Điện Biên nỗ lực chống hạn, cứu lúa

Những ngày này, hàng nghìn nông dân ở Điện Biên còn canh cánh nỗi lo nguy cơ mất mùa vì hạn hán. Lượng mưa ít hơn những năm trước, các hồ thủy lợi cũng cạn trơ khiến hơn 1.000ha lúa đông xuân ở tỉnh Điện Biên bị thiệt hại từ 40-70%, hàng trăm ha có nguy cơ mất trắng. Để cứu lúa, người nông dân, chính quyền các huyện và ngành chức năng Điện Biên đã tìm đủ mọi cách, xong xem ra còn rất nhiều khó khăn…

Hầu hết các mương dẫn nước đều khô cạn

Đề cập tình trạng lúa hạn trên địa bàn, ông Trần Sĩ Quân, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Điện Biên, cho biết: Dù ngành đã lường trước khả năng hạn hán nhưng không ngờ lại phức tạp thế này. Trong tổng số 1.064ha lúa đông xuân bị ảnh hưởng do thiếu nước, đến nay, đã có hơn 248ha lúa bị thiệt hạt gần như toàn bộ; 325ha đang bị thiệt hại từ 40-70% và trên 490ha đối diện nguy cơ hạn. Các huyện trọng điểm lúa của tỉnh, như: huyện Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ và huyện Mường Ảng có nhiều diện tích lúa bị thiệt hại và nguy cơ hạn nặng hơn các huyện khác. Riêng huyện Điện Biên có hơn 500ha; TP. Điện Biên Phủ gần 200ha; huyện Mường Ảng hơn 135ha. Bắt đầu từ cuối tháng hai, tình trạng hạn cục bộ đã xuất hiện tại các địa bàn này và khi mực nước các hồ thủy lợi ngày càng xuống thấp, diện tích hạn theo đó cũng ngày càng tăng.

Đi một lượt qua các khu ruộng bị hạn nặng từ bản Hoong En (phường Nam Thanh, TP Điện Biên Phủ) đến cánh đồng bị hạn nặng ở các xã: Thanh Chăn, Thanh An, Noong Luống… (huyện Điện Biên), chúng tôi thấy nhiều nhóm người canh máy bơm hút nước. Nơi thì hút từ ao, nơi thì hút từ khe nước nhỏ ở ven rừng. Hỏi chuyện người đàn ông đang canh máy ở Thanh Chăn, tôi được biết, huyện mới cấp kinh phí về xã mua máy bơm nhỏ hỗ trợ nông dân cứu lúa.

Toàn xã Thanh Chăn có 33ha bị hạn nặng mà nông dân không cách nào tìm được nước về bởi gần đó, hồ Hồng Khếnh đã cạn sắp tới đáy. Ngồi bên ruộng lúa xác xơ, bà Lò Thị Ngoan, bản Hoong Lếch Cang, xã Thanh Chăn xót xa: Ruộng này của nhà tôi hơn 3.000m2 nhưng quá nửa bị vàng úa vì thiếu nước; suối, hồ đều cạn, chẳng tìm đâu nước mà dẫn về! Nhìn sang mấy thửa ruộng cạnh ruộng bà Ngoan, chúng tôi thấy ruộng nào cũng nứt nẻ chi chít như đường rắn bò; cây lúa không xanh mà toàn màu cỏ úa.

Ở bản Lé, xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng từ cuối tháng 2 đã bắt đầu khô hạn, để có nước cứu lúa, người dân bản Lé góp sức đào hai cái hố chờ… nước mưa nhưng chờ mãi trời không mưa, bà con lại góp tiền mua dây dẫn nước từ khe nhỏ về hố đào. Rồi từ hố, lại dùng máy bơm nhỏ đẩy nước lên các chân ruộng. Làm theo cách đó cũng cứu được gần chục ha lúa nhưng cả tháng nay người được dân bản tín nhiệm canh máy là ông Lù Văn Ín phải thường xuyên túc trực canh hố nước. Gạt mồ hôi đầm đìa trên trán, ông Ín vừa thở dốc vừa nói như khoe: Dù lượng nước không nhiều nhưng cách này cũng cứu được lúa mà bà con không vất vả như ở bản Pí, xã Xuân Lao cô ạ! Bên đó, họ còn phải gánh nước từ ao đổ vào ruộng mà chẳng thấm vào đâu vì nước đổ đến đâu khô đến đó.

Trao đổi với lãnh đạo hai huyện có nhiều diện tích lúa bị ảnh hưởng do hạn là Điện Biên và Mường Ảng, chúng tôi được biết, theo điều kiện thực tế mỗi huyện đều thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân cứu lúa. Ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên, cho biết: Để hỗ trợ bà con cứu lúa, UBND huyện đã xuất cấp ngân sách gần 500 triệu đồng cho tám xã: Thanh Chăn, Noong Luống, Thanh An, Pom Lót, Mường Pồn, Núa Ngam, Hẹ Muông, Pa Thơm mua 12 máy bơm nước cùng ống hút, ống bạt, rọ bơm, bệ đỡ. UBND huyện cũng chỉ đạo các tổ chức đoàn thể: Thanh niên, phụ nữ, nông dân phải tích cực về các xã tuyên truyền đến nhân dân về nguy cơ, mức độ thiệt hại do hạn hán để nhân dân hiểu; cùng với nông dân phát dọn, nạo vét kênh mương, khơi sâu dòng chảy và tận dụng triệt để nguồn nước tự nhiên từ các mó, các khe để bơm tưới cứu lúa.

