Doanh nghiệp FDI duy trì sản xuất trong mùa dịch
Trong bối cảnh khó chồng khó do dịch bệnh, các doanh nghiệp FDI trong khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) đã có nhiều giải pháp, vừa nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh bảo vệ sức khỏe người lao động vừa duy trì sản xuất.
Sức khỏe người lao động là trên hết
Samsung, một trong 3 doanh nghiệp có quy mô lớn nhất trong SHTP, có trên 6.000 lao động. Với quy mô như vậy, doanh nghiệp đã ý thức được mức độ rủi ro lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 là rất cao. Ông Kim Yun Yeop - Phó TGĐ điều hành Nhà máy Samsung TPHCM cho biết: hiện Nhà máy đang tổ chức chia ca nhằm giảm bớt số lượng công nhân xuống 3.900 người mỗi ngày, cố gắng tối đa thực hiện giãn cách trong phạm vi nhà máy.
“Chúng tôi hoàn toàn hiểu được tầm quan trọng của các biện pháp chống dịch mà Chính phủ Việt Nam đang triển khai trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến các nhà máy Samsung trên toàn thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Chúng tôi cố gắng bằng mọi cách vừa thực hiện nghiêm túc công tác chống dịch vừa đảm bảo hoạt động sản xuất theo tinh thần Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam”.
Ngay sau khi có Chỉ thị số 16, Nhà máy Samsung TPHCM đã tiến hành thu thập khai báo y tế với tất cả hành khách và đối tác giao dịch hàng ngày; thực hiện quét thân nhiệt với mọi trường hợp vào nhà máy; Các khu vực tập trung đông người như bếp ăn tập thể đã được bố trí vách ngăn và giãn cách tối thiếu 2m/người. 100% công nhân của Samsung được trang bị khẩu trang kháng khuẩn, khu vực nhà xưởng được bố trí nước khử khuẩn với mật độ dày để thuận tiện cho nhân viên vệ sinh…
Cũng triển khai các biện pháp phòng dịch tương tự, tại Công ty Sonion Việt Nam còn tăng cường thêm đồ bảo hộ cho người lao động. Ở những dây chuyền đặc thù, khó thực hiện giãn cách đủ 2m, Sonion trang bị thêm nón ngăn giọt bắn cho công nhân. Các xưởng đều có màn hình và liên tục phát hình ảnh khuyến cáo các biện pháp phòng dịch. Với gần 4.800 lao động, Sonion Việt Nam đã tổ chức lại sản xuất, thực hiện luân phiên, chia thành 3 ca sản xuất, giảm 50% số lượng lao động trong một ngày.
“Từ thời điểm Việt Nam xuất hiện những ca nhiễm đầu tiên, chúng tôi đã khuyến cáo người lao động hạn chế đi du lịch, nhất là đến các vùng dịch. Chúng tôi chủ động tổ chức lại sản xuất theo từng giai đoạn khi có các chỉ đạo mới từ Thành phố để đảm bảo duy trì sản xuất ổn định”, ông Jason King, Tổng Giám đốc Sonion Việt Nam cho biết.
Không chỉ triển khai các biện pháp phòng dịch tối đa, các doanh nghiệp FDI trong khu SHTP còn có nhiều hình thức chăm lo, hỗ trợ người lao động trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Tại nhà máy của Intel, mỗi lao động có con nhỏ được trợ cấp thêm 35 USD/ngày trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Người lao động tại Samsung nhận thêm phần quà nhu yếu phẩm, hay Sonion Việt Nam trợ cấp cho người lao động sử dụng phương tiện cá nhân khi doanh nghiệp giảm và ngưng hoạt động xe đưa đón…
Sau ca nhiễm là một công nhân Samsung tại Bắc Ninh, Nhà máy tại TPHCM cũng ngưng toàn bộ hệ thống xe buýt đưa đón công nhân nhằm giảm thiểu rủi ro lây nhiễm cho người lao động; đồng thời tăng cường truyền thông các biện pháp phòng dịch trên hệ thống phát thanh nội bộ; tổ chức hình thức làm việc luân phiên ở khối văn phòng và làm việc tại nhà nhằm giãn cách xã hội ở mức cao nhất.
Không để sản xuất gián đoạn
Sonion Việt Nam đã giảm công suất hoạt động, tuy nhiên đây là nhu cầu của đối tác giảm xuống do ảnh hưởng của dịch. Thời điểm đầu mùa dịch, một phần nguồn cung nguyên liệu sản xuất linh kiện từ Trung Quốc bị gián đoạn nhưng doanh nghiệp đã nhanh chóng sắp xếp lại sản xuất, thích ứng với tình hình, vẫn duy trì sản xuất trên tiêu chí không tạo ra những sản phẩm lỗi. “Cho đến thời điểm này, ảnh hưởng từ dịch đến Sonion Việt Nam là không tránh khỏi, nhưng chúng tôi tin rằng ngay sau khi Chính phủ Việt Nam khống chế được dịch, Sonion sẽ nhanh chóng phục hồi sản xuất, bù đắp lại năng suất thiếu hụt ở giai đoạn này”, ông Jason King nhấn mạnh.
