Kỳ 1: Sau ngày biết điểm thi và những vết 'nứt' đầu đời

Sau ngày biết điểm thi, có thí sinh bật khóc vì hạnh phúc, có em lặng lẽ gục đầu vì hụt hẫng. Dưới mỗi con số là một thế giới cảm xúc – nơi những vết nứt đầu đời không làm các em yếu đuối, mà có thể trở thành nơi ánh sáng chiếu vào.

Có những vết nứt không cần che giấu

Khi điểm thi THPT được công bố, từng nhịp tim tuổi mười tám như chùng xuống rồi dồn dập. Có em reo lên trong hạnh phúc, có em bật khóc nức nở ngay trước màn hình. Sau ngày biết điểm, mỗi học sinh mang trong mình một thế giới riêng – với kỳ vọng, nuối tiếc và những điều chưa kịp nói ra.

Tôi nhớ câu chuyện “Chiếc bình nứt” trong chương trình Quà tặng cuộc sống: Một người gánh nước thuê dùng hai chiếc bình – một lành lặn, một bị nứt. Chiếc bình nứt từng thấy mình vô dụng vì làm rò rỉ nước. Nhưng ông lão hiền hậu đã gieo hoa bên đường, nhờ nước từ chiếc bình ấy tưới mát mỗi ngày. Những bông hoa nở rực rỡ – và chiếc bình nứt lần đầu tiên thấy mình có giá trị.

Câu chuyện giản dị ấy, giờ đây lại rất gần gũi với những học sinh vừa trải qua kỳ thi. Có em thấy mình như chiếc bình rạn vỡ – chưa đủ tốt, chưa đúng kỳ vọng. Nhưng dù điểm cao hay thấp, mỗi em đều xứng đáng được công nhận – vì hành trình ba năm không bỏ cuộc, vì những nỗ lực của chính bản thân mình.

Hạnh phúc vỡ òa từ một con điểm

Lê Minh Sơn – học sinh lớp 12 Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành – vẫn còn nguyên cảm giác sung sướng khi con số 9,5 điểm hiện lên ở cột Ngữ văn. Giây phút đó, cậu nhìn lại vào chồng tài liệu ôn tập rồi xúc động. Không phải vì bất ngờ, mà vì mọi công sức từng bỏ ra, giờ đây đã đạt kết quả.

“Em thích Văn và Tiếng Anh từ lớp 10. Em không giỏi đều các môn, nhưng môn này là thứ em thực sự muốn theo đuổi. Mỗi bài em làm, đều viết rất cẩn thận, có đoạn sửa đi sửa lại đến ba lần. Có hôm 1 giờ sáng vẫn ngồi kiểm tra lại bài, gạch xóa từng câu, đọc lại đến từng dấu chấm. Em không muốn làm sơ sài vì cảm thấy… Văn là thứ cho mình cơ hội được sống thêm một cuộc đời khác.”

Người đầu tiên Sơn chia sẻ điểm thi là mẹ. Mẹ cười và nói: “Chúc mừng con trai. Mẹ biết con sẽ làm được.” Khoảnh khắc ấy, mọi cảm xúc trong Sơn như niềm vui, niềm biết ơn, và cảm giác nhẹ nhõm khi những nỗ lực không bị bỏ quên. Cậu tin, điểm số này không chỉ là thành tích cá nhân, mà là món quà tinh thần dành cho bố mẹ, cho những đêm học khuya, cho chính cậu – của một chặng đường dài, rất dài.

Nỗi buồn của những điều tưởng như rất chắc chắn

Trong khi đó, Trần Đăng Minh A (tên đã thay đổi theo đề nghị của nhân vật) lại trải qua một buổi sáng trái ngược hoàn toàn. Toán – môn em từng tin tưởng sẽ làm tốt – chỉ đạt 6,6 điểm. “Em ôn hàng chục đề, đề nào em cũng đạt 8+. Các lần thi thử có lần gần 9. Em nghĩ Toán sẽ gỡ điểm cho em.” Nhưng khi mở điểm, em thật sự thất vọng và cũng không biết làm gì tiếp theo.

Còn Tiếng Anh – môn Minh A từng tin là thế mạnh – lại chỉ đạt 5,75. “Em ôn hơn 60 đề. Mỗi ngày luyện 1 – 2 đề. Nhưng đến khi cầm đề thi thật, em bị hoảng. Câu đầu làm được thì còn tự tin. Nhưng đến câu thứ mười mấy thì em bắt đầu thấy rối. Tay run, đầu trống rỗng. Câu dễ cũng sai vì không dò lại. Câu khó thì làm không kịp. Khi nộp bài, em biết chắc là mình không ổn.”

Môn Lý – từng nghĩ là “nguy cơ lớn nhất” – lại đạt 8,5. Nhưng điểm sáng ấy cũng không đủ xoa dịu nỗi thất vọng. Em tắt máy tính. Không nói với ai. Không nhắn tin. Không khóc, nhưng thấy mình như rơi vào khoảng trống.

“Em thấy mình sai, nhưng không biết sai chỗ nào. Em đã ôn tập rất kỹ lưỡng và sức hết mình. Em ghét cái cảm giác không hiểu được mọi thứ. Em cứ nghĩ mãi: giá như bình tĩnh hơn, giá như...”

Những giọt nước mắt phía sau màn hình điểm số

Nguyễn N.L (tên đã thay đổi theo đề nghị của nhân vật) đọc điểm xong thì bật khóc. Không thành tiếng, nhưng nức nở. Toán 3,85. Tiếng Anh 2,0. Em không thể tin được. Cũng không dám tin. Mọi thứ như chệch khỏi đường ray. Mọi điều em từng nghĩ là mình làm được, nay tan biến trong vài con số.

Em không mở điện thoại. Không muốn trả lời ai. Bạn bè nhắn tin hỏi điểm, em cũng không muốn chia sẻ, cũng không muốn nghe những lời an ủi gượng ép. Trong đầu em, chỉ còn một câu lặp đi lặp lại: “Tại sao mình lại làm như thế?”

Nhưng giữa khoảng lặng đó, có một điều vẫn tồn tại, mẹ vẫn luôn bên cạnh em: “Điểm thấp thì sao? Con vẫn là con của mẹ. Còn con là còn tất cả.”

Kỳ tiếp theo: Con có quyền được sai.

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/ky-1-sau-ngay-biet-diem-thi-va-nhung-vet-nut-dau-doi-post1762046.tpo