Doanh nghiệp chân chính không hướng tới mục tiêu lợi nhuận thô kệch

'Mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp là tối đa hóa lợi nhuận' là quan điểm quá đơn giản và lạc hậu. Rõ ràng mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp phải là mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và cộng đồng chứ không chỉ là mục tiêu lợi nhuận thô kệch.

Đó là quan điểm của ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương. Tại Hội thảo “Tìm động lực tăng trưởng từ ESG”, ông Nguyễn Tú Anh cho rằng, quan điểm mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp là tối đa hóa lợi nhuận là quan điểm quá đơn giản và lạc hậu.

Kinh tế học dựa trên quan điểm này đã không giải thích được tại sao các tỷ phú lại dành phần lớn các lợi nhuận của mình cho các dự án cộng đồng. Tại sao các ông chủ có tài sản hàng tỷ đô không tận hưởng cuộc sống xa hoa mà vẫn phải lao tâm khổ tứ với những dự án lớn đầy rủi ro để có thể mang lại lợi ích cho hàng triệu người.

Rõ ràng mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp phải là mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và cộng đồng chứ không chỉ là mục tiêu lợi nhuận thô kệch. Tìm kiếm lợi nhuận dựa trên tổn hại lợi ích của người khác, của thế hệ khác đó không phải là lợi nhuận chân chính.

Do đó các chuẩn mực về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) chính là thang đo về giá trị chân chính của một doanh nghiệp. Thực hiện ESG không chỉ làm cho doanh nghiệp cảm thấy những thành công của mình thực sự có ý nghĩa hơn, lớn hơn, và bao trùm hơn mà còn giúp cho doanh nghiệp dễ thành công hơn trong bối cảnh mà nhận thức về các vấn đề xã hội, môi trường của cộng đồng ngày càng cao.

Trong một báo cáo ở Diễn đàn Kinh tế Thế giới “Tương lai tiêu dùng trong những thị trường tăng trưởng nhanh: ASEAN” được công bố vào tháng 6/2020 cho thấy 80% người tiêu dùng ở khu vực ASEAN quan tâm đến tính bền vững và đã thay đổi thói quen sống để trở nên thân thiện hơn với môi trường. Số liệu mới nhất từ báo cáo Edelman Trust Barometer (2022) cho thấy cách doanh nghiệp đối xử nhân viên, nhà cung cấp đã và đang ảnh hưởng đến hành vi mua hàng của người tiêu dùng.

Yếu tố ESG sẽ có tác động tích cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Yếu tố ESG sẽ có tác động tích cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo đó, 1/3 người tiêu dùng đã ngừng sử dụng một nhãn hiệu mà họ nhận thấy không hành xử thích hợp trước khủng hoảng; 71% nói rằng nếu họ cảm nhận một nhãn hiệu đặt lợi nhuận lên trên con người thì sẽ không bao giờ tin nhãn hiệu đó nữa. Khi được hỏi về tầm quan trọng của ESG đối với tiếp cận đầu tư trong năm 2022, 26% nhà đầu tư toàn cầu cho biết, ESG là “trọng tâm” trong cách tiếp cận đầu tư của họ.

Có nhiều nghiên cứu cho thấy lợi ích của áp dụng chuẩn mực ESG trong môi trường hội nhập toàn cầu như tăng thị phần, giảm chi phí, giảm áp lực về pháp lý, tối ưu hóa đầu tư và nắm giữ tài sản,... Những kết quả nghiên cứu này mặc dù có thể chưa đầy đủ nhưng nó cũng phản ánh một xu hướng khó thể đảo ngược trong hoạt sản xuất kinh doanh ngày nay đó là sản xuất kinh doanh phải có trách nhiệm không chỉ với cộng đồng, với nhân viên với xã hội mà cả với các thế hệ tương lai.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam thì việc ứng dụng ESG không chỉ phù hợp với văn hóa và triết lý Á Đông mà còn là hiện thực hóa các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu nghiêm trọng, môi trường kinh tế toàn cầu có nhiều bất định thì ứng dụng ESG hoặc ít nhất là thấm nhuần tư tưởng của bộ tiêu chí ESG trong điều hành doanh nghiệp sẽ là một hướng tiếp cận quan trọng giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững.

Ông Matthew Smith, Giám đốc nghiên cứu Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng chỉ ra rằng, dựa trên các tính toán trong thời gian qua, trong bối cảnh các yếu tố khác của doanh nghhiệp không đổi, nếu công ty có chuẩn mực ESG tốt hơn thì sẽ có rủi ro ít hơn. Đây là lý do giá trị của doanh nghiệp thực hành ESG trong mắt nhà đầu tư cao hơn.

Ban đầu, việc đầu tư ESG có thể gây tranh cãi, bởi việc thực hành ESG đòi hỏi phải bỏ ra nhiều chi phí, ăn vào dòng tiền. Tuy nhiên trong dài hạn, yếu tố ESG sẽ có tác động tích cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khi có thể làm hài lòng nhà quản lý, đối tác, người mua hàng, từ đó nhận về “phần thưởng”.

Bởi lý do này, từ góc nhìn của nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hành ESG có thể nâng dòng tiền dự kiến/kỳ vọng trong tương lai, giúp giá vốn mà nhà đầu tư bỏ ra thấp hơn. Về phía doanh nghiệp, thực hành ESG giúp việc huy động vốn hiệu quả hơn, nhất là so với các doanh nghiệp không thực hiện ESG tốt bằng.

Các yếu tố thúc đẩy thực hành ESG trên toàn cầu đầu tiên xuất phát từ các chính sách đòi hỏi mọi thành viên thị trường phải phân bổ vốn vào ESG: Các định chế tài chính, nhà đầu tư tổ chức cần dành nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực ESG, doanh nghiệp cũng phải đầu tư vào ESG để tuân thủ các quy định. Theo số liệu của Bloomberg, tính tới năm 2022, các tài sản ESG trên toàn cầu vào khoảng 30 nghìn tỷ USD và con số này sẽ tăng lên gấp đôi cho tới năm 2030. Tất cả các nhà đầu tư định chế đều có chiến lược phân bổ vốn đầu tư cho ESG.

"Một điểm nhấn đáng chú ý là việc đầu tư ESG không chỉ được thúc đẩy bởi nhà đầu tư định chế trước quy định của chính phủ, mà còn có động lực lớn tới từ nhóm nhà đầu tư cá nhân - đối tượng không chịu quy chế bắt buộc nào. Tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân tham gia đầu tư ESG đã tăng từ 20% năm 2016 lên 25% năm 2018. Theo quan sát của chúng tôi, đây là nhóm nhà đầu tư trẻ, những người sinh sau năm 1990. Người trẻ ngày càng quan tâm và có thái độ nghiêm túc với tương lai", ông Matthew Smith nhận định.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/doanh-nghiep-chan-chinh-khong-huong-toi-muc-tieu-loi-nhuan-tho-kech-171202.html