Doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhờ nền tảng đám mây của AWS

Việc ứng dụng công nghệ điện toán đám mây của Amazon Web Services (AWS) đã giúp nhiều doanh nghiệp Việt Nam hoạt động hiệu quả hơn. Trong số đó, có cả những doanh nghiệp đang trên đà phát triển như thương hiệu thời trang Canifa, hệ thống salon tóc 30Shine… cho đến những công ty khởi nghiệp.

Mở rộng cơ hội kinh doanh với điện toán đám mây

Ông Hồ Việt Anh, đồng sáng lập viên kiêm giám đốc điều hành của công ty OSAM, công ty chuyên tư vấn, triển khai và quản trị giải pháp điện toán đám mây (ĐTĐM) của AWS cho biết, trong vòng 2,5 năm qua, công ty này đã làm việc với trên 200 khách hàng và trong đó có khoảng 35% là các doanh nghiệp khởi nghiệp như: Gotadi, Vntrip, Atadi, Tima, VnPay …

 Ông Hồ Việt Anh, người sáng lập cộng đồng người dùng AWS tại Việt Nam, đồng thời là Giám đốc điều hành của OSAM

Ông Hồ Việt Anh, người sáng lập cộng đồng người dùng AWS tại Việt Nam, đồng thời là Giám đốc điều hành của OSAM

Ông Việt Anh cho biết trong các khách hàng của OSAM có 30Shine - chuỗi cửa hàng cắt tóc nam thành công ở Việt Nam. Hiện tại 30Shine có gần 100 cửa hàng trên khắp Việt Nam và toàn bộ hệ thống đó vận hành trên nền tảng ĐTĐM của AWS. Sắp tới, việc 30Shine mở rộng ra thị trường khu vực cũng rất đơn giản nhờ vận hành bằng ĐTĐM.

Thương hiệu thời trang Canifa cũng sử dụng giải pháp của AWS để bán hàng trực tuyến, việc ứng dụng các giải pháp công nghệ giúp Canifa đạt chỉ tiêu doanh số trong mùa giảm giá gấp 20 lần bình thường. Nếu không nhờ ĐTĐM thì các máy chủ thuộc hệ thống công nghệ thông tin cũ trước đây sẽ quá tải và không thể đáp ứng nhu cầu tăng cao đột biến về đơn hàng và lượng khách hàng.

Ngoài ra OSAM còn có khách hàng là Karcher, một công ty của Đức có doanh thu năm 2018 vào khoảng 2,5 tỉ euro và có văn phòng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ông Việt Anh cho hay khi sang thăm trụ sở khách hàng đã được chứng kiến doanh nghiệp sử dụng cả một tầng hầm để làm chỗ chức các máy chủ. Sau khi sử dụng ĐTĐM thì doanh nghiệp khách hàng cắt giảm các máy chủ vật lý và triển khai hoạt động kinh doanh tới các thị trường nước ngoài một cách nhanh chóng.

OSAM là một doanh nghiệp khởi nghiệp chuyên tư vấn, cung cấp giải pháp của AWS. Ông Việt Anh nêu ví dụ về khách hàng Đức nói trên để cho thấy, một doanh nghiệp khởi nghiệp, mặc dù xuất phát từ Việt Nam, dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại của AWS và có cách tiếp cận đúng thì có thể vươn ra các thị trường quốc tế với những khách hàng lớn.

Cũng như ông Việt Anh, ông Paul Chen, phụ trách nhóm kiến trúc giải pháp khu vực ASEAN của Amazon Web Services đã phân tích về lợi ích của sử dụng ĐTĐM thông qua những doanh nghiệp cụ thể. Ông ví dụ về nền tảng kết nối thuê phòng lớn nhất thế giới là Airbnb. Khi khởi nghiệp thì Airbnb chỉ có 2 người sáng lập ở trong một cái gara tại San Francisco (Mỹ), và họ đã sử dụng ĐTĐM để giảm chi phí, thuê hệ thống công nghệ để sử dụng chứ không phải đầu tư. Đây cũng là một trong những lý do giúp Airbnb thành công và phát triển nhang chóng.

Ông Paul Chen cho biết, các doanh nghiệp mới thường có rất nhiều ý tưởng sáng tạo, nhưng để những ý tưởng mới này trở thành hiện thực thì họ phải thí điểm, thử nghiệm. Với mô hình công nghệ thông tin truyền thống, để thử nghiệm ý tưởng mới thì doanh nghiệp phải mua máy chủ, phần mềm, cấu hình máy chủ… Và kgi việc thử nghiệm gặp thất bại thì tiền vốn đầu tư cho hạ tầng CNTT ban đầu bị lãng phí. Với công nghệ ĐTĐM cho phép doanh nghiệp có môi trường kiểm thử những ý tưởng mới. Như vậy, với mô hình tài nguyên cung cấp theo nhu cầu để kiểm thử những ý tưởng mới thì sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp rất nhiều.

