Doanh nghiệp 'ngấm đòn' tỷ giá

Tỷ giá VND/USD hiện có mức tăng 5,9% so với đầu năm 2024, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong quý I và dự kiến quý II.

Bị ảnh hưởng bởi tỷ giá tăng, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn có kết quả kinh doanh khả quan, trong bối cảnh kinh tế phục hồi

Bị ảnh hưởng bởi tỷ giá tăng, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn có kết quả kinh doanh khả quan, trong bối cảnh kinh tế phục hồi

Lỗ chênh lệch tỷ giá

Từ đầu năm 2024 đến nay, tỷ giá USD/VND có diễn biến tăng mạnh, khiến các doanh nghiệp có khoản nợ vay bằng USD hoặc kim ngạch nhập khẩu lớn chịu lỗ chênh lệch tỷ giá, ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Trong quý đầu năm 2024, Tổng công ty Phát điện 3 - CTCP (EVNGenco3, mã chứng khoán PGV) ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm 652 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2023 lãi 621 tỷ đồng. Bên cạnh giá bán điện bình quân thấp hơn cùng kỳ khiến doanh thu bán điện giảm đáng kể, thì nguyên nhân lớn hơn dẫn đến kết quả kinh doanh thua lỗ của EVNGenco3 là khoản lỗ chênh lệch tỷ giá 617 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 172 tỷ đồng. Trước đó, tỷ giá tăng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp này lỗ chênh lệch tỷ giá trong không ít kỳ kinh doanh.

Tính đến cuối quý I/2024, EVNGenco3 có còn 34.500 tỷ đồng nợ, bao gồm 5.360 tỷ đồng vay ngắn hạn và 29.187 tỷ đồng vay dài hạn. Đây chủ yếu là các khoản nợ vay bằng USD, CNY, JPY để đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1, Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Thủy điện Buôn Kuốp, Nhiệt điện Phú Mỹ 1.

Ở nhóm dệt may, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã chứng khoán VGT) ghi nhận 3.957 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý I/2024, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ tiết giảm được giá vốn, doanh nghiệp lãi gộp hơn 345 tỷ đồng, tăng 5%.

Tuy nhiên, Vinatex cho biết, ngành dệt may có dấu hiệu phục hồi trong quý đầu năm 2024 về đơn hàng, nhưng đơn giá thấp, dư địa tăng giá không nhiều, trong khi nền chi phí cao hơn, bởi giá năng lượng, chi phí vận chuyển, chi phí bảo hiểm, cảng biển đều tăng. Ngoài ra, các đơn vị thành viên trong Tập đoàn chủ yếu vay bằng USD để phục vụ sản xuất - kinh doanh, nên với việc tỷ giá tăng, Vinatex phát sinh khoản lỗ tỷ giá 46 tỷ đồng trong quý I/2024, gần gấp đôi cùng kỳ, do đánh giá lại số dư gốc vay ngoại tệ. Theo đó, lợi nhuận sau thuế trong quý đầu năm nay giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 36,5 tỷ đồng.

Ở Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (mã chứng khoán STK), doanh thu trong quý I/2024 đạt 265,8 tỷ đồng, giảm khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2023. Nhờ giá vốn giảm mạnh, nên lợi nhuận gộp đạt 32,3 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ. Nhưng khoản lãi chênh lệch tỷ giá giảm 67%, xuống 3,5 tỷ đồng, trong khi lỗ chênh lệch tỷ giá đã thực hiện tăng từ 0 lên gần 7,6 tỷ đồng, khiến lợi nhuận sau thuế trong quý đầu năm nay vỏn vẹn 711 triệu đồng, giảm 56% so với cùng kỳ.

Trong nhóm bán lẻ, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (mã chứng khoán MWG) chịu khoản lỗ chênh lệch tỷ giá 102 tỷ đồng khi kết thúc quý I/2024, trong khi cùng kỳ năm ngoái không phát sinh. Trong khi đó, lãi từ chênh lệch tỷ giá giảm từ 3,2 tỷ đồng xuống còn vỏn vẹn 315 triệu đồng.

Tỷ giá USD/VND tăng khiến không ít doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác ghi nhận lỗ tỷ giá trong quý I/2024 như Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) có khoản lỗ tỷ giá đã thực hiện 231 tỷ đồng và lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện phát sinh thêm 184 tỷ đồng.

Tương tự, lỗ tỷ giá quý I/2024 của Vietnam Airline (mã chứng khoán HVN) là 772 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ, do doanh nghiệp có nhiều khoản vay bằng ngoại tệ khiến chi phí tài chính tăng gấp đôi, lên 1.470 tỷ đồng. Ngược lại, lãi tỷ giá giảm 64%, xuống 125 tỷ đồng, kéo doanh thu tài chính giảm tương ứng, còn gần 138 tỷ đồng.

Tại Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling, mã chứng khoán PVD), lỗ tỷ giá trong quý I/2024 là gần 53 tỷ đồng, tăng 83%; lãi chênh lệch tỷ giá là 11 tỷ đồng, bằng một phần ba cùng kỳ.

Giải pháp ứng phó

Tỷ giá VND/USD tăng tạo áp lực lên các doanh nghiệp nhập khẩu hoặc có khoản nợ vay bằng USD.

