Diễn biến bất ngờ xảy ra từ khi ông Trump bị các mạng xã hội 'cấm cửa'
Sau khi bị Facebook và Twitter đóng tài khoản sau cuộc bạo loạn tại Điện Capitol, cựu Tổng thống Trump đã mất quyền truy cập trực tiếp vào những 'chiếc loa siêu thanh' mạnh mẽ nhất của mình. Nhưng một diễn biến bất ngờ đã xảy ra kể từ đó.
Hôm 4/6, Facebook cho biết cựu lãnh đạo Mỹ sẽ không được phép trở lại mạng xã hội lớn nhất hành tinh này cho đến ít nhất là tháng 1/2023, với lý do gây rủi ro đối với an toàn công cộng.
Kể từ khi bị Facebook, Twitter đình chỉ tài khoản cá nhân và phải nhường lại Nhà Trắng cho Tổng thống Joe Biden, ông Trump ít đăng các tuyên bố trực tuyến hơn nhiều. Mặc dù vậy, những phát biểu của ông vẫn lan truyền rất xa và rộng rãi trên các mạng xã hội.
Tờ New York Times đã kiểm tra gần 1.600 bài đăng trên mạng xã hội của ông Trump từ ngày 1/9/2020 đến ngày 8/1/2021, ngày ông bị cấm trên các nền tảng. Sau đó, họ theo dõi mức độ tương tác trên mạng xã hội với hàng chục tuyên bố bằng văn bản mà ông Trump đã đưa ra trên trang web cá nhân, trang web gây quỹ chiến dịch và trong email được công bố từ ngày 9/1 đến ngày 5/5, là ngày mà Hội đồng giám sát của Facebook quyết định rằng công ty đã hành động thích đáng khi cấm cựu Tổng thống Mỹ sử dụng dịch vụ.
Trước lệnh cấm, các bài đăng trên mạng xã hội với mức độ tương tác trung bình của ông Trump thu hút 272.000 lượt thích và chia sẻ. Sau lệnh cấm, con số này đã giảm xuống còn 36.000 lượt thích và chia sẻ. Tuy nhiên, 11 trong số 89 phát biểu của ông Trump sau lệnh cấm đã thu hút nhiều lượt thích hoặc chia sẻ hơn mức trung bình trước lệnh cấm.
Làm thế nào điều đó lại xảy ra?
Ông Trump vốn là người quảng bá tốt nhất cho chính mình thông qua mạng xã hội. Theo phân tích của tờ New York Times, đại đa số người dùng Twitter và Facebook tương tác trực tiếp với các bài đăng của ông, họ "thích" hoặc chia sẻ chúng. Nhưng sau lệnh cấm, các tài khoản mạng xã hội nổi tiếng khác thường lựa chọn các thông điệp của ông Trump và tự đăng chúng lên.
Trước khi bị các mạng xã hội cấm, hôm 8/10/2020, ông Trump tweet rằng ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ khi đó là Biden và người liên danh Kamala Harris đã "liên tục nói dối". Bài đăng nhận được trên 500.000 lượt thích và chia sẻ trên Facebook và Twitter.
Vào ngày 21/3 năm nay, sau lệnh cấm, ông Trump công bố trên trang web của mình rằng chính quyền của ông đã bàn giao “đường biên giới an toàn nhất trong lịch sử” cho chính quyền kế nhiệm. Ông tiếp tục chỉ trích cách xử lý của chính quyền Tổng thống Biden đối với cuộc khủng hoảng biên giới. "Đất nước của chúng ta đang bị phá hủy!", ông Trump tuyên bố. Câu nói của ông đã được thích và chia sẻ lại hơn 661.000 lần.
Chỉ số Thông tin Toàn cầu (GDI), một tổ chức phi lợi nhuận phi đảng phái nghiên cứu về thông tin sai lệch, đã xem xét khuynh hướng chính trị của các tài khoản hàng đầu chia sẻ các tuyên bố của ông Trump sau khi ông bị Facebook và Twitter cấm. Nhóm đã phân loại hàng trăm tài khoản theo khuynh hướng tả/hữu, hoặc kết hợp cả hai, dựa trên các tiêu chuẩn mà họ đã thiết lập thông qua việc xếp hạng rủi ro sai lệch thông tin cho các trang tin tức và các phương tiện truyền thông trực tuyến khác.
Qua đó, một điều đã trở nên rõ ràng ngay lập tức: những người ủng hộ nhiệt thành nhất của cựu Tổng thống Trump vẫn tiếp tục truyền bá thông điệp của ông - làm công việc mà bản thân ông không thể làm được.
Những chủ tài khoản chia sẻ nhiều nhất bài đăng trong tháng 3 bao gồm ấn phẩm cánh hữu Breitbart News, trang Facebook có tên “Câu lạc bộ người hâm mộ Tổng thống Donald Trump”, Fox News và Jenna Ellis - một luật sư thường xuyên xuất hiện trên truyền hình với tư cách là người ủy nhiệm của ông Trump.
Nhưng khi cựu Tổng thống Mỹ chỉ trích những người Cộng hòa, nhận xét của ông đôi khi được cả phe cánh tả và cánh hữu quan tâm. Ví dụ, vào ngày 16/2, ông chế nhạo Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo phe thiểu số đảng Cộng hòa. Những người chia sẻ hàng đầu ở phe cánh phải bao gồm chương trình “Fox & Friends”, Washington Examiner. Ở bên cánh trái, những người chia sẻ nhiều nhất bao gồm trang Facebook nổi tiếng Stand With Mueller và nhà báo Jim Acosta của CNN. Tổng cộng, câu chỉ trích của ông Trump đã được chia sẻ và thích hơn 345.000 lần trên Facebook và Twitter.
Một chủ đề gây chú ý khác từ ông Trump là những tuyên bố về gian lận bầu cử. Phân tích của tờ New York Times đã xem xét 10 bài đăng phổ biến nhất có thông tin sai lệch về bầu cử của ông từ trước khi bị cấm và so sánh chúng với 10 bài viết phổ biến nhất của ông có chứa thông tin sai lệch về bầu cử sau lệnh cấm.
Kết quả, trước lệnh cấm, các bài đăng của ông Trump thu hút được 22,1 triệu lượt thích và chia sẻ; Sau lệnh cấm, bài đăng của ông chỉ kiếm được 1,3 triệu lượt thích và chia sẻ trên Twitter và Facebook.
Các nhà nghiên cứu thông tin sai lệch cho biết sự khác biệt đó chỉ ra sức mạnh to lớn mà các công ty truyền thông xã hội có được trong việc kiềm chế thông tin sai lệch chính trị.
Các tuyên bố của Trump thu hút nhiều sự quan tâm nhất sau lệnh cấm bao gồm các chủ đề như về các cuộc “chiến tranh văn hóa” (như khi ông kêu gọi tẩy chay bóng chày), khen ngợi những cá nhân cụ thể (như dành cho người dẫn chương trình phát thanh Rush Limbaugh, vừa qua đời) và các cuộc tấn công nhằm vào chính sách của Tổng thống Biden liên quan đến những vấn đề như khủng hoảng biên giới và thuế.