Điều chuyển Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học: Cần cân nhắc kỹ

Sau đăng tải bài về 'Hàng loạt nhà khoa học phản đối việc điều chuyển Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học: Bộc lộ nhiều bất ổn trong công tác nhân sự', báo Kinh tế & Đô thị đã nhận được những phản hồi từ đội ngũ các nhà khoa học trong lĩnh vực xã hội và nhân văn. Dưới đây là những ý kiến về vấn được báo ghi lại.

Hàng loạt nhà khoa học phản đối việc điều chuyển Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học: Bộc lộ nhiều bất ổn trong công tác nhân sự

 GS.TS Nguyễn Minh Thuyết

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Điều chuyển sẽ dễ xảy ra mất ổn định

Điều chuyển GS.TS Nguyễn Văn Hiệp trong giai đoạn này là một cách làm tổ chức dở. Tại sao nhiều nhà nghiên cứu ngôn ngữ học cả trong và ngoài nước phải gửi thư đến Viện Hàn lâm Khoa học xã hội (HLKHXH) Việt Nam bày tỏ quan ngại về việc này?

Điều có thể nhận thấy ngay là sự điều chuyển này chắc chắn ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển của Viện Ngôn ngữ học, ảnh hưởng đến sự hợp tác của Viện với cộng đồng ngôn ngữ học ở trong nước và nước ngoài.

Viện Ngôn ngữ học là viện đầu ngành, nếu Viện có sự xáo trộn thì nó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của ngành nói chung. GS.TS Nguyễn Văn Hiệp là người có tâm và có tầm. Điều chuyển Viện trưởng trong khi chưa kịp bồi dưỡng người thay thế là một cách làm tổ chức dở, Viện Ngôn ngữ học dễ xảy ra mất ổn định.

GS.TS Nguyễn Văn Lợi - nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học: Tùy tiện trong sử dụng cán bộ đầu ngành

 GS.TS Nguyễn Văn Lợi

GS.TS Nguyễn Văn Lợi

Viện HLKHXH Việt Nam cần thấm nhuần yêu cầu của Đảng, Nhà nước về tầm quan trọng của công tác tổ chức cán bộ và lời dạy của tiền nhân; “Dụng nhân như dụng mộc”. Câu chuyện điều chuyển GS.TS Nguyễn Văn Hiệp phản ánh cách làm việc tùy tiện trong sử dụng cán bộ khoa học, nhất là cán bộ đầu ngành của Viện HLKHXH Việt Nam. Tùy tiện, thiếu thận trọng là nguyên nhân dẫn đến nhiều hậu quả không hay trong hoạt động khoa học của các viện chuyên ngành thuộc Viện HLKHXH Việt Nam.

Viện Ngôn ngữ học có lịch sử hơn 50 năm với rất nhiều thành quả đóng góp của nhiều thế hệ các nhà khoa học. Viện hiện đang đi đúng hướng: Nghiên cứu giải quyết những vấn đề còn yếu về lý thuyết và thực tiễn về tiếng Việt, ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Viện đang hướng đến hòa nhập quốc tế, tổ chức nhiều hội thảo quốc tế, hợp tác với các tổ chức và các nhà khoa học có uy tín quốc tế.

Cá nhân GS.TS Nguyễn Văn Hiệp là người có tâm và có tầm, như đánh giá của giới ngôn ngữ học trong nước cũng như quốc tế, hiện đang gánh nhiều trọng trách: Chủ nhiệm 1 đề tài cấp Nhà nước mang tính tổng kết và tổng hợp kết quả của 7 đề tài Nhà nước - với tổng kinh phí lên đến gần 30 tỷ đồng; Quản lý kinh phí 5 đề tài cấp Nhà nước; đang chuẩn bị Hội nghị Khoa học quốc tế vào tháng 9/2020... vì vậy không nên “thay ngựa giữa dòng”.

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm - nguyên Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học: Cần tạo môi trường lành mạnh cho nhà khoa học cống hiến

 GS.TSKH Trần Ngọc Thêm

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm

Cần tạo môi trường lành mạnh cho các nhà khoa học có điều kiện cống hiến tốt nhất trí tuệ cho sự phồn vinh, phát triển bền vững của đất nước. Để làm được điều đó cần thực hiện ba việc.

Thứ nhất, đơn giản là không cần làm gì cả, cứ để cho các nhà khoa học tiếp tục công việc của mình nếu nó đang tiến triển tốt – đây chính là “Vô vi nhi vô bất vi” (không làm nhưng không có gì là không làm) theo cách nói của Lão Tử.

Thứ hai, có thể sàng lọc những người hoạt động không hiệu quả, loại trừ những nhân tố cản trở sự phát triển chung (nếu có).

Thứ ba là làm những gì có thể để tạo điều kiện giúp cho công việc chung phát triển tốt hơn, đạt hiệu quả cao hơn nữa, khuyến khích và ủng hộ các nhà khoa học chân chính. Ba việc đó là ba mức độ, không nhất thiết phải làm đủ cả ba nhưng nhất thiết không thể bỏ qua việc thứ nhất vì đó là mức tối thiểu.

PV

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/dieu-chuyen-vien-truong-vien-ngon-ngu-hoc-can-can-nhac-ky-381985.html