Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô 'kêu trời' vì thiếu nhiên liệu đạt chuẩn
Gần đây, các hiệp hội, các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp, nhập khẩu ô tô phản ánh về việc thiếu nhiên liệu đạt chuẩn Euro 4 và Euro 5 dẫn đến thiệt hại hàng nghìn đô la để thay thế hệ thống phun nhiên liệu của động cơ sử dụng công nghệ cao, dẫn đến việc thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ gặp nhiều khó khăn.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo
Theo tìm hiểu của phóng viên, thời gian gần đây Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam(VATA), Hiệp hội các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản (JAMA) đã nhận được nhiều văn bản của một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô khiến nghị về việc mở rộng, phát triển thêm các cột bán xăng, dầu Diesel mức 4 trên thị trường.
Mục đích của kiến nghị này nhằm để chủ phương tiện có thể sử dụng nhiên liệu phù hợp với mức tiêu chuẩn khí thải (TCKT) của xe nhằm duy trì tình trạng hoạt động tối ưu của phương tiện, tránh các hư hỏng xảy ra đối với xe ô tô, bảo đảm hiệu quả giảm phát thải chất gây ô nhiễm, bảo vệ môi trường không khí theo đúng mục đích của việc áp dụng lộ trình TCKT theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Như chúng ta đã biết, ngày 01/09/2011 Thủ tướng Chính Phủ đã ra Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg về việc quy định lộ trình áp dụng TCKT đối với xe ô tô, xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp, nhậ khẩu mới.
Theo đó, TCKT mức 3, mức 4, và mức 5 là tiêu chuẩn về phép thử và giới hạn chất gây ô nhiễm có trong khí thải tương ứng với mức Euro 3, Euro 4 và Euro 5 được quy định trong quy định kỹ thuật về khí thải xe cơ giới của Ủy ban Kinh tế châu Âu của Liên Hợp quốc hoặc trong chỉ thị của Liên minh châu Âu (EU) áp dụng đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới.
Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg ghi rõ, lộ trình áp dụng TCKT đối với các loại xe ô tô sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu mới phải áp dụng TCKT mức 4 từ ngày 1/1/2017, mức 5 từ ngày 1/1/2022. Đối với các loại xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu mới phải áp dụng TCKT mức 3 từ ngày 1/1/2017.
Đến ngày 28/3/2017, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký vào văn bản hỏa tốc số 436/TTg-CN gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ Tài chính, Bộ Công thương, bộ Công an về việc thực hiện lộ trình áp dụng TCKT theo quy định tại Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg và có 3 ý kiến cụ thể.
Thứ nhất, các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất lắp ráp ô tô sử dụng nhiên liệu Diesel được thực hiện đến hết ngày 31/12/2017 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 126/TB-VPCP ngày 10/3/2017, ô tô đã được Bộ GTVT chứng nhận thỏa mãn quy định về khí thải thì được thực hiện các thủ tục có liên quan.
Các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất lắp ráp ô tô phải có kế hoạch nhập khẩu, sản xuất ô tô nêu trên, bảo đảm việc hoàn thành các thủ tục hải quan, đăng kiểm và đưa ra thị trường trước ngày 31/12/2017. Sau thời điểm này, nếu không hoàn thành phải tái xuất hoặc xuất khẩu, đồng thời báo cáo Bộ GTVT kế hoạch trên.
Bộ GTVT phối hợp với các cơ quan chịu trách nhiệm giám sát quá trình thực hiện lộ trình trên. Các bộ Tài chính, GTVT, Công an, Công thương giải quyết các thủ tục về hải quan, đăng kiểm, đăng ký và các thủ tục liên quan theo quy định.
Thứ hai, giao Bộ GTVT chỉ đạo, giám sát thực hiện của các doanh nghiệp SXLRNK ô tô bảo đảm từ 1/1/2018, tất cả các loại xe ô tô sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu mới phải đáp ứng TCKT mức 4 theo đúng quy định tại Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vướng mắc, phát sinh và đề xuất giải pháp xử lý đảm bảo thực hiện lộ trình nêu trên.
Thứ ba, Bộ Công thương chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có kế hoạch cung ứng, phân phối xăng dầu mức 4, 5 trên thị trường, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp SXLRNK mới ô tô theo quy định của Quyết định số 49/201/QĐ-TTg, trong quý IV/2017 hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng và thương mại cần thiết để bảo đảm cung ứng dầu Diesel mức 4 ra thị trường muộn nhất là ngày 1/1/2018.
Doanh nghiệp “kêu trời”
Theo các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu mới ô tô, sau một thời gian thực hiện Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg và văn bản hỏa tốc số 436/TTg-CN thì các doanh nghiệp đều thực hiện tốt. Đặc biết có một số doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đã cho lắp ráp các loại xe dùng động cơ TCKT Euro 5.
Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, lượng dầu diezen đạt tiêu chuẩn Euro 4 rất ít, còn dầu Diesel đạt tiêu chuẩn Euro 5 rất hiếm, gần như không có. Trung bình cứ khoảng 5 – 6 cây xăng dầu mới có 1 cây có nhiên liệu đạt tiêu chuẩn Euro 4, Euro 5. Đặc biệt, ở các vùng nông thôn gần như không có nhiên liệu đạt tiêu chuẩn Euro 5 mà chủ yếu chỉ có nhiên liệu đạt tiêu chuẩn Euro 2.
Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhậ khẩu ô tô cho rằng, điều này đã gây ra vô cùng khó khăn cho các loại xe sử dụng động cơ đạt tiêu chuẩn Euro 4 trở lên như gây tắc, hỏng hệ thống phun nhiên liệu của động cơ và khí thải của động cơ thải ra môi trường không đạt tiêu chuẩn.
Trong khi đó, các hãng cung cấp động cơ lại không bảo hành, bảo dưỡng cho việc tắc, hỏng hệ thống phun nhiên liệu của động cơ và khí thải của động cơ thải ra môi trường không đạt tiêu chuẩn bởi vì người sử dụng không dùng đúng nhiên liệu mà Nhà sản xuất yêu cầu.
Vì vậy, người sử dụng phải chịu thiệt hại hàng nghìn đô la để thay thế hệ thống phun nhiên liệu của động cơ sử dụng công nghệ cao. Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu như văn bản hỏa tốc số 436 ở trên.
Từ đó, các Hiệp hội, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhậ khẩu mới ô tô đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét nhanh chóng xây dựng lộ trình không sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ nhiên liệu tiêu chuẩn Euro 2 mở rộng phạm vi trên toàn quốc áp dụng ngay tiêu thụ nhiên liệu Euro 4, Euro 5 để đảm bảo môi trường.
Các cơ quan ban ngành thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như thế nào, Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin trong kỳ tiếp theo.