Đình làng Thành phố
Đình làng Thành phố (nay là Đình Trung - thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) được xây dựng từ năm 1930 - 1932. Xưa kia, người Pháp cho nhập 2 thôn Thuận Ngãi và Thuận Tắc thuộc tổng Hòa Lạc Hạ thành một làng quy mô lớn và xây dựng như thành phố, nên người dân Gò Công xưa quen gọi là 'làng Thành phố'. Chữ Thành phố ở đây là một danh từ riêng chứ không phải là loại đô thị như hiện nay.
Thường thì đình Nam bộ đều quay mặt về hướng Nam theo hướng phong thủy, dương tính gắn với hạnh phúc và thiện lành theo quan niệm “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ”. Tuy nhiên, đình làng Thành phố lại quay mặt về hướng Bắc để nhìn thấy Nhà việc làng (khu chợ Gò Công cũ hiện nay) và để phù hợp kiến trúc và môi trường tự nhiên.
Do đình nằm giữa lòng thành phố, bốn mặt đều giáp đường nên không có khuôn viên rộng lớn, không cây cao bóng cả và không có cả cổng đình. Mặt đình quay về hướng Bắc nhưng cách bố trí ngôi đình đều quay về hướng Nam, kiến trúc khá hiện đại với các loại gỗ quý, ngôi chính điện trang trí vật dụng đầy đủ, hoa văn rực rỡ. Mặt đình chia thành 5 căn 6 cột, trang trí từng cặp liễn đối.
Các bộ của dạng song, sơn đỏ, lộng hình chữ “thọ”. Toàn thể ngôi đình là một phức hợp kiến trúc gồm 3 tòa xếp theo hướng Bắc Nam. Mỗi tòa cất theo lối 3 gian 2 chái, tòa này chồng lớp tòa kia theo hàng dọc theo thế “sắp đọi” trên mặt bằng hình “nét sổ” dọc. Các tòa lần lượt từ trước ra sau: Tòa võ ca, tòa võ quy, chánh điện và hậu sở.
Tòa võ ca là nơi tổ chức các hoạt động diễn xướng dân gian như hát bội trong nghi lễ cúng đình. Hát bội trước là để cúng thần, sau là để cho dân coi. Bên trong tòa võ ca chia thành 2 khu vực: Phần ngoài cùng từ cổng vào là hậu trường mà người dân hay gọi là buồng hát. Buồng hát có 2 cửa để đào, kép ra vào sân khấu: “Cửa sinh” ở bên trái “thần” để đi ra và ngược lại, “cửa tử” ở bên phải “thần” để đi vào theo quan niệm “sinh vi tướng, tử vi thần”, đây cũng là nơi ngủ, nghỉ của đào, kép trong đoàn hát bội. Kế đến là sân khấu khá cao và rộng rãi, đây là nơi diễn tuồng và thực hiện một số nghi thức cúng thần như: Lễ xây chầu, lễ đại bội… Từ nền võ quy bước thêm 3 bậc thang là đến nền tòa võ quy.
Tòa võ quy là trung gian nối võ ca và chánh điện. Mặt nền tòa võ quy cao bằng tòa chánh điện, nối sát tòa võ ca thành một khối kiến trúc chính của đình. Hai bên hông trái phải tòa võ quy có 2 cửa vào như là cửa chính của đình. Trên cửa có khắc 4 chữ nho sơn màu đen trên tấm ván sơn đỏ, đọc từ phải qua với nghĩa là “Đình thành phố thôn”.
Tòa võ quy là nơi để mọi người chuẩn bị lễ thần khi chưa vào chánh điện, có thể hiểu như nhà khách. Một hàng cửa phân cách với chánh điện được làm bằng gỗ quý, chắc chắn theo dạng “thượng song hạ bản”, phía trên có những chấn song con thông gió và tiện để lấy ánh sáng từ tòa võ quy vào, phía dưới là những bản gỗ phân thành ô hộc. Trang trí ở vòm cửa được chạm trổ công phu rất đẹp. Tòa võ quy không có hàng cột cái mà đâm trính kiểu nhà rường miền Trung.
Cửa sơn son gồm 5 bộ ứng với cấu trúc mỗi tòa 3 gian 2 chái, bốn hàng cột giữa và 2 cột gạch hai bên. Các bức hoành phi trang trí đều có khắc đại tư sơn son thếp vàng được đặt trên các cây xiên cột hàng nhì trước chánh điện do các bậc nho học phụng cúng. Vào tòa võ quy luôn tạo cho người ta cái cảm giác khoáng đạt, lòng lắng xuống và tâm dịu lại để vào chánh điện cúng tế.
Chánh điện là nơi quan trọng nhất của ngôi đình vì nơi đây thần linh ngự trị, đó là thần Thành Hoàng làng. Toàn bộ khu thờ bên trong như cả một triều đình thu nhỏ. Ở giữa cuối cùng là bàn thờ thần Thành Hoàng có bài vị ở long ngai. Hai bên bằng dãy là 2 bàn thờ quy mô kém hơn một chút, thờ theo trật tự ngôi vị: Tả văn ban, hữu võ ban. Hai bàn thờ tiền hiền, hậu hiền phía ngoài tựa vách ngó mặt nhau.