Còn với huyện Mường Ảng, tuy diện tích lúa bị thiệt hại ít hơn huyện Điện Biên, song công tác khắc phục, hỗ trợ cứu lúa đang còn nhiều khó khăn. Mà như trao đổi của ông Kiều Xuân Hoàng, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mường Ản, vấn đề cơ bản là nguồn nước trên địa bàn đều cạn kiệt cho nên ngay cả khi có máy thì không có nước dẫn về. Bởi vậy, giải pháp mà phòng đã tập trung thực hiện thời gian qua là tăng cường phối hợp với các xã hướng dẫn người dân khắc phục tạm thời bằng cách bơm nước từ các ao để bảo đảm độ ẩm cho cây lúa, tuy nhiên không hiệu quả vì cây lúa thiếu nước từ tháng 2 rất khó hồi phục. Ông Lò Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Đăng cũng cho biết thêm, do thiếu nước nên việc chăm sóc, bón thúc cho cây lúa hầu như không thực hiện được. Nhìn những chân ruộng đang héo từng ngày, nhiều gia đình ở Mường Đăng đã cầm chắc “cái đói” trong tầm tay…

Vừa đưa cho chúng tôi bản báo cáo mới nhất về tình hình nguồn nước, tình trạng hạn hán, thiếu nước trên địa bàn toàn tỉnh, ông Trần Sĩ Quân, Trưởng phòng Trồng trọt Sở NN-PTNT Điện Biên, vừa nói: Đúng là thấy trước nhưng không thể tránh, bởi căn cứ kết quả rà soát dung tích trữ nước tại các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh và nhận định tình hình diễn biến thời tiết, khí hậu, ngay đầu năm 2020 ngành đã dự đoán khả năng sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước tưới vụ đông xuân ở một số huyện, như: Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Ảng, Tuần Giáo. Do vậy, ngoài giải pháp tuyên truyền, vận động nông dân không nên gieo cấy lúa ở những diện tích dự báo thiếu nước mà chủ động chuyển đổi sang các loại cây trồng cạn, có khả năng chống chịu hạn hán (ưu tiên số một là cây ngô) để bảo đảm lương thực, Sở NN-PTNT đã đề nghị các xã phải huy động nhân dân tu sửa, nạo vét kênh mương, điều tiết nước và sử dụng nước tiết kiệm.

Công ty TNHH Quản lý thủy nông Điện Biên phải lắp thêm các máy hút nước từ ao để cứu lúa cho cánh đồng bản Tỉa Ló, xã Thanh Luông (huyện Điện Biên).

Với Công ty TNHH Quản lý thủy nông Điện Biên, Sở đã đề nghị phải lắp đặt đưa vào vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng nguồn nước từ các sông, suối, ao hồ chống hạn cho các khu vực khoanh vùng sản xuất bị thiếu nước. Theo chỉ đạo của Sở, từ ngày 14-2 đến thời điểm này, Công ty TNHH Quản lý thủy nông Điện Biên đã lắp đặt năm trạm bơm với tổng số 12 máy đặt tại ba xã: Thanh Hưng, Thanh Luông, Thanh Yên (huyện Điện Biên). Ưu tiên nước tưới cứu ruộng hạn, Công ty phải điều chỉnh vận hành tưới luân phiên giữa kênh tả và kênh hữu (thủy nông Nậm Rốm) mới có thể tiết kiệm nguồn nước; khi mực nước của các hồ xuống quá thấp, Công ty sẽ lắp thêm máy bơm để bơm nước từ lòng hồ vào các cửa cống.

Được sự chỉ đạo quyết liệt của Sở NN-PTNT, không riêng Công ty TNHH quản lý thủy nông Điện Biên, cả Công ty Cổ phần Xây dựng thủy lợi Điện Biên cũng nghiêm túc thực hiện các biện pháp cứu lúa; sửa chữa kịp thời các hư hỏng trên kênh, tuyến hạn chế tối đa lượng nước thất thoát.

Nói thêm về giải pháp nhằm bảo đảm nước tưới cho sản xuất nông nghiệp của Điện Biên cũng như bảo đảm nước cho cây lúa ruộng ở địa phương, ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng, về lâu dài, ngành sẽ tập trung giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành thói quen sử dụng tiết kiệm nước. Có như thế, mới bảo đảm cho nền nông nghiệp ổn định, thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt như hiện nay.

Bài và ảnh: LÊ LAN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43938502-dien-bien-no-luc-chong-han-cuu-lua.html