Đình làng nơi chân sóng

Làng Duy Phiên, thôn Bắc Phước, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong từng là một vùng quê biệt lập với bên ngoài bởi bao quanh là bốn bề sông nước. Hàng trăm năm qua, mỗi mùa mưa bão đến, người dân thôn Bắc Phước, trong đó có người làng Duy Phiên luôn nơm nớp nỗi lo âu bởi nước lũ dâng cao, chảy xiết, cuốn trôi đê điều, tàn phá ruộng đồng, làng mạc. Trong cơn cuồng phong dữ dội ấy, đình làng Duy Phiên là nơi che chở, bảo vệ dân làng. Đình làng cũng từng là nơi nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng, là 'chứng nhân' của lịch sử và là nơi sinh hoạt chính trị, văn hóa, tín ngưỡng, hội họp bàn về những vấn đề lớn của làng...

Đình làng Duy Phiên trở thành niềm tự hào của các thế hệ con em trong làng - Ảnh: N.B

Bắc Phước là một vùng đất nằm về phía Bắc của xã Triệu Phước, được bao quanh bởi hai nhánh sông Hiếu, Thạch Hãn, có tổng diện tích khoảng 4 km2. Trước khi chưa sáp nhập thành thôn Bắc Phước, cù lao này có 3 thôn gồm: Duy Phiên, Hà La, Dương Xuân với khoảng 330 hộ dân, hơn 1.500 nhân khẩu. Trải qua bao biến thiên dâu bể, những tên làng nhỏ bé vẫn lẻ loi giữa bốn bề nước mặn với bao nỗi lo âu.

Hàng chục, hàng trăm năm về trước, cù lao Bắc Phước gắn liền với những bãi sình lầy ngập mặn, người dân nơi đây phải oằn mình gánh chịu sự khắc nghiệt của thiên tai. Đặc biệt là mùa mưa bão, dòng nước lũ từ thượng nguồn ồ ạt đổ về kết hợp với sóng biển, triều cường dâng cao khiến cù lao chìm trong biển nước. Trước sức tàn phá kinh hoàng của bão lũ, người dân Bắc Phước đã đúc kết kinh nghiệm, đắp đê, xây nền nhà thật cao để tránh bị ngập lụt.

Làng Duy Phiên nằm sát triền sông xuôi về hướng cửa biển nên từ xa xưa, nhà nhà đến mùa nắng thường gánh đất bồi đắp nền nhà, chuồng nuôi trâu, bò nhằm tránh lũ. Và đình làng Duy Phiên là nơi được người dân chung sức bồi đắp đất, đá sỏi, trở thành nơi cao nhất làng, là biểu tượng tôn nghiêm của làng.

Các cụ cao niên kể lại, làng Duy Phiên có lịch sử hình thành trên 500 năm. Cũng như bao làng quê khác, làng Duy Phiên tích tụ những nét đặc trưng của văn hóa người Việt, đồng thời cũng mang trong mình nét đặc trưng của một vùng cù lao, đa thủy tiểu điền mà tổ tiên đã khai phá hàng trăm năm trước. Hiện nay, làng có 7 họ tộc với 153 hộ dân với hơn 630 nhân khẩu.

Nói về đình làng Duy Phiên, các sổ sách xưa đều không ghi chép cụ thể và kể cả các bậc cao niên trong làng cũng không ai nhớ rõ thời gian sơ khai xây dựng đình làng. Chỉ biết trước đây, tiền nhân làng Duy Phiên đã lập ra nhiều miếu để thờ tự như: Miếu Thành hoàng, Nghè Ba Họ, miếu thờ các vị thần, các vị được triều đình phong sắc phẩm. Tuy nhiên, do chiến tranh và thiên tai hủy hoại nên phần lớn các miếu, đền thờ xưa đã không còn nguyên vẹn theo năm tháng.

Theo các nguồn tư liệu còn lưu giữ, vị trí tiền thân của đình làng Duy Phiên ngày nay vốn được các bậc tiền nhân huy động công sức con dân trong làng đắp cái nền bằng đất cao ráo để làm nơi thờ các vị tiền nhân. Hằng năm, cứ đến rằm tháng 6 âm lịch, dân làng lại tổ chức lễ cúng tế tại nơi đó. Năm 1939, đình làng được xây dựng bằng gỗ bốn mái, lợp ngói. Trong kháng chiến chống Pháp, đình bị hư hỏng nặng.

Năm 1959, ngôi đình được dân làng tái thiết bằng tường xây, hai mái ngói, ba căn có nhà ngoài và từ đường tương đối rộng, khuôn viên có bốn cây đa cổ thụ. Năm 1972, đình làng bị bom Mỹ đánh phá hư hỏng phần nhiều.

Năm 1998, đình làng được tái thiết và tổ chức khánh thành vào ngày 2/8/1998. Sau 21 năm, đình làng đã xuống cấp nên bà con dân làng có tâm niệm xây dựng ngôi đình mới khang trang hơn. Năm 2019, đình làng được khởi công xây dựng với tổng số tiền trên 3,2 tỉ đồng. Tháng 4/2021, làng Duy Phiên tổ chức khánh thành đình làng.

