Tần Thủy Hoàng được người đời nhớ đến với việc thống nhất giang sơn Trung Quốc về một mối khi chinh phục được 6 quốc gia: Hàn, Sở, Yên, Triệu, Tề, Ngụy.
Nhờ vậy, lãnh thổ nhà Tần mở rộng rất nhiều sau khi thống nhất đất nước, khoảng 3,4 triệu km2. Lãnh thổ mở rộng đồng nghĩa với việc số dân cũng tăng lên. Kéo theo đó là việc bộ máy chính quyền phải quản lý phụ trách khối lượng công việc nhiều hơn.
Biết được điều này, Tần Thủy Hoàng đã cho bổ nhiệm hệ thống quan lại mới và đều là những nhân tài trung thành với nhà Tần.
Do lo sợ những quan lại cũ của các nước bị nhà Tần sáp nhập có thể gây "sóng gió" nên Tần Thủy Hoàng không trọng dụng họ.
Đây cũng là lý do khiến việc quản lý ở địa phương dưới thời nhà Tần không cao do quan chức mới không có sự tín nhiệm của người dân.
Do mới thống nhất lãnh thổ nên Tần Thủy Hoàng cũng phải đối mặt với nhiều cuộc nổi dậy nhỏ. Mỗi lần như vậy, vị hoàng đế nhà Tần giao cho 2 đại thần là Vương Tiễn và Vương Bí đàn áp các cuộc nổi dậy của những người bất mãn với nhà Tần.
Không những vậy, dưới thời nhà Tần, người dân phải đóng nhiều loại thuế khiến cuộc sống khó khăn.
Nhiều nam giới bị bắt đi lính, xây dựng Vạn Lý Trường Thành và nhiều công trình khác khiến dân chúng ngày càng chán ghét, ôm lòng oán hận nhà Tần.
Những chính sách cứng rắn và độc đoán của Tần Thủy Hoàng được cho là một phần nguyên nhân khiến hệ thống quản lý của nhà Tần rơi vào khủng hoảng.
Do không có kinh nghiệm quản lý vùng lãnh thổ rộng lớn hơn rất nhiều so với trước thời điểm thống nhất giang sơn nên nhà Tần nhanh chóng diệt vong sau 14 năm tồn tại.
Theo Tâm Anh/Kiến thức