Từ quá trình thử nghiệm và chọn được ý tưởng thành công, doanh nghiệp muốn biến nó thành sản phẩm, dịch vụ thì có thể bắt đầu từ một địa điểm tại một địa phương nào đó ở Việt Nam, sau đó mở rộng việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ ra khu vực, rồi ra phạm vi toàn thế giới. Nền tảng ĐTĐM cho phép chỉ bằng vài cái click chuột, doanh nghiệp có thể ngay lập tức có tài nguyên để mở rộng nền tảng cung cấp sản phẩm, dịch vụ rộng khắp nhanh chóng.

 Ông Paul Chen, phụ trách nhóm kiến trúc giải pháp khu vực Asean của Amazon Web Services

Ông Paul Chen, phụ trách nhóm kiến trúc giải pháp khu vực Asean của Amazon Web Services

“Hơn nữa với những công ty khởi nghiệp, công ty nhỏ, họ là những người kinh doanh, không phải là dân công nghệ nên việc xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, bảo trì, bảo dưỡng, vận hành sẽ khó khăn. Nếu dùng giải pháp của AWS thì các doanh nghiệp có thể tập trung vào hoạt động kinh doanh thôi, phần công nghệ sẽ do AWS lo hết,” ông Paul Chen nói.

AWS hiện có 165 dịch vụ trên nền tảng ĐTĐM và được phân thành những nhóm dịch vụ khác nhau dưới dạng các module có thể ghép lại với nhau để hình thành giải pháp và tùy biến nó phù hợp với nhu cầu của khách hàng cụ thể.

Đề cập đến nỗi lo bảo mật của các doanh nghiệp khi sử dụng ĐTĐM, ông Paul Chen cho biết đây là vấn đề mà AWS ưu tiên hàng đầu. AWS chịu trách nhiệm bảo mật phần cơ sở hạ tầng nền tảng, còn khách hàng chịu trách nhiệm bảo mật dữ liệu mà mình lưu trên môi trường ĐTĐM. AWS cung cấp cho khách hàng những công cụ để họ mã hóa, bảo mật dữ liệu, giám sát nó.

Ươm mầm khởi nghiệp với Cộng đồng người dùng AWS tại Việt Nam

Trước khi thành lập OSAM, ông Hồ Việt Anh là người đại diện cho cộng đồng người dùng AWS ở Việt Nam với tên gọi là AWS Vietnam User Group, thành lập vào năm 2016. Ý tưởng về cộng đồng này bắt nguồn từ một lần ông Việt Anh tham dự hội nghị của AWS có khoảng mười mấy ngàn người tham dự. Lúc đó ông Việt Anh thấy các nước đều có một nhóm người dùng. Họ tự đến đó, chia sẻ kiến thức của họ, nói về những câu chuyện họ đã phát triển, đổi mới sáng tạo như thế nào và Việt Nam chưa có cộng đồng này. Sau đó, ông Việt Anh về Việt Nam thành lập một cộng đồng như thế để chua sẻ về lợi ích của công nghệ điện toán đám mây, một công nghệ lúc đó còn mới và chưa có quá nhiều người dùng.

Cộng đồng này được thành lập ra có 4 mục tiêu chính: hỗ trợ các cá nhân, những người yêu thích công nghệ hoặc thậm chí là không biết về công nghệ nhưng đam mê tìm hiểu về điện toán đám mây và cụ thể là nền tảng AWS; cung cấp công nghệ của AWS cho các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển; tổ chức các buổi gặp gỡ để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và những bài học thực tế về công nghệ ĐTĐM, tạo mạng lưới về người dùng công nghệ này; đào tạo cho các sinh viên học về công nghệ ĐTĐM.

"Với những công ty khởi nghiệp, công ty nhỏ, họ là những người kinh doanh, không phải là dân công nghệ nên việc xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, bảo trì, bảo dưỡng, vận hành sẽ khó khăn. Nếu dùng giải pháp của AWS thì các doanh nghiệp có thể tập trung vào hoạt động kinh doanh thôi, phần công nghệ sẽ do AWS lo hết” ông Paul Chen

Thông tin chia sẻ tại công đồng này được thực hiện qua các kênh như Facebook, Slack, Skype, Slideshare, Meetup và Telegram - những kênh chat chủ yếu phục vụ giới công nghệ. Tất cả mọi thông tin chia sẻ tại cộng đồng này đều miễn phí. Nếu tính riêng trên Facebook, cộng đồng này có khoảng 6.000 thành viên. Tính đến thời điểm này, cộng đồng AWS tại Việt Nam đã tổ chức được trên 65 buổi giao lưu trực tuyến và gặp gỡ trực tiếp tại Việt Nam. Cộng đồng này đã hỗ trợ được trên 50 doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam sử dụng công nghệ của AWS miễn phí trong khoảng thời gian nhất định để phát triển, để họ không phải quá lo lắng về mặt tiền vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng công nghệ.

Tuyên Quang

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/291109/doanh-nghiep-hoat-dong-hieu-qua-nho-nen-tang-dam-may-cua-aws.html