Doanh nghiệp bảo hiểm cần thích nghi với 'bão lớn'
Sau cơn bão có mức tàn phá lịch sử Yagi, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro thiên tai lớn do biến đối khí hậu ngày càng gia tăng.
Bồi thường bảo hiểm từ bão Yagi bằng tổng 9 tháng
Theo ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), trong lịch sử, dù ngành bảo hiểm đã xử lý bồi thường, chi trả bảo hiểm cho khách hàng trong nhiều sự cố thiên tai nguy hiểm, xảy ra trên quy mô lớn, nhưng chưa có trận bão lũ nào phải chi trả quyền lợi bảo hiểm lớn như bão Yagi (bão số 3).
Thống kê thiệt hại của một số cơn bão lớn, gây tổn thất kinh tế nặng nề trong hơn một thập kỷ gần đây cho thấy, tổn thất mà cơn bão số 3 gây cho doanh nghiệp kinh doanh và ngành bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm phi nhân thọ, lớn gấp nhiều lần so với những cơn bão khác, chưa kể còn nhiều tài sản, đối tượng bị bão lũ tàn phá nhưng không được chi trả quyền lợi bảo hiểm do không có bảo hiểm.
Trong đó, bão Ketsana (năm 2009) gây ảnh hưởng nặng nề đến miền Trung và Tây Nguyên, với hơn 170.000 ngôi nhà bị hư hại, hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông và nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề, gây lũ lụt trên diện rộng, làm nhiều người thiệt mạng và gây thiệt hại lớn về kinh tế. Tổng thiệt hại do bão Ketsana gây ra khoảng 16.000 tỷ đồng, số tiền bồi thường bảo hiểm hơn 600 tỷ đồng.
Bão Wutip (năm 2013) đổ bộ vào miền Trung, gây thiệt hại lớn cho các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh…, đã khiến hàng chục nghìn ngôi nhà bị hư hỏng, hệ thống nông nghiệp bị tàn phá nặng nề. Tổng thiệt hại do bão Wutip gây ra khoảng 11.000 tỷ đồng, số tiền bồi thường bảo hiểm hơn 450 tỷ đồng.
Bão Damrey (năm 2017) tấn công khu vực Nam Trung Bộ, gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung, đặc biệt là khu vực Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định, tổng thiệt hại về kinh tế lên đến 22.000 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả bồi thường khoảng 700 tỷ đồng.
Riêng thiệt hại do cơn bão Yagi gây ra, tính đến ngày 22/11/2024, theo số liệu của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), số tiền ước phải chi trả bồi thường lên tới 11.461 tỷ đồng (bao gồm bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ), trong đó có hơn 10.000 tỷ đồng thuộc lĩnh vực bảo hiểm tài sản và bảo hiểm các công trình trong quá trình xây dựng…
Trong khi theo số liệu tổng hợp của IAV, tổng số tiền bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ 9 tháng năm 2024 khoảng 16.698 tỷ đồng (chưa bao gồm bồi thường do bão Yagi). Như vậy, con số ước tính phải chi trả bồi thường do cơn bão Yagi gây ra gần bằng số tiền bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ trong 9 tháng.
… nhưng chỉ chiếm 17% tổng thiệt hại về tài sản
Theo đánh giá của giới chuyên môn, thiệt hại về tài sản kỹ thuật và tổn thất hàng hải là nguyên nhân chính gây ra tổn thất bảo hiểm do bão Yagi gây ra.
Đại diện Bảo hiểm Bảo Minh cho biết, với sức tàn phá nặng nề, siêu bão Yagi đã gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Các khách hàng của Bảo hiểm Bảo Minh tập trung chủ yếu tại các hợp đồng bảo hiểm tài sản kỹ thuật, xe cơ giới, bảo hiểm hàng hải và con người, ước tính sơ bộ tổn thất bảo hiểm khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.
Tương tự, tính đến ngày 25/9/2024, hơn 900 khách hàng của Bảo hiểm Bảo Việt đã được ghi nhận có thiệt hại về tài sản, với tổng giá trị ước tính thiệt hại lên tới 1.000 tỷ đồng.
Với Bảo hiểm PVI, chỉ riêng bảo hiểm tài sản, ước tính tổng mức khiếu nại tổn thất lên tới hơn 2.000 tỷ đồng. Hãng bảo hiểm này nhìn nhận, đây có thể là tổn thất lịch sử không mong muốn của ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung và Bảo hiểm PVI nói riêng.
Dù vậy, theo đại diện Bảo hiểm PVI, với tiềm lực tài chính vững vàng, dự phòng bồi thường đầy đủ và có nhiều kinh nghiệm xử lý tổn thất, Công ty sẽ đảm bảo quyền lợi tối đa cho khách hàng với thời gian nhanh nhất.
Với quy mô vốn điều lệ 3.900 tỷ đồng - cao nhất thị trường phi nhân thọ hiện nay, Bảo hiểm PVI được đánh giá có đủ năng lực bảo hiểm cho các tài sản công trình dự án quan trọng trong nền kinh tế.
