Doanh nghiệp BĐS vay nợ tín dụng và trái phiếu bao nhiêu từ đầu năm đến nay?

Tín dụng cho vay chủ đầu tư bất động sản tính đến cuối tháng 5/2023 đạt gần 926.000 tỷ đồng, tăng hơn 120.000 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Trong khi đó, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp địa ốc phát hành trong 7 tháng qua khoảng hơn 30.000 tỷ đồng.

(Ảnh minh họa: H.L).

(Ảnh minh họa: H.L).

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dư nợ tín dụng cho lĩnh vực bất động sản tính đến cuối tháng 5/2023 đạt gần 2,7 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 3,4% so với cuối năm 2022 (2,58 triệu tỷ đồng).

Trong đó, tín dụng vào hoạt động kinh doanh bất động sản trong 5 tháng đầu năm tăng 14%. Ngược lại, tín dụng cho tiêu dùng bất động sản lại giảm 1,32%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng tới 15%.

Bộ Xây dựng mới đây dẫn số liệu của NHNN cho biết, tính đến 31/5/2023 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản (cho vay chủ đầu tư) đạt 925.796 tỷ đồng.

Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 252.792 tỷ đồng, chiếm 27% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

Dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê là 137.375 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đối với các dự án nhà hàng, khách sạn là 66.184 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất là 63.176 tỷ đồng.

Dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất là 53.564 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng là 45.169 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê là 37.535 tỷ đồng. Còn lại là dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác (270.000 tỷ đồng).

Nếu so với con số hơn 803.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2022 thì các chủ đầu tư địa ốc đã vay thêm hơn 120.000 tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm.

(Nguồn: SBV, Bộ Xây dựng; Đvt: Tỷ đồng).

(Nguồn: SBV, Bộ Xây dựng; Đvt: Tỷ đồng).

Trong khi đó, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đã giảm khá đáng kể khi phát hành mới không nhiều và các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại trước hạn lượng lớn trái phiếu.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, lũy kế từ đầu năm đến ngày 21/7/2023, có 36 doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu với khối lượng 61.200 tỷ đồng (giảm 78% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó, doanh nghiệp bất động sản chiếm 55% (33.300 tỷ đồng). Khối lượng trái phiếu được mua lại trước hạn là 130.400 tỷ đồng (gấp 1,65 lần so với cùng kỳ năm 2022).

Bộ Tài chính, cho biết, trong thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã đàm phán với các chủ sở hữu trái phiếu để cơ cấu lại thời hạn trả nợ, một số tổ chức phát hành trong lĩnh vực bất động sản đã đạt được thỏa thuận gia hạn thanh toán trái phiếu như Tập đoàn Sovico, Novaland, Hưng Thịnh Land,…

Bộ này cho rằng, việc các doanh nghiệp chủ động đàm phán với chủ sở hữu trái phiếu đã góp phần ổn định tâm lý của nhà đầu tư; đồng thời cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp có thời gian tái cơ cấu, phục hồi sản xuất kinh doanh, qua đó có dòng tiền để trả nợ khi trái phiếu đến hạn sau quá trình tái cơ cấu.

Tổng giá trị trái phiếu đến hạn trong nửa cuối của năm 2023 là 195.090 tỷ đồng, trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là nhóm bất động sản với 101.179 tỷ đồng (Bộ Xây dựng dẫn số liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam – VBMA).

(Nguồn: VBMA).

(Nguồn: VBMA).

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/doanh-nghiep-bds-vay-no-tin-dung-va-trai-phieu-bao-nhieu-tu-dau-nam-den-nay.html