Bên cạnh những doanh nghiệp có lợi nhuận sụt giảm do tỷ giá tăng, nhiều doanh nghiệp vẫn có kết quả kinh doanh khả quan, trong bối cảnh kinh tế phục hồi.

Cụ thể, Vietnam Airline lãi 4.441 tỷ đồng trong quý I/2024 (cùng kỳ năm 2023 lỗ 104 tỷ đồng), nhờ nhu cầu đi lại cao dịp Tết Âm lịch đẩy giá vé máy bay nội địa lên và sự trở lại của các tuyến bay quốc tế.

Đầu tư Thế giới di động ghi nhận lợi nhuận sau thuế 902 tỷ đồng trong quý đầu năm 2024, gấp 43 lần cùng kỳ năm 2023. Động lực tăng trưởng chính đến từ ngành hàng điện máy, với mức tăng doanh thu 2 chữ số, nổi bật là sản phẩm máy lạnh khi tăng khoảng 50%. Chuỗi Bách Hóa Xanh cũng đóng góp vào sự tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp.

Với Hòa Phát, lãi sau thuế quý I/2024 đạt 2.869 tỷ đồng, gấp 7,5 lần cùng kỳ. Tương tự, PV Drilling lãi ròng gần 149 tỷ đồng trong quý I/2024, gấp 2,8 lần cùng kỳ.

Nếu không có khoản lỗ chênh lệch tỷ giá, kết quả lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp này còn cao hơn. Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhiều doanh nghiệp tập trung kiểm soát chi phí tài chính và rủi ro tỷ giá.

Theo ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Phát, tính đến cuối quý I/2024, doanh nghiệp có dư nợ 400 triệu USD và trích lập dự phòng 200 tỷ đồng, nên sẽ áp dụng nhiều biện pháp để giảm bớt rủi ro và trong tương lai gần, sẽ không tăng đòn bẩy tài chính.

Ông Đỗ Đức Chiến, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị PV Drilling cho hay, doanh nghiệp có dư nợ ngoại tệ nhiều và các dự án đầu tư chủ yếu tính bằng USD. Giải pháp hạn chế rủi ro tỷ giá của PV Drilling là thương lượng với khách hàng làm dịch vụ thanh toán bằng USD. Đồng thời, doanh nghiệp chỉ chuyển USD sang VND khi cần thiết, cố gắng duy trì số dư đồng USD ở mức cao nhất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tiếp tục sử dụng các sản phẩm phái sinh từ Ngân hàng Nhà nước để giữ ổn định đồng USD trong lúc thị trường biến động.

Lãnh đạo Đầu tư Thế giới di động đánh giá, tỷ giá chỉ biến động mạnh trong ngắn hạn, nhưng Công ty luôn chú trọng phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Doanh nghiệp mua hàng hóa của các nhà sản xuất tại Việt Nam, các sản phẩm cung cấp bởi Apple, thanh toán bằng tiền đồng, nên không bị ảnh hưởng bởi tỷ giá, còn nhập khẩu chiếm tỷ trọng không nhiều. Mặc dù vậy, doanh nghiệp có khoản nợ 250 triệu USD, đáo hạn tháng 9/2025.

Việc các doanh nghiệp nỗ lực ứng phó với tỷ giá là điều cần thiết, trong bối cảnh áp lực tỷ giá vẫn còn và phụ thuộc rất lớn vào động thái điều hành lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Vừa qua, Fed thông báo tiếp tục giữ nguyên lãi suất ở biên độ 5,25 - 5,5%/năm, mức cao nhất trong hơn 20 năm qua.

Trong nước, Ngân hàng Nhà nước không ngừng đưa ra các biện pháp để ổn định tỷ giá như đấu thầu vàng miếng nhằm thu hẹp chênh lệch giá bán trong nước và thế giới, phát hành tín phiếu hút tiền về, bán dự trữ ngoại hối…, nhưng mức độ mất giá của VND so với USD còn lớn.

Công ty Chứng khoán Vietcombank cho rằng, việc Fed giữ nguyên lãi suất và chỉ số US Dollar Index (DXY) ở mức cao, trong khi lãi suất VND duy trì ở mức thấp, khiến áp lực tỷ giá luôn thường trực. Điều này đồng nghĩa với rủi ro lỗ chênh lệch tỷ giá với không ít doanh nghiệp có nguy cơ kéo dài, cho đến khi Fed đưa ra động thái cắt giảm lãi suất một cách quyết liệt.

Mặc dù vậy, nhiều tổ chức phân tích và giới chuyên gia dự báo, Fed sẽ hạ lãi suất vào nửa cuối năm nay. Trong khi đó, WiGroup nhìn nhận, tỷ giá tăng mạnh chỉ là vấn đề lo ngại tạm thời, kỳ vọng sẽ hạ nhiệt trong quý II/2024.

Nếu Fed cắt giảm lãi suất theo kịch bản tích cực, cùng với tình hình kinh tế toàn cầu khởi sắc, kích thích hoạt động sản xuất - kinh doanh, lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết sẽ được cải thiện hơn nữa trong những quý tới.

Kiều Trang

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep-ngam-don-ty-gia-post345071.html