Điều trị gai khớp gối cho người cao tuổi

Gai khớp gối là các gai xương phát triển từ hiện tượng canxi lắng đọng dưới dạng calci pyrophosphat dihydrate (CPPD). Người bị gai khớp gối gặp nhiều khó khăn trong vận động chi dưới, gây cản trở trong sinh hoạt hằng ngày. Ở người cao tuổi, một trong các phương pháp điều trị cơ bản gai khớp gối là dùng thuốc.

Triệu chứng của gai khớp gối

Gai khớp gối chủ yếu là hệ quả của vấn đề thoái hóa khớp, viêm khớp gối mạn tính, chấn thương khớp gối... Quá trình này theo thời gian sẽ bào mòn lớp sụn khớp gối. Lúc này, cơ thể sẽ tự chữa lành bằng cách tích tụ canxi ở khớp gối, từ đó hình thành gai xương. Bệnh thường gặp ở người cao tuổi, tuổi càng cao thì nguy cơ gai khớp gối càng cao.

Tùy vào mức độ phát triển của gai xương, người bệnh sẽ có các mức độ triệu chứng khác nhau. Các triệu chứng điển hình của gai khớp gối thường là:

Đau nhức gối khi đứng lên, ngồi xuống. Đặc biệt là lúc chuyển tư thế từ ngồi xổm sang đứng lên thì khớp gối trở nên đau nhức.
Cứng khớp, khó đi lại, đặc biệt khi đi cầu thang.
Đau khi co duỗi chân,
Khớp gối sưng tấy, tê bì, mất cảm giác…

Hình ảnh gai khớp gối.

Các biện pháp điều trị gai khớp gối

Khi được chẩn đoán gai khớp gối, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp hướng dẫn dùng thuốc, vật lý trị liệu, kim siêu vi hoặc phẫu thuật khớp gối. Trong đó biện pháp dùng thuốc được sử dụng đầu tiên.

Sử dụng thuốc

Thuốc giảm đau được sử dụng đầu tiên nhằm giảm đau cho bệnh nhân. Ở giai đoạn đau nhẹ có thể sử dụng thuốc giảm đau paracetamol hoặc thuốc giảm đau không steroid như naproxen, ibuprofen… có tác dụng giảm đau do làm giảm tình trạng viêm sưng ở khớp gối.

Các thuốc không steroid mặc dù có khả năng thuyên giảm triệu chứng nhanh chóng, nhưng thuốc gây ra nhiều tác dụng phụ hơn paracetamol. Đặc biệt là nguy cơ ảnh hưởng đến dạ dày, thận và gan. Do đó, bệnh nhân chỉ dùng thuốc khi được bác sĩ kê toa. Đồng thời cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ, không tự ý tăng liều hoặc dùng thuốc kéo dài để đảm bảo hiệu quả giảm đau, kháng viêm và hạn chế nguy cơ tác dụng phụ.

Trường hợp thuốc dạng uống không đem lại hiệu quả như mong đợi hoặc gây tác dụng bất lợi trên đường tiêu hóa, bác sĩ có thể kê sang dạng kem bôi hoặc thuốc corticoid tiêm tại chỗ.

Thuốc corticoid tiêm tại chỗ có tác dụng giảm đau và sưng viêm nhanh chóng. Tuy nhiên, thuốc chỉ được dùng tối đa 2 - 3 mũi/năm và phải được tiêm tại cơ sở y tế do bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp thực hiện.

Ngoài các thuốc kê đơn, bệnh nhân có thể sử dụng một số thuốc như vitamin 3B và thuốc glucosamin hỗ trợ điều trị.

Vitamin 3B là sự kết hợp của 3 loại vitamin nhóm B gồm vitamin B1, B6 và B12. Vitamin 3B được bào chế dưới dạng thuốc viên nén, viên nang mềm, thuốc tiêm hoặc các loại thực phẩm chức năng với các hàm lượng khác nhau. Tùy nhu cầu sử dụng và tình trạng sức khỏe mà người dùng được chỉ định hàm lượng phù hợp.

Đối với người cao tuổi bị gai khớp gối, vitamin 3B có tác dụng nâng cao sức khỏe, tăng cường hoạt động của hệ thần kinh, để điều trị các chứng đau nhức.

Cần điều trị gai khớp gối theo phác đồ của bác sĩ cơ xương khớp.

Thuốc glucosamine được chỉ định dùng trong trường hợp giảm triệu chứng của thoái hóa khớp gối nhẹ và trung bình. Bởi glucosamine là một chất nội sinh, một thành phần cấu tạo của chuỗi polysaccharid của mô sụn và dịch khớp glucosaminoglycans. Khi dùng glucosamine dạng thuốc sẽ kích thích sự tổng hợp glycosaminoglycans và proteoglycan. Để có hiệu quả, thuốc nên dùng liên tục trong 2 - 3 tháng. Sau thời gian này mà triệu chứng không giảm, cần cân nhắc có nên sử dụng tiếp hay không.

Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu là phương pháp điều trị bảo tồn phổ biến khác dành cho các vấn đề liên quan đến cơ xương khớp. Người có khớp gối suy yếu và gai xương hình thành cần tập vật lý trị liệu nhằm tăng cường sức mạnh cho những nhóm cơ xung quanh đầu gối để khớp gối hoạt động dễ dàng hơn.

Phương pháp kim siêu vi

Khi các biện pháp điều trị nêu trên không còn hiệu quả, bệnh nhân cần được nhập viện để được điều trị bằng phương pháp kim siêu vi kết hợp dùng thuốc đông y để có thể loại bỏ được trực tiếp tình trạng gai khớp gối.

Sử dụng phương pháp này có thể giúp khôi phục các gân cơ đang bị tổn thương, chèn ép và giải phóng tình trạng xơ hóa, căng cứng ở các cơ. Từ đó giúp tiêu viêm, giảm đau cho người bệnh.

Phẫu thuật khớp gối

Là biện pháp cuối cùng khi bệnh nhân không đáp ứng tốt với những phương pháp điều trị bảo tồn trên. Phẫu thuật khớp gối nhằm mục đích chữa lành phần sụn khớp gối bị hư tổn và loại bỏ gai xương hình thành xung quanh.

BS.Nguyễn Quốc Cường

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dieu-tri-gai-khop-goi-cho-nguoi-cao-tuoi-169240322183328071.htm