Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022: Khi nguồn lực hạn chế cần có trọng tâm ưu tiên
Tại phiên toàn thể và tọa đàm cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022, phóng viên TTXVN đã ghi nhận nhiều ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp về khả năng phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh; những khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp nhận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhất là Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
* Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường: Khi nguồn lực hạn chế cần có trọng tâm ưu tiên
Cuối năm 2021 và 8 tháng năm 2022 là giai đoạn phát triển tốt cho doanh nghiệp và ngành dệt may cũng đã tận dụng tốt cơ hội này. 8 tháng năm 2022, ngành dệt may Việt Nam đã đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 31,2 tỷ USD, tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua.
Tuy nhiên, đến nay, những dư địa chính sách Việt Nam thực hiện sớm, đem lại lợi ích cho ngành dệt may và các ngành xuất khẩu khác đã được các quốc gia khác áp dụng. Trong khi đó, thị trường thế giới diễn ra một xu thế ngược lại, tức là đột nhiên trở nên “lạnh”. Cầu của thế giới giảm mạnh do kinh tế thế giới suy thoái, biểu hiện suy thoái, lạm phát cao. Nếu trong 8 tháng năm 2022, bình quân mỗi tháng xuất được 3,7 - 3,8 tỷ USD, dự kiến 4 tháng cuối năm chỉ xuất được khoảng 3,1 - 3,2 tỷ USD.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam kiến nghị, về cách tiếp cận chính sách trong giai đoạn tới để bảo đảm phát triển của ngành sử dụng nhiều lao động. Theo đó, khi nguồn lực hạn chế cần có trọng tâm ưu tiên. Đối với ngành xuất khẩu phải xuất phát từ hai điểm là thặng dư đem lại xuất siêu cho Việt Nam; khả năng sử dụng lao động và khả năng dẫn đạo để đưa tỷ lệ nội địa cao, tức là phục hồi đơn vị xuất khẩu nhưng kéo theo nhiều đơn vị trong nước khác cũng được phục hồi.
Trong ngắn hạn, ngành dệt may đang gặp một số khó khăn trong việc sử dụng nguyên liệu nhập khẩu. Theo đó, khi nhập khẩu làm hàng gia công được miễn thuế, nhưng nếu mua hàng hóa trong nước vừa phải nộp thuế VAT, vừa phải chuẩn bị thuế nhập khẩu (bao giờ xuất khẩu mới được hoàn). Thực tế, 6 tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng tốt lên tới 9,3%, vay được vốn, nhưng tháng 7, 8 tăng trưởng tín dụng ở mức 0,6%. Doanh nghiệp tiếp cận vốn rất khó, không vay được tiền để mua nguyên liệu.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam đề nghị, đối với việc mua hàng trong nước để làm xuất khẩu, hậu kiểm không cần nộp trước thuế VAT và thuế nhập khẩu để tăng cường khả năng tiêu thụ hàng hóa nội địa. Đối với những ngành hàng còn có đơn hàng, room tín dụng đối với vay ngắn hạn rất quan trọng để doanh nghiệp có thể duy trì, trong khi hiện nay tất cả các khách hàng trên thế giới đều giãn thời gian trả tiền từ 90 ngày lên 120 - 150 ngày…
* Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty WinCommerce, Tập đoàn Masan Nguyễn Thị Phương: Cân nhắc tiếp tục giảm giá xăng dầu, thuế VAT
Quy mô thị trường bán lẻ tại Việt Nam hiện chiếm 175 tỷ USD, dự báo đến năm 2025 đạt mức 350 tỷ USD, đóng góp khoảng 60% vào GDP cả nước. Tuy nhiên, hiện đóng góp của thị trường bán lẻ chỉ khoảng 18,5%, trong khi đó tại các nước lân cận trong khu vực có tỷ lệ cao hơn nhiều, như Singapore 81%, Malayisa 50%, Thái Lan 48%, Indonesia 25%. Điều này cho thấy dư địa cho thị trường bán lẻ tại Việt Nam rất lớn.
Tuy vậy, biến động của đại dịch COVID-19 và xung đột địa chính trị thế giới khiến giá cả hàng hóa mặt hàng tăng lên cao, có mặt hàng 50% so với thời điểm trước đó. Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời áp dụng các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp, như giảm giá xăng dầu cũng như giảm thuế VAT. Nhờ đó, từ tháng 9, Tập đoàn Masan đã ghi nhận tăng trưởng về doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh từng bước cải thiện.
Tới đây, Tập đoàn Masan mong muốn Quốc hội, Chính phủ tiếp tục hỗ trợ giảm giá xăng dầu cũng như giảm thuế VAT để phục hồi và phát triển hoạt động kinh doanh, đồng thời kiềm chế đà tăng giá của sản phẩm, hướng tới giữ lạm phát trong hạn mức đề ra.
*Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Nguyễn Hải Minh: Chuyển đổi tư duy nguồn lực theo số lượng sang chất lượng cao
Thời gian qua, tình hình thế giới đối mặt với nhiều biến động như xung đột Nga - Ukraine, chính sách COVID-19 của Trung Quốc, vấn đề lạm phát, chi phí năng lượng toàn cầu tăng cao.
Khảo sát mới nhất cho thấy, niềm tin của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam dù sụt giảm so với quý trước nhưng vẫn ghi nhận của các yếu tố nội tại của Việt Nam ổn định; trong đó, Việt Nam đang đứng trước thời cơ lớn để có thể thu hút đầu tư nước ngoài, tăng cường thương mại với các nền kinh tế lớn.
Song vấn đề đặt ra là Việt Nam phải mở cửa ngay lập tức và nhiều hơn nữa mới có thể nắm bắt được cơ hội này. Ví dự như tạo ra hạ tầng xanh gồm cả lĩnh vực năng lượng, logicstics, cảng biển… để sẵn sàng thu hút các nhà đầu tư. Đây là điều kiện bắt buộc, đặc biệt đối với nhà đầu tư thế hệ mới và chất lượng cao, nhà đầu tư châu Âu.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục cải cách hành chính để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và vị thể của Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu từ nước ngoài.
Song song đó, đây là thời điểm Việt Nam cần chuyển đổi tư duy về nguồn nhân lực, từ số lượng, giá rẻ sang nguồn nhân lực chất lượng cao. Một phần bảo đảm các yêu cầu các nhà đầu tư thế hệ mới, một phần thay đổi chiến lược đầu tư tại Việt Nam, thu hút đầu tư nhiều vào công nghệ, giảm mức sử dụng lao động về số lượng.
Hiện nay, nhu cầu về lao động chất lượng cao của nhà đầu tư châu Âu rất lớn nhưng thị trường Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được. Điêu này đặt ra vấn đề đầu tư phát triển nguồn lực cần sự phối hợp của khối công và tư; theo đó, bắt buộc phải có hành lang pháp lý rộng mở hơn để doanh nghiệp tự đào tạo cho chính mình và cho cả xã hội.
* Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) Nguyễn Quốc Hiệp: Nghịch lý giải ngân đầu tư công dù tiền có dư, năng lực có thừa
Trong cơ cấu nền kinh tế hiện nay, ngành xây dựng và cụ thể doanh nghiệp xây dựng đóng góp khoảng 20% vào GDP cả nước. Năng lực của doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng ngành càng hoàn thiện. Vậy con số 34% giải ngân vốn đầu tư công trong 8 tháng qua gần như là nghịch lý, thậm chí tiền có dư. Vấn đề ở đây là vướng mắc về thủ tục đầu tư và thanh toán.
Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã vào cuộc khá quyết liệt. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Giao thông Vận tải có cơ chế chỉ định thầu, với gói thầu trên 3.000 tỷ nhưng số nhà thầu Việt Nam có thể thực hiện được các tiêu chí để thực hiện cơ chế chỉ định thầu cũng không quá được 50 nhà thầu.
Như vậy, gói thầu có khá nhiều nhưng lượng nhà thầu đạt được tiêu chí cũng không nhiều. Các thủ tục thanh quyết toán và các bước thực hiện các thủ tục đầu tư vẫn ồng kềnh mà chưa có cơ chế, quy trách nhiệm cụ thể cho từng khu vực, từng công đoạn.
Khó khăn nữa đối các nhà thầu xây dựng Việt Nam đang gặp phải như thiếu định mức chuyên ngành giao thông; đơn giá lạc hậu, bất cập, có những cái đơn giá đưa ra chỉ bằng 1/3 so với thực tế thực hiện. Từ đó, các nhà thầu có tâm lý e ngại không muốn nhận các gói đầu tư công, bởi khi bóc tách đơn giá, định mức sau khi trúng thầu thì rất khó thực hiện, chưa thực hiện đã thất lỗ.
Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng kiến nghị điều chỉnh lại định mức chưa hợp lý so với thi công hiện tại, hướng dẫn kiểm tra viêc công bố giá ca máy, nhân công tại địa phương sát với giá thị trường, bổ sung định mức chuyên ngành giao thông vào hệ thống định mức xây dựng làm cơ sở áp dụng.
Tiếp đó, triệt để tinh giảm các thủ tục hành chính, thanh quyết toán toán, nhất là phần việc phát sinh bằng việc kiểm tra, thanh giám sát chặt chẽ có quy địa chỉ hợp đồng trong công tác giải ngân. Đặc biệt, sớm có cơ chế bảo vệ quyền bình đẳng cho các nhà thầu xây dựng trong thực hiện hợp đồng xây dựng, tránh tình trạng nợ đọng triền miên.