Điều cần chú ý khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng

Con gái tôi vừa được chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng. Tôi nên chăm sóc cháu như thế nào để nhanh khỏi và phòng ngừa biến chứng?

Con gái tôi vừa được chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng. Tôi nên chăm sóc cháu như thế nào để nhanh khỏi và phòng ngừa biến chứng?

Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh (NHS)

Tay chân miệng là bệnh phổ biến, gây loét miệng và nổi mụn nước ở tay, chân. Bệnh này thường gặp nhất ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 10 tuổi. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến trẻ lớn và người lớn.

Các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng có thể bao gồm:

Tăng thân nhiệt (sốt)
Cảm thấy không khỏe
Chán ăn
Ho
Đau bụng
Đau họng và miệng

Sau 1-2 ngày, các đốm đỏ xuất hiện trên lưỡi và bên trong miệng. Những vết loét này nhanh chóng lan rộng, có màu vàng xám với viền màu đỏ. Chúng gây đau và khiến trẻ khó ăn uống và nuốt. Các vết loét sẽ tự khỏi trong vòng một tuần.

Ngay sau khi vết loét miệng xuất hiện, bạn có thể thấy phát ban gồm những đốm đỏ nhỏ, nổi trên da. Phát ban thường xảy ra ở ngón tay, mu bàn tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, háng. Các đốm này sau đó có thể biến thành mụn nước nhỏ có tâm màu xám. Các nốt ban và mụn nước đôi khi gây ngứa hoặc khó chịu và thường kéo dài tới 10 ngày.

Điều cha mẹ nên làm khi trẻ bị tay chân miệng:

Cho trẻ nghỉ học cho đến khi khỏi hẳn
Dùng thuốc không kê đơn như Paracetamol hoặc Ibuprofen để giảm sốt và giảm đau do lở miệng ở trẻ. Tuyệt đối không cho trẻ dưới 12 tuổi dùng Aspirin
Cho trẻ uống nhiều chất lỏng như nước lọc, sữa, nước ép táo... Nếu trẻ dưới một tuổi, hãy cho trẻ bú nhiều sữa mẹ, sữa công thức hoặc cả hai
Cho bé ăn thức ăn mềm, dễ nuốt như sữa chua
Tránh để trẻ uống đồ uống có tính axit, như nước ép trái cây họ cam quýt và đồ uống có ga vì chúng có thể gây kích ứng miệng và vết loét ở cổ họng
Không cho trẻ ăn thức ăn cay nóng hoặc mặn
Đừng cố gắng làm vỡ các mụn nước. Điều này làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng da và lây lan virus
Đối với trẻ biết súc miệng mà không nuốt, có thể pha nước muối ấm để súc họng 2-3 lần giảm đau họng
Thường xuyên khử trùng mọi bề mặt hoặc đồ vật, giặt chăn ga, gối hoặc quần áo của trẻ bằng nước nóng
Khuyến khích trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước
Để riêng cốc, đồ dùng, khăn tắm và quần áo của trẻ

Khi nào cần đưa trẻ đi khám?

Cha mẹ nên đưa con đi khám nếu trẻ:

Không uống được nhiều nước và bạn lo lắng rằng chúng bị mất nước
Sốt kéo dài hơn 3 ngày
Da đau, đỏ, sưng và nóng hoặc có dịch mủ chảy ra
Có hệ thống miễn dịch kém
Có triệu chứng nghiêm trọng như co giật, lú lẫn, yếu hoặc mất ý thức
Có các triệu chứng không cải thiện sau 10 ngày
Rất nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi.

Độc giả Thành Đạt

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/dieu-can-chu-y-khi-cham-soc-tre-bi-tay-chan-mieng-post1570069.html