Cũng bị gián đoạn nguyên liệu sản xuất linh kiện điện tử ứng dụng kỹ thuật cao ở giai đoạn đầu mùa dịch, hoạt động của Công ty Deayoung Electronics Vina có chậm lại. Các kế hoạch tuyển dụng, đào tạo nhân sự, các thủ tục liên quan đến cơ quan nhà nước gần như phải hoãn lại, song ông Kim Dong Hwan - Tổng giám đốc Deayoung Electronics Vina ý thức được rằng đây là giai đoạn khó khăn chung.
“Chúng tôi động viên người lao động tập trung làm việc, nâng cao năng suất, giảm thiểu hàng lỗi để đảm bảo số lượng đơn hàng. Việc tổ chức lại sản xuất theo hướng quy trình sản xuất đa năng, không ưu tiên sản xuất ở các dây chuyền chuyên dụng mà hướng đến cải thiện cơ sở vật chất để cho phép sản xuất chung, tận dụng nguồn lực hiện có tốt nhất”. Ngay trong thời gian ảnh hưởng bởi dịch, doanh nghiệp đã xúc tiến tìm kiếm thị trường kinh doanh mới, có phương án thay thế với những thị trường đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, đảo đảm lượng hàng sản xuất và cung ứng liên tục. Sau khi dịch đi qua, Deayoung Electronics Vina ưu tiên cho hoạt động nghiên cứu và phát triển những sản phẩm phục vụ thị trường toàn cầu, vì sau dịch hoạt động sản xuất trên thế giới phục hồi thì nhu cầu về linh kiện sẽ rất lớn.
Cũng lạc quan với thị trường sau dịch, ông Kim Yun Yeop - Phó TGĐ điều hành Nhà máy Samsung TPHCM cho rằng các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam đang có cơ hội lớn. Điển hình như Samsung, trong khi hầu hết các nhà máy trên toàn cầu bị ảnh hưởng thì tại Việt Nam, Samsung vẫn duy trì sản xuất ổn định. “Hiện tại nhu cầu thị trường đã giảm, do vậy việc thực hiện các biện pháp phòng dịch, giãn cách xã hội có phần thuận lợi, không ảnh hưởng đến đơn hàng. Chúng tôi cố gắng thực hiện tối đa các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho người lao động, giữ sự ổn định để sau khi dịch đi qua thì nhanh chóng gia tăng thị phần trên toàn cầu đang bị gián đoạn vì dịch bệnh”, ông Kim Yun Yeop chia sẻ.
Trông đợi hành động tích cực sau dịch
Ông Kim Dong Hwan - Tổng giám đốc Deayoung Electronics Vina chia sẻ, lúc đầu ông nghi ngờ hệ thống phòng dịch và các biện pháp cách ly xã hội của Chính phủ Việt Nam có vẻ hơi quá so với tình hình thực tế. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhìn nhận tình hình dịch bệnh trên thế giới so với thực tế ở Việt Nam thì ông Kim Dong Hwan rất tin tưởng Việt Nam khống chế dịch thành công, sản xuất sẽ sớm phục hồi. “Tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam đã có các biện pháp phòng dịch tích cực, không gây hỗn loạn xã hội trước một đại dịch toàn cầu như vậy. Với TPHCM, tôi đánh giá Thành phố đã kiểm soát thành công dịch bệnh. Điều đó khiến những người nước ngoài như tôi cũng tôn trọng và tuân thủ các quy định phòng dịch của đất nước các bạn”.
Lúc này, điều các doanh nghiệp mong đợi là sự trở lại tích cực của các đơn vị hành chính ngay sau khi dịch đi qua. Dự báo các đơn vị như hải quan, cấp phép đầu tư, cấp phép lao động, xuất nhập khẩu… sẽ có khối lượng công việc khổng lồ sau dịch bệnh.
Bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM cho biết, một số vấn đề phát sinh trong mùa dịch này đang được SHTP tích cực kết nối để có thể tháo gỡ cho doanh nghiệp bắt nhịp sản xuất sau dịch. “Sau khi dịch đi qua, nhu cầu sản xuất sẽ tăng mạnh, doanh nghiệp sẽ phải tăng ca vượt số giờ làm thêm của người lao động. Chúng tôi đã sớm đề xuất Thủ tướng cho phép nới khung giờ làm thêm của người lao động. Theo phản hồi từ Sở LĐTB&XH TPHCM thì các doanh nghiệp cần chứng minh nhu cầu tăng giờ làm do đơn hàng tăng đột biến. Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay thì việc này có thể được cấp phép vì thiên tai, dịch họa là bất khả kháng”, bà Loan cho hay.
Trong bối cảnh chịu áp lực trước ảnh hưởng của dịch, doanh nghiệp FDI trong khu SHTP vẫn đảm bảo hoạt động ổn định qua giá trị sản xuất trong quý I/2020 đạt hơn 4 tỉ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 20% so với kế hoạch cả năm.
Cho đến thời điểm này, trong số trên 45.600 lao động tại SHTP, vẫn đảm bảo việc làm, không xảy ra tình trạng mất việc, khoảng 1.950 lao động tạm dừng do nghỉ luân phiên, hoặc do thiếu nguồn nguyên liệu. Bà Loan cho biết, các doanh nghiệp đã có sự thỏa thuận với người lao động, kết nối lại việc làm ngay sau dịch. Đây cũng là nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, cần bổ sung lao động nhanh nhất khi trở lại nhịp sản xuất.