Ngoại trưởng Hakan Fidan lần đầu tiên cho biết về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập BRICS trong chuyến thăm Trung Quốc, Ankara rất muốn có tư cách thành viên Nhóm các nền kinh tế mới nổi.
Chưa dừng lại đây, vào tuần tới, trong cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao thuộc nhóm BRICS+ tại Nizhny Novgorod, ông Hakan Fidan dự kiến cũng sẽ tham dự và đưa ra một số phát biểu quan trọng.
Giới phân tích cho rằng chuyến công tác của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tới Nga sẽ là bước đệm quan trọng để Ankara sớm trở thành thành viên của tổ chức BRICS, thậm chí ngay trong năm 2024.
Thổ Nhĩ Kỳ đã cân nhắc việc gia nhập BRICS trong năm 2024 khi Nga giữ cương vị chủ tịch khối. Nhóm các nền kinh tế mới nổi có thể trở thành sự thay thế xứng đáng cho Liên minh châu Âu.
Cần nhấn mạnh từ năm 1999, Ankara đã nỗ lực để có tư cách thành viên Liên minh châu Âu nhưng Brussels đã trì hoãn vấn đề trên vô thời hạn, điều này khiến Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra rất thất vọng, xen lẫn với cảm giác tức giận.
Mặc dù ở một mức độ nhất định, Thổ Nhĩ Kỳ được kết nối với Liên minh châu Âu bằng một thỏa thuận về thuế hải quan, nhưng trên thực tế Ankara còn lâu mới hội nhập được với EU như cách đây một phần tư thế kỷ.
Nguyên nhân chính thu hút Thổ Nhĩ Kỳ đến với BRICS là cơ hội thảo luận bình đẳng về các vấn đề chung trong khuôn khổ hiệp hội này, thay vì chỉ ở "chiếu dưới" như trong quan hệ với nhiều nước phương Tây hùng mạnh hơn.
“Chúng tôi không thể bỏ qua thực tế rằng BRICS - với tư cách là một nền tảng hợp tác quan trọng sẽ mang lại cho một số quốc gia khác một giải pháp thay thế tốt. Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng ở BRICS” - nhà ngoại giao hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan từng tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2018, khi đó người đồng cấp Nga Vladimir Putin nói rằng Ankara có thể gia nhập BRICS vào năm 2022, nhưng bây giờ mọi việc mới được xúc tiến.
Nhưng ở đây có một vấn đề phải nói tới đó là chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ đang khiến Mỹ cảm thấy không hài lòng, có thông tin cho rằng Washington đang lên kế hoạch khai trừ Ankara khỏi NATO vì nỗ lực gia nhập khối BRICS “thân Nga”.
Đây không phải lần đầu tiên ý kiến trên xuất hiện trong NATO, bởi Thổ Nhĩ Kỳ thời gian gần đây luôn tỏ ra là một thành viên "cứng đầu" và có nhiều hành động đi ngược lại lợi ích của khối.
Ngoài việc duy trì hợp tác quân sự và kinh tế với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ còn bị chỉ trích vì yêu sách chủ quyền với Hy Lạp, ngăn cản việc Thụy Điển gia nhập NATO, hay tự ý thực hiện chiến dịch quân sự tại Syria và Iraq, khiến Liên minh đối diện khả năng bị lôi kéo vào xung đột.
Mặc dù vậy hiện tại NATO vẫn chưa có quy chế khai trừ thành viên, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ rời khối nếu họ tự nguyện. Nếu muốn thực hiện ý định của mình, Mỹ cần vận động sửa đổi Hiến chương NATO - điều rất phức tạp và khó hoàn thành trong thời gian ngắn.
Bên cạnh đó, nếu Thổ Nhĩ Kỳ rời NATO, Liên minh sẽ mất đi một thành viên có vị trí chiến lược, dễ dẫn tới chia rẽ sâu sắc, thậm chí là sự sụp đổ.