Diện mạo 'siêu cầu cạn' tương lai của Thái Lan, cạnh tranh với Eo biển Malacca

Ý tưởng về một cây cầu cạn vắt ngang Bán đảo Mã Lai, cạnh tranh với Eo biển Malacca lại đang dậy sóng.

Trong chuyến thăm Mỹ để dự Hội nghị cấp cao APEC, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã chia sẻ với các nhà đầu tư ở San Francisco nhiều thông tin về dự án mang tên “Land Bridge”. Theo đó, dự án sẽ giúp cắt giảm đáng kể thời gian đi lại giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương trung bình khoảng 4 ngày và giảm 15% chi phí vận chuyển. Dường như chính quyền Thái Lan hiện nay đang đặt nhiều kỳ vọng vào dự án hàng chục tỷ USD này.

Khi nhìn vào bản đồ thế giới, đất nước Thái Lan hiện lên giống hình ảnh của một chú voi con, với “chiếc vòi” là bán đảo Malaysia trải dài về phía Nam. Phần diện tích hẹp nhất trên bán đảo là eo đất Kra chỉ có chiều ngang khoảng 44 km, nằm giữa Vịnh Thái Lan ở phía Đông và Biển Andaman ở phía Tây. Việc xây một tuyến đường vận tải từ Đông sang Tây đi qua eo đất Kra được kỳ vọng sẽ rút ngắn khoảng 1.200 km quãng đường mà các tàu hàng phải di chuyển để vận chuyển hàng hóa giữa các khu vực Trung Đông và châu Âu sang Đông Á. Hiện tại, lựa chọn duy nhất dành cho các tàu hàng là hướng về phía Nam, đi qua eo biển Malacca.

Trong năm 2016, khoảng 19 triệu thùng dầu thô đã được vận chuyển qua Eo biển Malacca mỗi ngày, 16 triệu thùng trong số đó được vận chuyển đến các nước Thái Bình Dương, đặc biệt là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ý tưởng về một cây cầu đất liền ở Thái Lan, một tuyến đường vận tải băng qua Bán đảo Mã Lai để kết nối các cảng ở hai bên, thay thế Eo biển Malacca, đang nóng trở lại tại Thái Lan với kỳ vọng tuyến đường này sẽ mở ra cơ hội đưa Thái Lan một lần nữa quay lại vị thế “con hổ kinh tế” của Đông Nam Á.

Vì sao Thái Lan chọn theo đuổi dự án Land Bridge?

Đến thời điểm hiện tại, Thái Lan đang theo đuổi dự án Land Bridge (cầu cạn) thay vì kênh đào Kra ở Eo đất Kra nằm trên Bán đảo Mã Lai.

Dự án Kênh đào Kra hoặc kênh đào Eo đất Kra, là một dự án đề xuất đào một con kênh lớn qua dải đất hẹp thuộc miền Nam Thái Lan để giúp cải thiện giao thông trong khu vực, tương tự như Kênh đào Suez và Kênh đào Panama. Ý tưởng này xuất hiện tại Thái Lan từ thế kỷ 17 nhưng tính khả thi là không cao. Kênh đào Kra theo kế hoạch có chiều dài kênh là 100 km, và nếu được hoàn thành, sẽ là kênh đào nhân tạo lớn nhất châu Á, rút ngắn con đường từ Thái Bình Dương tới Ấn Độ Dương khoảng 1.200 km.

Hình ảnh vị trí dự án "siêu cầu cạn" Land Bridge của Thái Lan. Nguồn: Nikkei Asia

Việc xây dựng một con kênh là cực kỳ đắt đỏ, trong khi đó, việc kết nối vùng biển Vịnh Thái Lan (thuộc Thái Bình Dương) và Biển Andaman (thuộc Ấn Độ Dương) là rất khó về mặt kỹ thuật bởi vùng nước hai bên chênh lệch nhau đến vài mét về độ cao. Bên cạnh đó, những bất ổn an ninh tại khu vực cực Nam Thái Lan giáp với Malaysia trong nhiều thập kỷ cũng là vấn đề cần cân nhắc. Thêm nữa, nhiều lý do phản đối cho rằng việc đào một con kênh khiến đất nước bị chia thành 2 phần về mặt kỹ thuật có thể vi phạm Hiến pháp Thái Lan, vốn khẳng định "Thái Lan là một Vương quốc thống nhất và không thể bị chia cắt".

Chính vì thế, Thái Lan nghiêng về phương án xây dựng một cây cầu trên cạn, nối liền các cảng biển nước sâu ở hai bên, thay vì đào kênh. Đây là lựa chọn dễ dàng hơn về mặt xây dựng, đồng thời có mức chi phí phải chăng hơn.

Dự án “cầu cạn” lần đầu tiên được đề cập vào năm 1989, là bộ phận chiến lược thuộc Hành lang kinh tế phía Nam của Thái Lan (Southern Economic Corridor), gồm các tỉnh Chumphon, Ranong, Surat-thani và Nakhon-Si-Thammarat. Tuy nhiên, trải qua nhiều năm, dự án vẫn chỉ dừng ở ý tưởng và kế hoạch do những lo ngại về chi phí và tác động môi trường. Kể từ năm 2019, Chính phủ của cựu Thủ tướng Prayuth-Chan-o-cha đã thể hiện quyết tâm thúc đẩy dự án, chỉ đạo Bộ Giao thông tiến hành nghiên cứu tiền khả thi và đánh giá các tác động môi trường. Các nghiên cứu này đã bước đầu được đệ trình lên Nội các của Chính phủ Thủ tướng Srettha Thavisin vào tháng 9 vừa qua.

