Điểm sáng trong thực hiện các chính sách dân tộc

Với tinh thần 'tất cả vì đồng bào dân tộc thân yêu', thời gian qua, các chương trình, chính sách dành cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đã được tỉnh Hòa Bình tập trung triển khai nhanh, hiệu quả với nhiều cách làm sáng tạo. Điều này không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển mà còn củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc; tiếp tục tạo dựng niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp.

Đoàn ĐBQH tỉnh khảo sát việc thực tế công trình cấp nước sạch tại xã Pà Cò, huyện Mai Châu. Ảnh: Lê Huệ

Phát huy hiệu quả các cơ chế, chính sách

Hòa Bình là 1 trong 10 địa phương có đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ cao, tới 74,43%. Do vậy, việc ưu tiên đầu tư, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội và phát huy vai trò của đồng bào DTTS được xác định là nhiệm vụ trọng tâm và cũng là giải pháp chiến lược thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Nhờ chủ động bám sát các quy định, hướng dẫn của Trung ương và linh hoạt trong lồng ghép các chương trình, chính sách dân tộc, đời sống của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) tiếp tục được cải thiện, cơ sở hạ tầng từng bước được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm đáng kể (bình quân khoảng 3%/năm). Trong đó, các xã ĐBKK có tỷ lệ giảm bình quân khoảng 5%.

Năm 2023, UBND tỉnh đã phân bổ 813.580 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ phát triển sản xuất, văn hóa, giáo dục, y tế; xây dựng nhà ở, nước sinh hoạt và đào tạo nghề, mở rộng việc làm cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có thêm 6 xã thoát khỏi diện ĐBKK, được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM; nâng tổng số xã ĐBKK thoát khỏi diện xã ĐBKK và được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2023 là 14/59 xã.

Trong số xã ĐBKK về đích NTM năm 2023, xã Độc Lập, thành phố Hòa Bình là một trường hợp “đặc biệt”. Dù xuất phát điểm chỉ đạt 9/19 tiêu chí, song từ các nguồn vốn hỗ trợ và sự chung tay của các cấp ủy, chính quyền, người dân, từ một xã ĐBKK, xã Độc Lập đã cán đích NTM trước thời gian dự kiến. Cùng với chương trình xây dựng NTM, từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, xã đã triển khai các dự án hỗ trợ sản xuất; mở các lớp đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, giới thiệu việc làm để nâng cao thu nhập cho người dân. Nhờ vậy, chỉ chưa tròn một năm, hạ tầng điện, đường, trường, trạm, chợ, nhà văn hóa trên địa bàn xã được đầu tư đồng bộ, khang trang. Cái khó, cái nghèo dần được đẩy lùi, người dân cùng giúp nhau vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống.

Tăng cường cung cấp các nguồn vốn ODA không hoàn lại

Ngoài 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai, những năm qua, nhiều chính sách đầu tư hỗ trợ riêng cho vùng đồng bào DTTS cũng được triển khai. Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Bích Ngọc đánh giá: Nhờ vận dụng, lồng ghép linh hoạt, sáng tạo các chính sách, nguồn lực, diện mạo kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh đã có bước phát triển mạnh mẽ. Hòa Bình trở thành “điểm sáng” về thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Tuy nhiên, quá trình tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng ghi nhận nhiều ý kiến, kiến nghị liên quan đến những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đơn cử, như một số chính sách hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo. Theo định mức quy định hỗ trợ như hiện nay là 40.000.000 đồng/hộ sẽ rất khó cho triển khai chính sách ở vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh cũng chỉ rõ, một số chính sách, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS hiện còn tương đối nhỏ lẻ, manh mún. Trong khi nhận thức của người DTTS một số nơi còn hạn chế nên vẫn còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Nhiều công trình, dự án công tác thẩm định ban đầu còn thiếu chặt chẽ, chưa được tính toán kỹ lưỡng dẫn đến khi đưa vào sử dụng không hiệu quả, gây bức xúc trong Nhân dân; công tác bảo dưỡng, duy trì hoạt động chưa được chú trọng dẫn đến có những công trình chỉ hoạt động thời gian ngắn đã bỏ không, gây lãng phí nguồn lực…

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc trong giai đoạn tiếp theo, Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị, Chính phủ xem xét điều chỉnh lại chỉ tiêu giao cho tỉnh đến năm 2025 có 28 xã và 50% số thôn, xóm thoát khỏi diện ĐBKK. Do Hòa Bình là tỉnh nghèo, nhận trợ cấp cân đối của ngân sách Trung ương trên 60%, nguồn vốn Trung ương phân bổ cho tỉnh để thực hiện Chương trình chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của địa phương. Cùng với đó, tăng cường cung cấp các nguồn vốn ODA không hoàn lại để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã ĐBKK trên địa bàn tỉnh Hòa Bình trong giai đoạn 2021 - 2030, tập trung vào lĩnh vực hạ tầng giao thông và cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ các hoạt động giáo dục cho vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh.

TRẦN TÂM

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/diem-sang-trong-thuc-hien-cac-chinh-sach-dan-toc-i357058/