Đoàn công tác Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy làm việc với tỉnh ta
Ngày 21-10, Đoàn công tác Ủy ban Bảo vệ môi trường (BVMT) lưu vực sông Nhuệ - Đáy do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN và MT) Hoàng Văn Thức là Trưởng đoàn làm việc với tỉnh ta về kết quả thực hiện Đề án BVMT lưu vực sông Nhuệ - Đáy giai đoạn 2008-2020... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Ngày 21-10, Đoàn công tác Ủy ban Bảo vệ môi trường (BVMT) lưu vực sông Nhuệ - Đáy do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN và MT) Hoàng Văn Thức là Trưởng đoàn làm việc với tỉnh ta về kết quả thực hiện Đề án BVMT lưu vực sông Nhuệ - Đáy giai đoạn 2008-2020, định hướng hoạt động trong giai đoạn tới. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh.
Nam Định có 72km sông chảy qua địa bàn nằm trong lưu vực sông Đáy, là nguồn cấp nước chính cho hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân; cũng là nơi tiếp nhận nước thải các huyện, thành phố: Ý Yên, Vụ Bản, Nghĩa Hưng, Nam Định, Nam Trực, Trực Ninh. Theo báo cáo của UBND tỉnh, 12 năm qua tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ của Đề án BVMT lưu vực sông Nhuệ - Đáy và đạt nhiều kết quả tích cực. Đã quy hoạch mạng lưới và tiến hành quan trắc hiện trạng môi trường tỉnh; đầu tư hệ thống truyền, nhận trực tuyến dữ liệu quan trắc nước thải, nước mặt tự động; triển khai xây dựng Nhà máy xử lý rác thải liên vùng công nghệ điện rác. Chú trọng giải quyết tình trạng ngập lụt khu vực đô thị. Hoàn thành xử lý các điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do hóa chất, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật; 16/16 bệnh viện đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải và xử lý triệt để ô nhiễm môi trường; tập trung khắc phục ô nhiễm môi trường tại làng nghề Bình Yên, xã Nam Thanh (Nam Trực); lập và thực hiện quy hoạch đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; chú trọng nâng cao hiệu quả xử lý nước thải tại các KCN.
Tuy nhiên việc thực hiện Đề án vẫn còn vướng mắc. Hiện chưa có đánh giá đồng bộ về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy, cơ chế tài chính, công nghệ xử lý và quy hoạch quản lý chất thải rắn. Chưa có cơ chế phối hợp giải quyết ô nhiễm môi trường liên tỉnh. Tổ chức, bộ máy quản lý về môi trường các cấp chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là tại cấp huyện, cấp xã chủ yếu làm kiêm nhiệm. Hạ tầng kỹ thuật về BVMT khu vực nông thôn, đô thị chưa đảm bảo yêu cầu. Nguồn lực, kinh phí đầu tư cho BVMT, nhất là khu vực công, còn hạn chế.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phùng Hoan đã làm rõ một số vấn đề vướng mắc khiến việc thực hiện Đề án BVMT lưu vực sông Nhuệ - Đáy của tỉnh chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Tỉnh cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành hoàn thiện chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về BVMT và quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành; đề nghị Trung ương tăng hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình BVMT do nguồn vốn đối ứng của tỉnh còn hạn hẹp; cần sự vào cuộc phối hợp kịp thời của các bên có liên quan, giải quyết dứt điểm các vụ việc ô nhiễm môi trường liên tỉnh; cần có cơ chế tài chính đặc thù cho nhiệm vụ BVMT lưu vực sông; tăng chi ngân sách cho sự nghiệp môi trường hàng năm; ban hành hướng dẫn cụ thể các chính sách ưu đãi để thúc đẩy xã hội hóa nguồn lực tài chính cho BVMT; đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện quy định, hướng dẫn triển khai kế hoạch tổng điều tra nguồn thải từ đó tập trung nguồn lực xử lý các khu vực, điểm nóng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Trưởng Đoàn công tác đã phát biểu tiếp nhận đầy đủ ý kiến, kiến nghị của tỉnh để tổng hợp báo cáo Ủy ban BVMT lưu vực sông Nhuệ - Đáy.
Trong khuôn khổ chương trình làm việc, Đoàn công tác đã kiểm tra, khảo sát thực tế công tác BVMT, xử lý nước thải của KCN Bảo Minh./.
Tin, ảnh: Thanh Thúy