộc đến 50% vào tình hình kinh tế thế giới (qua các số liệu về xuất khẩu, luồng vốn đầu tư nước ngoài…). Thêm vào đó các yếu tố rủi ro, bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước như nguy cơ tái lạm phát, sự lành mạnh của hệ thống tài chính ngân hàng, áp lực trên thị trường ngoại hối… còn khá cao trong khi VN lại phải đảm bảo sản xuất kinh doanh, duy trì tăng trưởng. “Nếu thực hiện gói kích cầu quá mạnh, nới lỏng quá mức thì lạm phát sẽ quay trở lại, nợ xấu ngân hàng và áp lực tỷ giá sẽ rất lớn nhưng nếu chúng ta thắt chặt vội vàng, kinh tế chưa kịp đưa lên lại rơi sâu hơn vào khó khăn. Lựa chọn nới lỏng hay thắt chặt với liều lượng ra sao, đến lúc nào để không làm xấu hơn kinh tế vĩ mô lại đảm bảo được an sinh xã hội, việc làm, gắn với một mức độ tăng trưởng nào đó thì đấy là cả một nghệ thuật mang tính thời điểm” – ông Võ Trí Thành chia sẻ. Sống chung với “sốc” Trước bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới còn nhiều bất lợi, vị chuyên gia hàng đầu về hội nhập kinh tế của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư, đưa ra hai cách tiếp cận giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh. Thứ nhất, doanh nghiệp phải xác định sống chung với các cú sốc, từ giá cả nguyên vật liệu, các cuộc khủng hoảng trên thế giới, các thủ thuật bảo hộ của nước ngoài như hàng rào kỹ thuật, chống bán phá giá, đến các chính sách vĩ mô trong nước… Để “chống chọi” được với các cú sốc đó, chính doanh nghiệp phải tự trang bị cho mình thông tin, các kiến thức, công cụ phòng chống rủi ro như công cụ hoán đổi về tỷ giá lãi suất; hiểu biết về nơi có thể sản sinh ra các cú sốc ấy để điều chỉnh mình. Thứ nữa, doanh nghiệp phải lựa chọn đúng vị trí của mình trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo chuyên gia Võ Trí Thành, lý thuyết và thực tế kinh doanh mới nhất của thế giới cho thấy, tiền, vốn không phải là cái quan trọng nhất mà yếu tố quyết định ở đây là việc lựa chọn vị trí tham gia tốt nhất. Việc thu thập và xử lý thông tin để chọn ra vị trí tốt nhất trong các chuỗi giá trị, các mạng sản xuất liên thông sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng được các lợi thế so sánh như nguồn tài nguyên, lao động, chuyển giao công nghệ, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình. Nguyễn Nga

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/kinhte/2009/06/854552/