Diện mạo và hoạt động của siêu dự án Land Bridge

Chính phủ Thái Lan đã có một thời gian nghiên cứu về tính khả thi của việc xây dựng một cây cầu cạn Land Bridge.

Nhân chuyến thăm Mỹ và tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2023, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin hôm 13/11 đã chủ trì buổi quảng bá siêu dự án “cầu cạn - Land Bridge” với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 1.400 tỷ baht (gần 40 tỷ USD).

Siêu dự án cầu cạn này của Thái Lan gồm 4 hạng mục chính. Hạng mục thứ nhất là xây dựng 2 cảng biển nước sâu: 1 cảng ở bờ biển phía đông dự kiến được xây dựng tại mũi Riew ở Vịnh Thái Lan thuộc tỉnh Chumphon, 1 cảng ở bờ biển phía Tây dự kiến được xây dựng ở mũi Ao-ang ở biển Andaman thuộc tỉnh Ranong. Theo dự toán, chi phí xây dựng 2 cảng biển này sẽ khoảng 630 tỷ baht (gần 18 tỷ USD). Công suất thiết kế của cảng Ao-ang là 19,4 triệu TEU và cảng Riew là 13,8 triệu TEU, đồng thời 2 cảng này có thể nâng cấp để tiếp nhận 20 triệu TEU/cảng.

Thủ tướng Thái Lan quảng bá dự án bên lề APEC

Hạng mục thứ hai của dự án là xây dựng tuyến đường cao tốc và đường sắt đôi tốc độ cao kết nối vận tải 2 cảng biển trên với chiều dài toàn tuyến khoảng 90 km. Chi phí xây dựng hạng mục này là khoảng 220 tỷ baht (6,2 tỷ USD). Hạng mục thứ ba là phát triển hệ thống vận chuyển hàng hóa giữa 2 cảng, với chi phí dự toán là 140 tỷ baht (4 tỷ USD).

Cuối cùng, dự án còn dự kiến xây dựng 1 đường ống dẫn dầu khí xuyên qua 2 tỉnh này, theo mong muốn từ các nhà đầu tư từ Saudi Arabia và Trung Quốc, để chuyển dầu qua Thái Lan tới các nước ASEAN. Tuy nhiên, chính phủ Thái Lan vẫn đang tính toán tính khả thi của hạng mục thứ tư này trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Một khi dự án cầu cạn đi vào hoạt động, lĩnh vực dịch vụ được dự báo sẽ có mức tăng trưởng doanh thu cao nhất, tiếp theo là lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp, với lợi ích kinh tế sẽ được phân bổ chủ yếu ở bốn tỉnh Ranong, Chumphon, Nakhon Si Thammarat và Surat Thani thuộc miền Nam Thái Lan.

Về tiềm năng nâng cao năng lực cạnh tranh với nước ngoài, dự án Land Bridge dự kiến sẽ thu hút 15-20% thị phần kinh tế từ Singapore và Malaysia, dựa trên giá trị vận tải hậu cần mà dự án này có thể mang lại.

Kỳ vọng của chính phủ Thái Lan

Với các hạng mục như đã đề cập, siêu dự án “cầu cạn” của Thái Lan sẽ cần khoản đầu tư ít nhất 1.000 tỷ baht (27,44 tỷ USD). Bên cạnh đó, việc hoàn thiện và nâng cấp, mở rộng dự án theo đề xuất của các nhà đầu tư có thể đẩy nguồn vốn đầu tư cho dự án này lên 1.400 tỷ baht (40 tỷ USD).

Chính phủ Thái Lan cho biết dự án sẽ được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Theo đó, chính phủ sẽ hỗ trợ giải phóng mặt bằng, còn việc phát triển tất cả các hạng mục sẽ do các nhà đầu tư tiến hành. Các nhà đầu tư sẽ được trao quyền vận hành khai thác trong 50 năm và một nhà đầu tư được phép nắm hơn 50% cổ phần trong liên doanh đấu thầu.

Cầu cạn Thái Lan - Tuyến đường vận tải mới nối các cảng Ranong và Chumphon ở miền Nam Thái Lan. Ảnh: Bangkok Post

Về lộ trình, chính phủ Thái Lan dự kiến chia dự án thực hiện theo 4 giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2040, trong đó giai đoạn đầu tiên sẽ là giai đoạn quan trọng nhất, được triển khai từ năm 2025 đến năm 2030. Các giai đoạn tiếp theo sẽ được thực hiện từ năm 2030-2040, hoàn thành toàn bộ dự án và đạt công suất tối đa là 40 triệu TEU vào năm 2039.

Thủ tướng Thái Lan khẳng định siêu dự án “cầu cạn” sẽ là tuyến vận tải bổ sung, hỗ trợ tăng trưởng cho thương mại quốc tế. Đây cũng là giải pháp quan trọng cho các vấn đề ở Eo biển Malacca hiện nay (nơi 1/4 khối lượng hàng hóa thế giới đi qua) như tình trạng tắc nghẽn và tai nạn hàng hải hay nạn cướp biển.

Chính phủ mới ở Thái Lan cũng khẳng định sẽ tập trung các nguồn lực để thúc đẩy siêu dự án “cầu cạn” với kỳ vọng đưa Thái Lan trở thành trung tâm giao thông và hậu cần hàng hải hàng đầu châu Á. Dự án này kỳ vọng sẽ tạo ra khoảng 280.000 việc làm ở các tỉnh phía Nam Thái Lan và thúc đẩy kinh tế Thái Lan tăng trưởng ở mức 5,5% trong dài hạn.

Ngọc Diệp/VOV-Bangkok

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/ho-so/dien-mao-sieu-cau-can-tuong-lai-cua-thai-lan-canh-tranh-voi-eo-bien-malacca-post1059552.vov