Ngoài ra, biên khả năng thanh toán của nhà bảo hiểm này luôn ở mức cao trên 140%, quy mô dự phòng nghiệp vụ lên tới hơn 3.200 tỷ đồng, cho thấy khả năng đáp ứng trách nhiệm đã cam kết với khách hàng khi sự kiện bảo hiểm xảy ra.
Theo tổ chức xếp hạng tín nhiệm A.M. Best, tuy tỷ lệ an toàn vốn không bị ảnh hưởng, nhưng tổn thất bảo hiểm do bão Yagi gây ra có thể khiến lợi nhuận năm 2024 của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam giảm so với năm 2023, song song đó là có thể ảnh hưởng đến các kỳ tái bảo hiểm sau do các điều khoản và điều kiện tái bảo hiểm sẽ trở nên nghiêm ngặt hơn...
Theo ước tính sơ bộ của Viện nghiên cứu Swiss Re, tần suất liên tục của các sự kiện vừa và nhỏ đã gây ra tổn thất được bảo hiểm do thảm họa thiên nhiên trên toàn cầu lên tới 60 tỷ USD trong nửa đầu năm 2024.
Các công ty bảo hiểm, tái bảo hiểm tại Việt Nam được A.M. Best xếp hạng như Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Bảo Minh, Bảo hiểm BIDV (BIC), Bảo hiểm Petrolimex (PJICO), Bảo hiểm Bưu điện (PTI), Fubon, Vinare, HanoiRe… được nhìn nhận chịu tác động không quá lớn từ tổn thất do bão Yagi gây ra bởi năng lực tài chính được đảm bảo và thực hiện tốt công tác tái bảo hiểm.
Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp bảo hiểm thường thực hiện tái bảo hiểm để giảm thiểu rủi ro phát sinh từ những cơn bão nghiêm trọng cũng như các thảm họa thiên nhiên khác.
Mặt khác, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ trên thị trường hiện nay đều có biên khả năng thanh toán vượt xa biên khả năng thanh toán tối thiểu theo quy định hiện hành. Cụ thể, tại PTI, biên khả năng thanh toán tính đến thời điểm 30/6/2024 là hơn 250%; BIC là 211%; PJICO là 177%; Bảo hiểm Bảo Minh là 123%...
Ngoài ra, giới chuyên môn cũng nhìn nhận, do tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm ở Việt Nam còn thấp nên tổn thất được bảo hiểm thấp hơn nhiều so với tổn thất kinh tế.
Đại diện bảo hiểm Agribank cho biết, cơn bão Yagi và lũ lụt sau bão đi qua đã để lại thiệt hại vô cùng nặng nề tới tài sản của doanh nghiệp và cá nhân tại nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc. Tổng thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ lên đến trên 81.000 tỷ đồng, trong đó số tiền được bồi thường bảo hiểm ước khoảng 12.811 tỷ đồng, tức chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 17%.
Như vậy, mặc dù cơn bão Yagi là minh chứng khẳng định vai trò to lớn của ngành bảo hiểm đối với nền kinh tế - xã hội nhưng hoạt động của ngành bảo hiểm trong nhận thức của người dân còn rất mờ nhạt, chưa thực sự trở thành “tấm lá chắn” đúng nghĩa, đúng bản chất của ngành giống như tại các nước phát triển. Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp tham gia bảo hiểm còn thấp hoặc nếu có tham gia cũng không tham gia đầy đủ, nhất là những sản phẩm bảo hiểm rủi ro thiên tai…
Tổn thất hàng tỷ đô la có thể trở nên phổ biến hơn
Trên thế giới, bão Yagi và các sự kiện thiên tai khác trong năm 2024 cũng gây ra những thiệt hại lớn cho các nhà tái bảo hiểm quốc tế. Điều này sẽ dẫn đến việc các công ty tái bảo hiểm điều chỉnh lại các điều kiện và chi phí cho các hợp đồng tái bảo hiểm trong năm 2025.
Theo ước tính sơ bộ của Viện nghiên cứu Swiss Re, tần suất liên tục của các sự kiện vừa và nhỏ đã gây ra tổn thất được bảo hiểm do thảm họa thiên nhiên trên toàn cầu lên tới 60 tỷ USD trong nửa đầu năm 2024.
Theo hãng tái bảo hiểm này, trong những năm gần đây, những cơn giông bão khốc liệt đã nổi lên như một nguyên nhân chính dẫn đến tổn thất được bảo hiểm gia tăng đáng kể. Điều này là do dân số tăng và giá trị tài sản cao hơn ở các khu vực thành thị, cùng với tài sản được bảo hiểm dễ bị thiệt hại hơn do mưa đá. Do đó, các sự kiện tổn thất hàng tỷ đô la phát sinh từ rủi ro này có thể trở nên phổ biến hơn...
Các yếu tố gồm giá trị tài sản cao hơn, tốc độ đô thị hóa nhanh và chi phí sửa chữa tăng do lạm phát sẽ thúc đẩy nhu cầu bảo hiểm/tái bảo hiểm tài sản, nhất là tại các khu vực có nguy cơ thảm họa thiên nhiên gia tăng.
