Doanh nghiệp là yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế
Hà Nội: Phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế 7,4-7,6% Sứ mệnh đi đầu trên "mặt trận" kinh tế của doanh nhân Việt
(HNM) - Trong mấy năm gần đây, kinh tế Việt Nam tăng trưởng khá mạnh khi hội nhập sâu, rộng vào đời sống kinh tế quốc tế. Cộng đồng doanh nghiệp cũng trông đợi nhiều hơn vào kết quả hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, để tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững thì sẽ phụ thuộc vào mỗi doanh nghiệp.
Phóng viên Báo Hànôịmới đã trao đổi với ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương về vấn đề này.
Sản xuất hàng kim khí tại doanh nghiệp Phương Nam, xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất). Ảnh: Thái Hiền
- Ông đánh giá như thế nào về kết quả phát triển doanh nghiệp trong thời gian qua?
- Thực tế cho thấy, việc cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh triệt để, thực hiện cải cách là mục tiêu xuyên suốt, liên tục của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Thời gian qua, Chính phủ, cơ quan chức năng đều đã khẳng định được kết quả, tác động tích cực trong công tác cải cách, vì doanh nghiệp.
Theo tôi, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đối với vấn đề khởi nghiệp liên tục gia tăng, biểu thị sự đồng thuận và ghi nhận kết quả tích cực trong chất lượng môi trường kinh doanh. Thực tế số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 9 tháng qua tiếp tục tăng mạnh, đạt hơn 102 nghìn doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký hơn 1.290 nghìn tỷ đồng, tăng 34% về vốn so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, Việt Nam vừa được Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) xếp thứ 67 trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu, tăng 10 bậc so với năm 2018.
- Đó là mặt được, còn những vấn đề bất cập thì sao, thưa ông?
- Theo tôi, sự hỗ trợ dù liên tục, có hiệu quả từ Chính phủ, các bộ, ngành là rất quan trọng và có ý nghĩa to lớn đối với hoạt động của doanh nghiệp. Thế nhưng, đó là yếu tố cần chứ chưa đủ để cộng đồng doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, bền vững và hội nhập thành công. Yếu tố “đủ” ở đây phụ thuộc vào mỗi đơn vị và do doanh nghiệp tự quyết. Nói cách khác, nếu doanh nghiệp thiếu nội lực, thiếu khả năng thích ứng và sáng tạo thì rất khó trụ lại trên thương trường.
Trong bối cảnh hội nhập, nhất là khi Việt Nam gia nhập, thực thi các hiệp định thương mại tự do thì mức độ cạnh tranh tăng lên rất nhanh, gây sức ép đối với mỗi đơn vị sản xuất, kinh doanh. Do vậy, doanh nghiệp phải ý thức rõ rằng mình phải cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, chứ không chỉ ở Việt Nam. Đây là vấn đề cần cảnh báo cũng như khuyến nghị để mỗi doanh nghiệp tự đặt câu hỏi là đơn vị mình đã tham gia được bao nhiêu phần trăm của chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu.
- Vậy thực trạng, chất lượng của doanh nghiệp hiện nay như thế nào, thưa ông?
- Trong thời gian qua, đã có một số doanh nghiệp Việt Nam đạt những kết quả đáng ghi nhận, xây dựng được thương hiệu uy tín trên thị trường. Tuy vậy, số doanh nghiệp đó chưa nhiều. Tôi thấy rất khó nêu ra được thế mạnh của doanh nghiệp Việt khi cạnh tranh với đối thủ "ngoại" trong bối cảnh toàn cầu hóa. Nhìn chung, doanh nghiệp còn yếu, chủ yếu tham gia thị trường bằng các công đoạn lắp ráp, gia công. Những hạn chế từ lâu về vốn, công nghệ, nhân lực... sẽ càng dễ bộc lộ hơn khi gặp tình hình khó khăn, thách thức mới xuất hiện.
Bên cạnh đó, nhiều đơn vị chưa làm tốt quá trình chuẩn bị, chưa có giải pháp tận dụng thời cơ và chống chịu trước những bất lợi, cũng như sự thay đổi đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh. Đơn cử, mới có 27% số doanh nghiệp hiểu một cách sơ bộ về tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và chỉ có 14% đơn vị sẵn sàng tham gia cuộc chơi này. Xét một cách tự nhiên thì từng doanh nghiệp cần ý thức sâu sắc về sự có mặt trên thị trường của mình với khát vọng và tinh thần tự thân vận động thay vì chờ đợi sự hỗ trợ của Chính phủ, cơ quan chức năng.
- Vậy, ông có thể nói rõ những hạn chế, nhất là về quản trị của doanh nghiệp hiện nay như thế nào?
- Theo tôi, ngoài mục tiêu ngắn hạn, các đơn vị nên tập trung vào mục tiêu dài hạn; xác định rõ con đường mình đã bước vào và sẽ đi trong tương lai. Ở đây cần có sự chuẩn bị chu đáo và tầm nhìn của chủ doanh nghiệp và nó thuộc về vấn đề quản trị. Nhưng, đáng tiếc đây lại là điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam, vì đến nay khả năng quản trị doanh nghiệp của ta đứng cuối bảng trong khu vực ASEAN. Tôi thấy có lý do để lo ngại về thực tế này, bởi nếu không thay đổi nhanh, đủ tầm thì đây có thể là “thảm họa” đối với một bộ phận doanh nghiệp Việt Nam.
Thực tế cho thấy, đến nay vẫn có không ít trường hợp doanh nghiệp ra đời chỉ vì người chủ phát hiện ra cơ hội thị trường; nhưng khi đã đi vào hoạt động lại rơi vào tình trạng lúng túng vì không xác định được mục tiêu lâu dài của mình. Họ cũng gặp khó khăn trong việc xác định các bước đi tiếp theo, hoặc phụ thuộc vào cơ hội nào đó sẽ xuất hiện. Nhưng, cơ hội lại không thể xuất hiện liên tục như mong đợi. Vì vậy, mỗi đơn vị cần nâng cao khả năng tự kiểm soát của mình, làm chủ được các tình huống và giải quyết tốt các vấn đề nảy sinh.
- Ông nhận định thế nào về sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong thời gian tới?
- Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục cải cách rất mạnh để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng và kết quả tăng trưởng năm nay cũng sẽ khả quan. Nhưng, doanh nghiệp sẽ phải chịu sức ép lớn hơn và cần tự nâng cao chất lượng hoạt động. Mỗi đơn vị cũng phải biết tạo ra những giá trị riêng, sự độc đáo, khác biệt của mình. Có thể nêu ví dụ, nếu mình đang mở cửa hàng thì phải biết tự đặt câu hỏi tại sao khách đến với mình, chấp nhận mua sản phẩm của mình? Làm gì để có thêm khách? Vì thế, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả chính là tạo dựng sự thành công của nền kinh tế.
- Trân trọng cảm ơn ông!