Theo thiết kế, khu thờ tự có ba căn, trong đó, căn giữa thờ các ngài tiền khai khẩn, căn trái thờ các ngài hậu khai canh, căn bên phải thờ bảy họ tộc của làng. Mỗi năm, ban điều hành làng đều đặn tổ chức các lễ cúng, ngày giỗ của các ngài được thờ trong đình, trong đó có lễ Tế Xuân, Tế Thu. Mỗi dịp lễ tế, ban điều hành làng luôn thực hiện các nghi lễ tri ân, bày tỏ lòng biết ơn đối với công lao của các bậc tiền nhân, đồng thời cầu mong sự bình an, tài lộc cho dân làng.

Dịp lễ tế, mỗi hộ cử ít nhất một người từ 18 tuổi trở lên đến dự, chung vui, qua đó cũng góp phần thắt chặt tình làng nghĩa xóm, đặc biệt là mỗi khi Tết đến, xuân về.

Đông đảo con em làng Duy Phiên khắp mọi miền về tham dự lễ khánh thành đình làng vào năm 2021 - Ảnh: N.B

Hàng chục năm nay, đình luôn là nơi che chở cho dân làng khi bão lũ lớn xảy ra, như các trận lũ lịch sử năm 1983, 1985, 1989. Trong khuôn viên đình có nhiều cây cổ thụ, tán lá xum xuê, lại cao ráo nên gia súc, gia cầm được người dân đưa đến đây tránh lũ. Những người già, người yếu thế, trẻ nhỏ, những hộ dân bị ngập sâu thường được đưa đến đình làng để trú bão lũ. Nhiều hộ dân còn nấu nướng, ngủ nghỉ lại đình trong những ngày lũ.

Đình không chỉ che chở dân làng trước thiên tai mà từng là nơi che chở cho cán bộ cách mạng, là nơi diễn ra nhiều cuộc họp, sinh hoạt chính trị, xã hội lớn của làng. Tháng 10/1975, trước khi di dân lên vùng kinh tế mới Lao Bảo (huyện Hướng Hóa), tại đình làng đã tổ chức cuộc họp để bàn về chủ trương di dân này. Đình làng cũng là nơi vinh danh, trao học bổng cho con em trong làng và tổ chức các hoạt động khuyến học, khuyến tài, phát động nhiều phong trào thi đua, xây dựng quê hương.

Đình làng như “chứng nhân” lịch sử, chứng kiến, dõi theo, chở che dân làng Duy Phiên tham gia các cuộc chiến chống quân Minh thời hậu Trần, thế kỷ XIV, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thế kỷ XV, cuộc tiến công của Nguyễn Huệ ra Bắc Hà cuối thế kỷ XVIII, đánh bại quân Xiêm La đầu thế kỷ XIX. Hưởng ứng và tham gia phong trào Cần Vương năm 1885, cùng các cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ sau này.

Trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, phong trào cách mạng làng Duy Phiên được gây dựng từ rất sớm, đầu những năm 1930-1940. Trong giai đoạn này, làng có tổ chức Nông hội đỏ đầu tiên của xã; nơi đầu tiên xã chọn làm điểm tựa xây dựng lực lượng kháng chiến chống Pháp những năm 1947-1948; cũng là nơi đầu tiên của xã có hầm bí mật trong kháng chiến chống Mỹ và nơi đầu tiên thành lập chính quyền mặt trận thôn tháng 6/1964.

Làng duy nhất của xã có Chi đội Thiếu niên tiền phong chống Mỹ những năm 1965-1968; là địa bàn đầu tiên lực lượng quân giải phóng trở về trong chiến dịch 1972. Đặc biệt, những năm 1955- 1960, làng Duy Phiên là cơ sở cách mạng của cơ quan lãnh đạo Tỉnh ủy. Suốt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ là cơ sở cách mạng, nơi che giấu, nuôi dưỡng nhiều cán bộ huyện ủy, đảng ủy và lực lượng cán bộ du kích hoạt động bí mật.

Chiến tranh qua đi, để lại nhiều đau thương, mất mát nhưng cũng rất đỗi tự hào khi Nhân dân làng Duy Phiên được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng Huân chương Giải phóng hạng Nhì năm 1973. Cả làng có 6 Mẹ Việt Nam anh hùng, một Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 62 liệt sĩ, 30 thương binh, bệnh binh, chiến sĩ bị tù đày, trên 100 người được Nhà nước tặng thưởng huân, huy chương các loại.

Hàng trăm năm đã trôi qua, bao nhiêu thế hệ con em làng Duy Phiên sinh ra, lớn lên, ra đi, trở về đều mang trong mình niềm tự hào về một làng quê cách mạng, hiếu học. Đóng góp cho quê hương, đất nước trong thời bình có 4 tiến sĩ, hàng trăm con em có trình độ cao đẳng, đại học, trên đại học, nhiều gương sáng doanh nhân, nhiều công dân, đảng viên điển hình trong học tập, lao động, sản xuất, kinh doanh.

Đình làng Duy Phiên không chỉ đơn thuần là nơi thờ cúng linh thiêng mà còn là không gian sinh hoạt văn hóa, tâm linh, là sợi dây gắn bó cộng đồng, là thiết chế văn hóa tín ngưỡng của dân làng. Để rồi mỗi dịp xuân về, dù ở đâu, con em dân làng đều hướng về quê hương, chăm lo xây dựng việc làng, việc nước, hội hè vui xuân, tế lễ tri ân công đức tổ tiên...

Nhơn Bốn

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-hoa-the-thao/dinh-lang-noi-chan-song/183101.htm