Đình làng Khánh Vượng cần sớm được trùng tu

Di tích đình Khánh Vượng nằm trên địa bàn thôn (làng) Khánh Vượng xã Lộc Sơn - nay là xã Hậu Lộc, mang đậm kiến trúc thời Nguyễn với nhiều mảng chạm khắc đẹp. Tuy nhiên, di tích đang có nhiều dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, cần được trùng tu kịp thời.

Di tích Đình Khánh Vượng là nơi thờ Thành hoàng làng Nguyễn Văn Ba

Di tích Đình Khánh Vượng là nơi thờ Thành hoàng làng Nguyễn Văn Ba

Đình làng Khánh Vượng được dựng vào cuối thế kỷ XIX, nằm trên thế đất cao rộng mà bằng phẳng. Khi xưa trước đình còn có sông Trà Giang chảy qua tạo nên thế “tụ thủy”. Tuy nhiên trải qua thời gian, sông Trà Giang đến nay đã bị bồi lấp, thay vào đó là xóm làng bao quanh.

Đình Khánh Vượng từng là công trình bề thế với Nghi môn cổ kính. Qua Nghi môn, sân lớn là tòa đại đình và hậu cung dựng theo kiểu chữ “Đinh”. Trong đó, tòa đại đình với kiến trúc gỗ 5 gian, 6 vì kèo gỗ, mỗi vì có 4 cột - kết cấu cân đối. Cùng với đó là hệ thống cột (cột cái, cột quân) vững chắc.

Không chỉ bề thế, đình Khánh Vượng nổi bật bởi các mảng chạm khắc gỗ. Người nghệ nhân xưa với sự tài hoa đã “thổi hồn” vào từng thớ gỗ - tô điểm, tạo nên vẻ đẹp điêu khắc vừa mềm mại, uyển chuyển, sống động mà vẫn uy nghiêm của đình Khánh Vượng.

Đình Khánh Vượng nổi bật với các mảng chạm khắc gỗ đẹp

Đình Khánh Vượng nổi bật với các mảng chạm khắc gỗ đẹp

Cũng như nhiều đình làng truyền thống, trang trí điêu khắc gỗ của đình Khánh Vượng xoay quanh đề tài “tứ linh, tứ quý”. Các mảng chạm lộng, chạm bong nhiều tầng, nhiều lớp với sự sáng tạo về hình nét làm cho hệ thống kết cấu gỗ của đình trở nên lộng lẫy và sinh động bởi những Long, Ly, Quy, Phượng, tùng, cúc, trúc, mai, hoa văn vân mây, sen, cúc cách điệu... đình làng Khánh Vượng được đánh giá là một trong những công trình kiến trúc đẹp, có giá trị.

Trải qua thời gian và những tác động, đình Khánh Vượng có nhiều dấu hiệu xuống cấp

Trải qua thời gian và những tác động, đình Khánh Vượng có nhiều dấu hiệu xuống cấp

Đình Khánh Vượng là không gian văn hóa cộng đồng, cũng đồng thời là nơi thờ Thành hoàng làng Nguyễn Văn Ba. Tương truyền, ông làm quan thời Trần - Hồ, là người đã có công lập nên làng Khánh Vượng. Không quên công ơn tiền nhân, người dân địa phương khi dựng đình đã tôn ông làm Thành hoàng làng.

Nhiều cột gỗ trong đình bị mối mọt phá hủy

Nhiều cột gỗ trong đình bị mối mọt phá hủy

Trước Cách mạng Tháng Tám và trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc, đình làng Khánh Vượng từng là nơi diễn ra nhiều hoạt động. Hậu cung đình từng là nơi cất giấu vũ khí của dân quân trong làng để chuẩn bị cho hoạt động Tổng khởi nghĩa. Còn trong kháng chiến chống Pháp, đình Khánh Vượng là căn cứ hậu phương - nơi tập kết quân đội tham gia kháng chiến; đình cũng là nơi sơ tán người dân để tránh máy bay kẻ địch ném bom bắn phá.

Qua mỗi năm, đình làng Khánh Vượng lại xuống cấp nghiêm trọng hơn

Qua mỗi năm, đình làng Khánh Vượng lại xuống cấp nghiêm trọng hơn

Trải qua thời gian và những tác động, đình làng Khánh Vượng hiện trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Dẫn chúng tôi thăm đình làng, ông Lương Bá Hùng, Bí thư chi bộ, trưởng thôn Khánh Vượng, cho biết: “Đình Khánh Vượng xuống cấp trong hơn 10 năm qua. Hệ thống cột gỗ bị mối mọt; các kẻ bẩy, rui mè mục, vỡ; mái ngói sụt... Hiện trạng đó khiến cho di tích rơi vào tình cảnh “nắng chiếu, mưa dột". Cứ qua mỗi năm, hiện trạng xuống cấp lại thêm phần trầm trọng, vô cùng xót xa”.

Toàn bộ phần mái của đình Khánh Vượng đã bị xuống cấp nghiêm trọng, khiến cho di tích trong tình trạng “nắng chiếu, mưa dột”.

Toàn bộ phần mái của đình Khánh Vượng đã bị xuống cấp nghiêm trọng, khiến cho di tích trong tình trạng “nắng chiếu, mưa dột”.

Được biết, năm 2024, bằng nguồn xã hội hóa, người dân trong làng và con em xa quê đã chung tay đóng góp kinh phí gần 200 triệu để chống xuống cấp cho đình làng. “Tuy nhiên, thực tế việc trùng tu đình cần kinh phí lớn hơn rất nhiều, trong khi đó việc huy động đóng góp của dân làng có hạn. Người dân chúng tôi mong rằng, việc trùng tu đình làng Khánh Vượng sẽ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ cả về kinh phí và chuyên môn của các cấp, ngành, để cùng với người dân chung tay giữ lại ngôi đình - giữ lại di sản trăm năm của tiền nhân” - ông Lương Bá Hùng bày tỏ.

Khánh Lộc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/dinh-lang-khanh-vuong-can-som-duoc-trung-tu-38017.htm