Dịu 'cơn khát vốn' cho nông nghiệp, nông thôn
Tăng trưởng tín dụng nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ nền kinh tế khi tăng 5,31% so với cuối năm 2024 và chiếm 23,16% dư nợ tín dụng nền kinh tế. Điều đó đã giúp làm dịu 'cơn khát' về nguồn vốn cho lĩnh vực này.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Quang
Những con số ấn tượng
Tại buổi họp báo thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Xuân Bắc cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 6-2025 đạt 9,9%. Một số ngành có tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng trong nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, trong đó có các lĩnh vực góp phần thúc đẩy tăng trưởng, như lĩnh vực ưu tiên nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ nền kinh tế khi tăng 5,31% so với cuối năm 2024 và chiếm 23,16% dư nợ nền tín dụng nền kinh tế.
Hiện nay, tỷ trọng nông nghiệp, nông thôn trong nền kinh tế Việt Nam chiếm khoảng 11-14% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nhưng lại chiếm tỷ lệ lớn lao động và dân số, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Với nền kinh tế hiện đang dựa rất lớn vào vốn hệ thống ngân hàng, để có được số liệu tăng trưởng tín dụng ấn tượng trên là sự nỗ lực của các thành viên trong toàn ngành.
Là ngân hàng đi đầu về cho vay nông nghiệp, nông thôn, Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng cho biết, lũy kế 6 tháng đầu năm, nguồn vốn huy động của Agribank đạt trên 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 6,4% so với đầu năm, cao nhất từ năm 2021 trở lại đây, trong đó tiền gửi dân cư chiếm tỷ trọng lớn. Bên cạnh đó, dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt trên 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 7,6% so với đầu năm, cao hơn cùng kỳ năm 2024. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 1,13 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng trên 61% dư nợ nền kinh tế.
Trong khi đó, tính đến thời điểm hiện tại, tỷ trọng dư nợ dành cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của HDBank đã chiếm hơn 22% tổng dư nợ toàn hệ thống, với hơn một nửa số khách hàng đến từ khu vực nông thôn và đô thị loại II. Đáng chú ý trong tháng 6 vừa qua, HDBank và BIDV đã ký kết hợp đồng vay phụ với hạn mức tín dụng ban đầu 500 tỷ đồng, nhằm triển khai cho vay lại từ nguồn vốn quốc tế thuộc Dự án Tài chính nông thôn và Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) do Ngân hàng Thế giới (World Bank) tài trợ.
Phó Tổng Giám đốc Thường trực HDBank Trần Hoài Nam cho biết, HDBank xác định đây không chỉ là một hoạt động cho vay thông thường mà là một phần trong chiến lược phát triển bền vững, góp phần vào công cuộc tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng xanh và hiện đại.
Rộng cửa cho vay
Ngày 16-6-2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 156/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, sửa đổi Khoản 2 Điều 9 để nâng mức cho vay tối đa không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chủ trang trại để phù hợp với nhu cầu vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp của các khách hàng hiện nay.
Cụ thể, cho vay không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình tăng lên 300 triệu đồng; cho vay không có tài sản bảo đảm đối với tổ hợp tác và hộ kinh doanh được tăng lên 500 triệu đồng; cho vay không có tài sản bảo đảm đối với chủ trang trại lên 3 tỷ đồng và cho vay không có tài sản bảo đảm đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được tăng lên 5 tỷ đồng.
Cùng với đó, sửa đổi Khoản 3 Điều 9 để giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho khách hàng khi vay vốn tại các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, sửa đổi Khoản 1 Điều 12, Khoản 2, 3 Điều 13 giao Ngân hàng Nhà nước quy định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khoản nợ được giữ nguyên nhóm nợ theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP...
Những chính sách này thực sự đã khiến cánh cửa vay vốn rộng mở đối với các doanh nghiệp. Ông Hoàng Văn Long, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Biển Quỳnh (phường Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) - một doanh nghiệp chuyên cung ứng các sản phẩm thủy hải sản, chia sẻ: “Muốn làm ăn lớn, bài bản và chuyên nghiệp, doanh nghiệp chúng tôi không thể thiếu sự đồng hành của ngân hàng”.
Trong diễn biến có liên quan, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 8-3-2025 của Chính phủ và Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 1-3-2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng quy mô chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản lên khoảng trên 100.000 tỷ đồng và mở rộng phạm vi, đối tượng tham gia thành Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, ngày 15-4-2025, Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn số 2756/NHNN-TD đề nghị triển khai thực hiện Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản.
Theo đó, mở rộng phạm vi, đối tượng của Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản theo Công văn số 5631/NHNN-TD ngày 14-7-2023 của Ngân hàng Nhà nước thành Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Cụ thể, đối tượng vay vốn là khách hàng có dự án, phương án phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Chương trình được triển khai đến khi doanh số cho vay đạt 100.000 tỷ đồng...
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/diu-con-khat-von-cho-nong-nghiep-nong-thon-709944.html