Định vị làng nghề trong Cách mạng công nghiệp 4.0 - Kỳ II: Tìm giải pháp phát triển bền vững

Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đã tác động lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của làng nghề. Vì vậy, làm thế nào để các làng nghề vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội từ cuộc CMCN 4.0 là câu hỏi cần sớm có lời giải đáp.

Đa dạng hóa hoạt động xúc tiến thương mại sẽ giúp sản phẩm làng nghề có thêm thị trường mới

Định vị lại điểm xuất phát

Theo số liệu của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, tính đến cuối năm 2017, cả nước có hơn 5.400 làng nghề, trong đó, 1.748 làng nghề truyền thống được công nhận, thu hút 11 triệu lao động và mang lại kim ngạch xuất khẩu (XK) 1,7 tỷ USD/năm.

Tuy nhiên, trước bối cảnh cuộc CMCN 4.0 diễn ra sâu rộng, PGS-TS. Nguyễn Thừa Lộc – giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân – nhận định: Thách thức lớn nhất là cuộc cách mạng này làm trầm trọng hơn bức xúc vốn có của làng nghề như sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm tụt hậu, chất lượng còn thấp.

TS. Nguyễn Vi Khải – nguyên thành viên ban Nghiên cứu của Thủ tướng - khuyến nghị: Định vị lại điểm xuất phát của làng nghề Việt đang ở vị trí nào trong tiến trình từ 1,2,3, 4.0 hay là 0.4? Từ cơ sở này mới vạch ra bước đi phù hợp.

Cụ thể, tái cơ cấu làng nghề là sự thay đổi cần thiết nhằm đưa làng nghề lên một bước phát triển mới. Trình tự tái cơ cấu gồm: Tái cơ cấu sản phẩm; tái cơ cấu thị trường; tái cơ cấu tổ chức quản lý; tái cơ cấu tài chính. Đáng chú ý, muốn làng nghề tồn tại, tái cơ cấu tài chính phải thực hiện trước tiên, đảm bảo cho làng nghề có nguồn vốn. Đây là yếu tố quan trọng nhất, cũng là yếu tố khó khăn mà hơn 90% làng nghề gặp phải….

Hướng đi phù hợp

Theo ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hà Nội - trong thời kỳ bùng nổ của thương mại điện tử (TMĐT), các làng nghề không chỉ bán hàng tại cửa hàng mà còn có thể bán online. TMĐT mở ra cơ hội cho địa phương, giúp chủ thể làng nghề có thể thâm nhập vào chuỗi cung ứng và có điều kiện phát triển. Ngoài ra, các làng nghề có thể dễ dàng nắm bắt được nhu cầu của khách hàng dựa trên nền tảng phân tích dữ liệu kỹ thuật số….

TS. Vũ Tuấn Anh - chuyên gia Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP) - nhận định, trong bối cảnh CMCN 4.0, TMĐT - bán hàng xuyên biên giới sẽ là giải pháp tối ưu. Cá kho Vũ Đại sử dụng các công cụ của Google bán hàng XK là một ví dụ sinh động.

Nhằm đẩy mạnh TMĐT tại các làng nghề, ông Hoàng Đức Thân – giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế quốc dân - kiến nghị, cơ quan quản lý, hiệp hội cần xây dựng chuyên đề tuyên truyền về TMĐT để nâng cao nhận thức và hiểu biết cho doanh nghiệp, người dân tại các làng nghề. Làng nghề xuất phát từ điều kiện thực tế của mình triển khai áp dụng giai đoạn của TMĐT; xây dựng môi trường TMĐT hiện đại, đồng bộ….

Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần nhấn mạnh: Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, làng nghề vẫn có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội. Bảo tồn đi đôi với phát triển làng nghề là vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài. TMĐT phát triển tại các làng nghề sẽ là phương thức có ý nghĩa đột phá cho bảo tồn và phát triển làng nghề trong CMCN 4.0.

Thông qua TMĐT, làng nghề có thể mở rộng quan hệ với các đối tác kinh doanh, tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Định vị làng nghề trong Cách mạng công nghiệp 4.0 - Kỳ I: Loay hoay chọn hướng đi

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dinh-vi-lang-nghe-trong-cach-mang-cong-nghiep-40-ky-ii-tim-giai-phap-phat-trien-ben-vung-110911.html