Dưới sự tác động ngày càng sâu rộng và mức độ thiệt hại ngày càng tăng của các sự kiện thiên tai, Công ty Môi giới Aon dự báo, cạnh tranh về phí tái bảo hiểm sẽ tăng mạnh trong năm 2025, còn các công ty bảo hiểm phải linh hoạt hơn trong việc cung cấp năng lực tái bảo hiểm và phạm vi bảo vệ.
Theo hãng tái bảo hiểm Vinare, đối với ngành bảo hiểm Việt Nam, mặc dù giai đoạn 2021 - 2023 không có sự kiện thiên tai nào gây tổn thất lớn cho các doanh nghiệp, nhưng rủi ro thiên tai có thể được coi là một trong các rủi ro chính, luôn tiềm tàng mức độ tác động cao đến kết quả nghiệp vụ (điển hình như đã xảy ra vào các năm 2017, 2020) hoặc thậm chí là an toàn tài chính. Do vậy, việc đánh giá rủi ro thiên tai trong bảo hiểm ngày càng cần được chú trọng, phí rủi ro cần được phản ảnh đầy đủ khi cung cấp giải pháp bảo hiểm và bản thân các doanh nghiệp cần phải rà soát, củng cố giải pháp chuyển giao rủi ro thiên tai để hạn chế mức độ ảnh hưởng nếu xảy ra sự kiện.
Số tiền được bồi thường do có bảo hiểm chỉ bảo vệ được 0,65% dư nợ bị thiệt hại của Agribank
Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), hoạt động tín dụng và hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng rất lớn bởi cơn bão số 3.
Agribank có tổng số trên 28.200 khách hàng vay bị ảnh hưởng do bão số 3, ước tính dư nợ bị ảnh hưởng trên 40.000 tỷ đồng; trong đó, dư nợ bị thiệt hại dự kiến gần 17.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, lượng khách hàng tham gia bảo hiểm lại đang ở con số rất khiêm tốn. Nếu tính số tiền được bồi thường do có bảo hiểm thì chỉ bảo vệ được 0,65% dư nợ bị thiệt hại của Agribank.
Riêng khách hàng doanh nghiệp, trong tổng số 512 khách hàng bị thiệt hại của Agribank, với dư nợ thiệt hại 6.195 tỷ đồng, thì chỉ có 155 khách hàng tham gia bảo hiểm, với tổng số tiền bồi thường là 120 tỷ đồng.
Hậu quả của thiên tai đối với xã hội là rất lớn. Nền kinh tế bị tổn thất cả về người và tài sản (chưa tính đến hoa lợi thu được sau chu trình sản xuất mùa vụ). Khả năng trả nợ ngân hàng của các doanh nghiệp và người dân vùng bị thiên tai bị ảnh hưởng; trong đó, một phần dư nợ tín dụng trực tiếp bị tổn thất có nguy cơ trở thành nợ xấu khó có khả năng thu hồi. Ngân sách Nhà nước sẽ phải chi hàng ngàn tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tai bão lũ. Các doanh nghiệp và người dân bị thiệt hại trực tiếp về người và tài sản, hoa màu và cần có lượng tài chính tương đương để tái đầu tư sản xuất - kinh doanh…
Hiểu biết của người dân về bảo hiểm phi nhân thọ chưa cao nên thâm nhập thị trường còn khó khăn
Nhằm hỗ trợ khách hàng nhanh chóng khắc phục hậu quả của thiên tai, ngay khi bão tan, BIC đã thành lập các tổ công tác, chia các tuyến, các lớp, cùng các đơn vị giám định độc lập hỗ trợ khách hàng thống kê, giám định thiệt hại. BIC cũng đã thực hiện tạm ứng bồi thường/trả tiền bảo hiểm cho khách hàng với số tiền gần 50 tỷ đồng.
Những thiệt hại do bão Yagi gây ra chắc chắn sẽ tác động tới hoạt động kinh doanh của BIC, đặc biệt là về hiệu quả hoạt động cũng như tạo áp lực lên công tác giám định bồi thường khi số vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản, xe cơ giới, hàng hóa tăng cao. Hiện tại, BIC vẫn đang tập trung mọi nguồn lực để khẩn trương chi trả bồi thường cho khách hàng theo đúng quy định.
Cùng với bão Yagi, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ dự báo sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều rủi ro thiên tai lớn trong thời gian tới do biến đối khí hậu ngày càng gia tăng. Điều này tạo áp lực lớn lên quỹ dự phòng, khả năng tái bảo hiểm và chi trả bồi thường của các doanh nghiệp bảo hiểm.
Ngoài ra, tại Việt Nam, dù dịch bệnh Covid-19 và bão Yagi đã góp phần gia tăng nhu cầu mua bảo hiểm của người dân, doanh nghiệp, tuy nhiên so với các lĩnh vực khác, sự hiểu biết của người dân về bảo hiểm phi nhân thọ còn chưa cao, dẫn đến việc thâm nhập thị trường còn khó khăn.