Khắp nơi trong đình đều chạm trổ rồng phượng bay lượn thể hiện nghệ thuật chạm trổ, khảm gỗ của những nghệ nhân dân gian vùng Gò Công. Tất cả đều được sơn son thếp vàng và bày ra như một buổi thiết triều thật sự. Đồ thờ đặt trên hương án là đồ tự khí “ngũ sự”, một lư hương lớn hay vừa là tùy theo ngôi vị thờ, lư đồng sáng bóng loáng và đốt trầm khi cúng tế.
Có một điều đặc biệt trong nghi thức trang trí vật thờ cúng trong đình làng mà không phải ai cũng biết. Con lân trên nắp lư đồng quay sang “tả” tức là “đông”. Lư hương nhà dân, thường thì con lân quay đầu sang “hữu” tức là “tây”. Một bát nhang đặt sau lư trầm, đông bình tây quả, một cái kỷ con hay còn gọi là “tam sơn” sau bát nhang đặt 3 chén rượu.
Trước hương án có chừa một khoảng trống để tế lạy và đặt bộ long đình làm bằng gỗ ván, chạm trổ, thếp vàng sơn son dùng để rước sắc trong các hội lớn của đình. Hai bên hương án có đôi hạc đứng trên lưng rùa biểu trưng cho sự trường tồn, vĩnh cửu. Bên cạnh trang trí lộng, tàn, bát kích, bát bửu (bình bầu, bút, quạt vả, ống tiêu, giỏ hoa, cây kiếm, khánh, phất trần).
Tuy nhiên, biểu tượng thiêng liêng nhất ở trung tâm thờ chánh điện là một chữ “Thần”, họa tiết sơn đen, chữ rất to, chạm nổi trên nền hồi văn, đặt trong nền khám thờ, xung quanh chạm trổ rồng phượng hoa lá, thếp vàng sơn son lộng lẫy. Chữ thần với nét sổ đứng mạnh mẽ như cột trụ, chống đỡ cả vùng Gò Công trước thiên tai, dịch bệnh.
Hậu sở phía sau chánh điện chia từ hàng cột thứ nhất, nối mái dài rộng rãi để các hương chức khánh tiết hội họp, lo việc cúng tế của đình. Ở đây có các bàn thờ hương chức quá vãng và người có công với đình đã khuất hay còn gọi là “tiền vãng, hậu vãng”.
Toàn bộ đình được lợp ngói, dưới là ngói đại thí, trên là ngói đại, thế ngói tiểu là ngói ống. Hiên ngói bốn bề cùng một mực cao, chặn đầu ngói bằng thẻ gạch men hoa văn màu xanh lá, hợp vào thế úp mở của ngói. Góc mái đình không cong, mái chỉ chiếm phân nửa chiều cao nên hình khối trông nhẹ nhàng.
Trên nóc tòa chánh điện và võ ca phía đầu hồi trang trí hình cá hóa long đầu sư tử ngó ra ngoài, dáng nhỏ đuôi vút lên không, ở giữa là 2 con rồng “lưỡng long chầu nhật” bằng sứ men màu xanh lá. Các đầu mái cong là các con rồng đá xi măng, đầu trông rõ nét và thân cách điệu theo hình chữ thọ.
Đình làng Thành phố nhận sắc do vua Bảo Đại phong năm 1930, sắc phong này hiện đang cất giữ tại đền thờ Võ Tánh (ấp Gò Tre, xã Long Thuận). Hiện đình đang thờ 3 sắc phong của 3 đình trước đây là đình thôn Thuận Ngãi (Nam) sắc phong “thượng đẳng thần”, đình thôn Thuận Tắc (Bắc) và đình thôn Long Chánh (Tây bắc) do đó đình làng Thành phố từ năm 2004 gọi là đình Trung.
Việc chăm lo thờ cúng đình do Ban phụng tự đình đảm trách. Mỗi năm vào dịp cúng lệ kỳ vào trung tuần tháng 2 âm lịch (ngày 14 - 15 - 16) các ban tổ chức họp để định nghi thức mọi việc, kể cả lo việc cúng hát nếu được một năm mưa thuận gió hòa. Mỗi năm sẽ cử một vị chánh tế và 2 vị bồi tế, các chức việc lo việc cúng kiến trong làng như: Hương lễ, hương kiểm, hương văn, hương biện… Lễ cúng thì phải có lớp có lang và nếu có hát cúng thì cũng phải theo lệ cũ.
Thời gian đã phủ rêu xanh mái ngói và có thể làm hư hao từng viên gạch, rơi rụng từng chấn song con nhưng trên góc mái đình các con rồng đá vẫn uy nghiêm, sừng sững giữa đất trời Gò Công như lời thơ của tác giả La Quốc Tiến trong bài Phố cổ Gò Công.
“Con hổ đá ngồi chờ để ngoạm mảnh trăng non”
Ths. LÊ HỒNG QUÂN
Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202103/dinh-lang-thanh-pho-922575/