'Đỏ mắt' tìm ngư dân trẻ

Nghề đánh bắt thủy hải sản ở Mỹ vốn gặp khó khăn trước những tác động của biến đổi khí hậu, nay còn vướng rào cản từ việc khó tìm được nhân lực thế hệ tiếp theo, có tâm huyết lâu dài với nghề.

Ngư dân trẻ xếp lưới trên thuyền trước khi ra khơi đánh cá hồi. Ảnh: AP.

Ngư dân trẻ xếp lưới trên thuyền trước khi ra khơi đánh cá hồi. Ảnh: AP.

Thiếu hụt ngư dân trẻ

Lane Bolich lần đầu tiên đến làm việc ở Alaska vì sự tự do và hứng thú khi được trở thành một ngư dân. Bolich chuyển đến từ vùng nông thôn bang Washington vì anh thích ở trên biển ngay cả trong thời tiết mùa đông lạnh giá, hơn nữa, điều đó cho anh cơ hội kiếm được nhiều tiền hơn ở quê nhà. Sau 2 năm phụ việc trên tàu, đầu năm nay, Bolich đã được cầm lái với tư cách thuyền trưởng khi mới 20 tuổi.

Bolich là một trường hợp hiếm trong ngành công nghiệp đánh bắt thủy hải sản lâu đời ở Mỹ, bởi rào cản chi phí đầu tư ban đầu cao và biến đổi khí hậu làm thay đổi môi trường sống của các sinh vật biển. Khi một số quần thể cá suy giảm và ít người theo đuổi nghề buôn bán hơn, ngư dân và các nhóm bảo tồn tại Mỹ đang tích cực làm việc để thu hút và giữ chân thế hệ ngư dân tiếp theo thông qua các khoản tài trợ và đào tạo ngay cả khi ngành này tiếp tục thu hẹp ở Alaska.

Đối với những người trẻ tuổi trở thành ngư dân thương mại, nhiều người coi đây là cách kiếm tiền tốt trong thời gian ngắn, trong khi một số khác lại mong muốn duy trì ngành này lâu dài theo cách mang lại lợi ích cho cả ngư dân và nghề đánh bắt hải sản. Tuy nhiên, với những rào cản hiện hữu, ngày càng thiếu hụt ngư dân trẻ.

Bà Linda Behnken - Giám đốc điều hành Hiệp hội Ngư dân câu vàng Alaska cho biết: “Không có tương lai cho một ngành thiếu hụt nhân lực trẻ”.

Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy, độ tuổi trung bình của ngư dân ở Mỹ đã tăng 10 tuổi so với thế hệ trước lên khoảng 50 tuổi. Các cộng đồng nông thôn cũng mất 30% số người có giấy phép địa phương do quyền tiếp cận được củng cố và khiến các ngư dân mới gia nhập ngành khó khăn hơn.

Nhưng theo bà Behnken, thách thức lớn nhất là biến đổi khí hậu và tác động của nó đối với sự tồn tại lâu dài của nguồn lợi cá và ngành đánh bắt cá. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nhiệt độ đại dương ấm lên có thể khiến môi trường sống của cá kém phù hợp hơn, dẫn đến thay đổi quần thể và hệ sinh thái khác nhau, đồng thời có khả năng mất đi các loài cá có giá trị thương mại quan trọng.

Những thách thức này là rõ ràng đối với Bolich. “Tôi nghĩ rằng, những ngày vàng son của nghề đánh bắt cá đã ở phía sau chúng ta. Bây giờ là thời điểm của sự hồi phục khi cố gắng mang cá trở lại và cố gắng duy trì phương thức kiếm sống khả thi này” – Bolich chia sẻ.

Bà Marissa Wilson - Giám đốc điều hành của Hội đồng Bảo tồn biển Alaska - lưu ý, sự sụt giảm số lượng ngư dân trùng hợp với sự thu hẹp của nghề cá nói chung khi quần thể cá suy giảm và di chuyển. Chi phí ban đầu cao cũng đã ngăn cản một số người theo đuổi hoạt động đánh bắt cá thương mại.

