Diễn biến phức tạp từ những vụ buôn bán động vật hoang dã 'khủng'

Thời gian gần đây, buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, thực vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật, thực vật hoang dã vào Việt Nam diễn biến phức tạp. Chính phủ, các bộ, ngành đã chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý các vi phạm, ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn này.

Tang vật 10 cá thể khỉ, 2 cá thể beo đốm, 1 cá thể tê tê bị lực lượng chức năng Nghệ An thu giữ đầu năm 2024. Ảnh: CANA

Tang vật 10 cá thể khỉ, 2 cá thể beo đốm, 1 cá thể tê tê bị lực lượng chức năng Nghệ An thu giữ đầu năm 2024. Ảnh: CANA

Lợi dụng cả người tàn tật để xách thuê

Giai đoạn 2023 - 2024, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã vào Việt Nam khá phức tạp trên cả 3 tuyến đường bộ, đường biển và đường hàng không.

Trên tuyến đường bộ, động, thực vật hoang dã thường được cất giấu trong các thùng, hầm, vách ngăn được gia cố, tự chế của các phương tiện vận tải để vận chuyển qua cửa khẩu; trong người, hành lý cá nhân khi nhập cảnh; giấu lẫn với hàng hóa khai báo hải quan...

Phát hiện, bắt giữ 6 vụ liên quan đến ngà voi

Theo thống kê sơ bộ, trong năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, Hải quan Việt Nam đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý 21 vụ việc liên quan đến buôn bán, vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã qua biên giới; trong đó có 6 vụ việc liên quan đến ngà voi.

Đối với tuyến đường biển, các đối tượng thường sử dụng thủ đoạn như khai sai tên hàng, khai báo sai chủng loại và tên khoa học, để lẫn hàng hóa vi phạm với các hàng hóa được khai báo hải quan, thường là các mặt hàng thông thường, có trị giá không quá lớn, không gây chú ý về xuất xứ hoặc các mặt hàng có đặc tính phù hợp với việc được chuyển tải qua nhiều nước và cũng gây khó khăn, mất nhiều thời gian khi kiểm hóa như: hạt điều, hạt lạc, thực phẩm đông lạnh, vỏ ốc biển, sừng động vật, thủ công mỹ nghệ, phế liệu...; dùng thủ đoạn cất giấu tinh vi và để ở các vị trí gây khó khăn cho công tác kiểm tra của cơ quan hải quan.

Trên tuyến hàng không, hàng hóa vi phạm thường được cất giấu trong các lô hàng nhập khẩu và hành lý ký gửi của hành khách nhập cảnh cùng chuyến. Nổi bật, gần đây, các đối tượng chủ hàng còn lợi dụng thuê mướn những người mang quốc tịch nước ngoài bị tàn tật (dị tật ở chân, tay, mắt…) để xách hàng thuê trên tuyến này.

Ngoài ra, bên cạnh việc vận chuyển trực tiếp hàng hóa vi phạm theo đường truyền thống là từ một số quốc gia trọng điểm về Việt Nam, các đối tượng thường tìm cách vận chuyển qua một, hoặc một vài nước thứ 3 về Việt Nam nhằm che giấu nguồn gốc, hoặc đích đến, qua đó “đánh lạc hướng” sự giám sát, kiểm soát các tuyến đường trọng điểm của cơ quan Hải quan.

Thực tế cho thấy, có những lô hàng được chuyển lòng vòng qua nhiều nước để trốn tránh kiểm soát của cơ quan chức năng, được đưa trót lọt qua nước xuất xứ, cũng như các nước quá cảnh, nhưng chỉ khi tới Việt Nam thì đã bị Hải quan Việt Nam và các lực lượng chức năng ở Việt Nam bắt giữ.

Siết chặt các biện pháp kiểm tra, giám sát

Xem công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật hoang dã qua biên giới là một nhiệm vụ trọng tâm, tới đây, các đơn vị liên ngành chủ động tổ chức quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp từ công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành đến công tác triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các loài hoang dã qua biên giới.

Tiên quyết là việc nghiêm túc triển khai thực hiện các chỉ đạo của của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài Chính liên quan đến phòng chống buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã qua biên giới. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng tích cực, chủ động trong xây dựng, hoàn thiện thể chế đảm bảo bổ sung một cách toàn diện các quy định về thẩm quyền, địa bàn hoạt động, phạm vi trách nhiệm và các biện pháp nghiệp vụ đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu. Công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng như Hải quan, Công an, Biên phòng, Kiểm Lâm, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam… cũng cần được tăng cường.

Về phía hải quan, theo ông Nguyễn Văn Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), lực lượng kiểm soát hải quan toàn ngành tăng cường thu thập thông tin, nắm chắc diễn biến tình hình địa bàn, kịp thời xây dựng cảnh báo đối với thủ đoạn mới, đối tượng, tuyến đường mới, xác định trọng điểm, xây dựng kế hoạch, phương án chủ động phòng ngừa và đấu tranh quyết liệt với hoạt động buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã qua biên giới. Đặc biệt, tăng cường khai thác, phân tích các hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành, tổ chức hoạt động giám sát trực tuyến thông qua các hệ thống công nghệ thông tin và trang thiết bị kiểm tra giám sát hiện có của ngành, qua đó hỗ trợ đắc lực cho lực lượng kiểm soát hải quan trong việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vận chuyển trái phép các loài hoang dã qua biên giới.

Về hoạt động hợp tác quốc tế, Hải quan Việt Nam đã tạo được thế chủ động trong hoạt động phối hợp với các lực lượng thực thi trong khu vực và trên thế giới. Qua đó đã xây dựng và hình thành được cơ chế hợp tác, đầu mối trao đổi, chia sẻ thông tin tình báo với nhiều quốc gia.

Trên cơ sở đó, thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp hỗ trợ xác minh và tiếp nhận thông tin nóng từ Hải quan nước ngoài. Đồng thời, nhằm chung tay với cộng đồng các cơ quan thực thi pháp luật trên thế giới trong việc kiểm soát, ngăn chặn buôn bán trái phép các loài hoang dã, Hải quan Việt Nam đã chủ động khởi xướng và tham gia triển khai hiệu quả nhiều chiến dịch, dự án khu vực, quốc tế. Thông qua các hoạt động này, Hải quan Việt Nam và các thành viên tham gia đã tích cực, chủ động chia sẻ, trao đổi tình hình, phương thức thủ đoạn, tuyến đường buôn bán, vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã trọng điểm, các cảnh báo, thông tin nghi vấn và các thông tin hữu ích khác để hỗ trợ các lực lượng đánh giá, phân tích tình hình, xu hướng hoạt động của các đối tượng vi phạm, xây dựng các phương án, kế hoạch kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả./.

Đông Mai

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dien-bien-phuc-tap-tu-nhung-vu-buon-ban-dong-vat-hoang-da-khung-151425-151425.html