Doanh nghiệp chưa tận dụng được lợi thế từ FTA khi xuất khẩu sang Canada

Hiện nay, Việt Nam đã trở thành đối tác nhập khẩu lớn thứ bảy của Canada và Canada cũng là nước có thặng dư thương mại rất lớn. Tuy nhiên, còn nhiều doanh nghiệp chưa tận dụng được lợi thế về ưu đãi thuế từ FTA khi xuất khẩu sang Canada.

Theo ông Đinh Sỹ Minh Lăng, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công thương, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada có tiến triển tích cực nhờ FTA đã ký kết. Kim ngạch song phương tăng nhanh, đạt trên 65% từ 3,9 tỷ USD năm 2019 lên 6,3 tỷ USD năm 2022.

Ông Đinh Sỹ Minh Lăng phát biểu tại hội thảo xúc tiến thương mại sang thị trường châu Mỹ diễn ra vào trung tuần tháng 11/2023. Ảnh: Hải Anh

Ông Đinh Sỹ Minh Lăng phát biểu tại hội thảo xúc tiến thương mại sang thị trường châu Mỹ diễn ra vào trung tuần tháng 11/2023. Ảnh: Hải Anh

Mặc dù vậy, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Canada cũng bộc lộ một số hạn chế. Có tới 60% sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang Canada thuộc nhóm các doanh nghiệp FDI trong khi khu vực trong nước chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng gia công hoặc hàng thô không có thương hiệu riêng.

Ngoài ra, hàng hóa thế mạnh của Việt Nam kém cạnh tranh về giá so với sản phẩm cùng loại đến từ Trung Quốc, Ấn Độ hay Chile…

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Canada là quy tắc xuất xứ và những những rủi ro về thuế chống trợ cấp và chống bán phá giá. Theo đó, một số lĩnh vực, mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Canada có nguy cơ bị áp thuế chống phá giá hoặc xem xét gia hạn áp thuế chống phá giá như tấm pin năng lượng mặt trời, thép chống ăn mòn, ghế bọc đệm… Do vậy, để có thể tiếp cận thị trường thì trước hết cần đảm bảo quy tắc xuất xứ.

Để có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Canada, ông Minh Lăng khuyến nghị, doanh nghiệp Việt có thể sản xuất gia công, sản xuất theo nhãn hàng của các chuỗi siêu thị và các nhà nhập khẩu phân phối lớn của thế giới là phương cách để các doanh nghiệp tiếp cận thị trường một cách bền vững và có đơn hàng ổn định.

Nhiều mặt hàng của chúng ta đã có mặt ổn định ở các hệ thống siêu thị ở Canada nhờ chấp nhận sản xuất gia công theo nhãn hiệu của Canada. Ví dụ như các sản phẩm nước dừa, tôm chiên bột hay nước mắm...

Các chuyên gia cũng khuyến nghị, doanh nghiệp Việt Nam nên đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm mới, riêng biệt, có tính sáng tạo cao, lựa chọn phân khúc nhóm hàng quần áo, giày dép, túi xách… do tính chất thị trường thay đổi nhanh, thị hiếu tiêu dùng còn nhiều tiềm năng và có biên độ lợi nhuận cao.

Song Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/doanh-nghiep-chua-tan-dung-duoc-loi-the-tu-fta-khi-xuat-khau-sang-canada-139803.html