Tại Mỹ, việc đánh bắt thủy hải sản luôn phải tuân thủ những quy định khắt khe và được kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo nguồn thủy, hải sản bền vững. Giấy phép hành nghề phải được cấp lại hàng năm, mỗi giấy phép chỉ được đặt tối đa 600 bẫy.

Nỗ lực giữ chân lao động

Theo ông Darren Platt - Thuyền trưởng tàu Agnes Sabine, một tàu đánh bắt cá hồi ở Kodiak, tập trung vào công tác đào tạo sẽ giúp ích vì việc tìm kiếm thủy thủ đoàn đáng tin cậy cho tàu thuyền là điều khó khăn.

Khi ông Platt bắt đầu điều hành con thuyền của riêng mình vào năm 2010, ông dễ tìm được lao động hơn vì tỷ lệ thất nghiệp lúc đó khá cao, nhưng khi việc làm trở nên dồi dào hơn, ông Platt nhận thấy có ít người đến Kodiak làm việc. Mất lao động, cộng với việc thiếu những ngư dân chuyên nghiệp có kinh nghiệm, khiến việc bố trí nhân sự đầy đủ trên tàu trở thành một thách thức

Ông Platt nói: “Chúng tôi cần người từ bên ngoài vào làm việc. Và thường là những sinh viên đại học hoặc những người trẻ tuổi đang tìm kiếm một cuộc phiêu lưu chứ không phải là ngư dân chuyên nghiệp”.

Giữ lại những người làm việc trên boong tàu là chìa khóa đối với ông Platt. Ông cần phải tập trung vào việc giữ cho các thành viên cảm thấy thoải mái nhất để họ có thể quay trở lại làm việc vào mùa vụ tiếp theo.

Tuy nhiên, đối với nhiều người, làm việc theo hợp đồng trên thuyền là một cách nhanh chóng để kiếm tiền và tích lũy kinh nghiệm cho một nghề nghiệp khác. Anh Sam Stern - một ngư dân làm viêc trên tàu Big Blue - dự định theo đuổi sự nghiệp kỹ sư hàng hải và làm việc trong mùa vụ này để vừa kiếm tiền đi học vừa kiếm kinh nghiệm trên biển để có được giấy phép mà anh ấy sẽ cần cho công việc đó.

“Tôi đoán những người ở độ tuổi của tôi không thực sự coi đây là một nghề lâu dài” - Stern nói và cho rằng, anh có thể kiếm tới 20.000 USD chỉ trong một mùa hè. Đó là một cách để kiếm tiền nhanh chóng.

Tuy nhiên, việc đánh bắt cá có ý nghĩa hơn thế đối với Bolich. Với tư cách là thuyền trưởng, anh phải biết làm mọi công việc trên tàu và có khả năng lãnh đạo một thủy thủ đoàn lớn tuổi hơn mình. Bolich thừa nhận, năm đầu tiên sẽ là một trải nghiệm đáng học hỏi nhưng anh không hề nản lòng.

Bolich hy vọng có thể truyền lại những gì đã học được cho thế hệ sau để ngành đánh bắt cá của Alaska có thể tiếp tục tồn tại. “Tôi muốn họ nhìn thấy tương lai ở đó chứ không chỉ là một công việc tạm thời” – Bolich chia sẻ.

Hội đồng Bảo tồn biển Alaska và Hiệp hội Ngư dân câu vàng Alaska đã tích cực vận động Quốc hội thông qua Đạo luật phát triển ngư dân trẻ, được thông qua vào tháng 1/2021. Là một phần của đạo luật đó, Văn phòng tài trợ biển của Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia đã trao khoảng 1 triệu USD trong năm nay để giúp tài trợ cho việc đào tạo và cố vấn trên tàu cho ngư dân trẻ ở Alaska.

Mai Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/do-mat-tim-ngu-dan-tre-5739824.html